Trong khi đó, thị trường mua bán nợ của Việt Nam còn sơ khai, công cụ và hành lang pháp lý chưa đồng bộ đang đòi hỏi Việt Nam nhanh chóng có sàn giao dịch nợ để đảm bảo công khai minh bạch thông tin.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2017 đã tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả giúp các tổ chức tín dụng đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết, đến nay toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 530 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong số đó, lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến 30/4/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được gần 350 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42, chiếm 66% tổng số nợ, đạt trung bình khoảng 8 nghìn tỷ đồng/tháng.
Nợ xấu không chỉ được bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mà còn được chính các ngân hàng tự mua về xử lý và làm sạch bảng cân đối.
Riêng đối với VAMC, từ năm 2018 đến nay, công ty đã bán đấu giá thành công gần 3 nghìn tỷ đồng các khoản nợ và tài sản bảo đảm, có 21 tổ chức tín dụng đã tất toán dư nợ tại VAMC.
Tuy nhiên, hiện nay, mua bán nợ chủ yếu theo hình thức cạnh tranh hoặc đấu giá, còn rất sơ khai. Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, Việt Nam đang thiếu vắng một thị trường mua bán nợ chính thức thực sự, các nghiệp vụ phái sinh cho khoản nợ xấu, như chứng khoán hóa chưa có, dẫn đến thiếu nhà đầu tư có năng lực, thiếu tính thanh khoản của các khoản nợ.
Do đó, lãnh đạo VAMC kiến nghị, cần nâng tầm, thể chế hóa Nghị quyết 42 sau khi kết thúc thời gian thí điểm, đồng thời sớm hình thành hệ thống thị trường mua bán nợ; xây dựng khung khổ pháp luật cho thị trường này và các công cụ cũng phải được hoàn thiện.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chấp thuận chủ trương thành lập Sàn giao dịch nợ VAMC theo mô hình chi nhánh. Theo đó, VAMC đã thành lập Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam – Chi nhánh Sàn giao dịch nợ (tên viết tắt: Sàn giao dịch nợ VAMC), cũng như ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của sàn giao dịch nợ VAMC.
Ngoài ra, VAMC cũng đã triển khai thủ tục đăng ký hoạt động của Sàn giao dịch nợ VAMC theo mô hình chi nhánh và đã được Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động.
Theo VAMC, Sàn giao dịch nợ VAMC ra đời với hoạt động trọng tâm là cung cấp các dịch vụ tư vấn, môi giới mua, bán nợ và tài sản của các tổ chức, cá nhân thông qua việc sử dụng các kiến thức chuyên môn để phát hiện vấn đề, đề xuất các giải pháp liên quan đến hoạt động mua, bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và làm trung gian. Sàn cũng là nơi dàn xếp việc mua bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu giữa các bên.
Sàn giao dịch nợ VAMC được thành lập để hướng tới mục tiêu tạo lập, cung cấp một loại hình dịch vụ mới, chuyên nghiệp, hiệu quả trong hoạt động xử lý nợ xấu. Từ đó nâng cao vị thế, vai trò của VAMC, góp phần xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu, thúc đẩy thị trường mua bán nợ phát triển; trong đó VAMC đóng vai trò trung tâm của thị trường.
Ông Đoàn Văn Thắng cho biết, VAMC hiện đang hoàn thiện những thủ tục cuối cùng để chính thức khai trương Sàn giao dịch nợ xấu dự kiến trong quý III/2021.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận chủ trương thành lập sàn giao dịch nợ VAMC theo mô hình chi nhánh sẽ góp phần xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu, thúc đẩy thị trường mua bán nợ phát triển. Tuy nhiên, để Sàn giao dịch nợ VAMC có thể vận hành theo đúng mục tiêu đề ra có nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ.
Theo chuyên gia tài chính ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu, thời gian qua thị trường mua bán nợ còn nhỏ lẻ, hạn chế với sự tham gia của một số chủ thể gồm khoảng 30 Công ty quản lý tài sản, mua bán nợ (AMCs) trực thuộc các ngân hàng thương mại, Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC), VAMC, tổ chức tín dụng và các tổ chức, cá nhân khác được thực hiện hoạt động kinh doanh mua, bán nợ. Tuy nhiên, hoạt động mua bán nợ trên thị trường hiện tại chủ yếu tập trung vào DATC và VAMC.
Do đó, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng cần phải hình thành một thị trường mua bán nợ công khai, đủ các thành phần kinh tế, doanh nghiệp hay cá nhân trong và ngoài nước đều có thể tham gia.
Song trong quá trình hoạt động, VAMC cũng là một chủ thể tham gia vào thị trường mua bán nợ. Vì thế, để tránh hiện tượng vừa “đá bóng vừa thổi còi”, TS Nguyễn Trí Hiếu đề nghị cần phải có một ủy ban quản lý và cơ chế hoạt động tương tự như sàn giao dịch chứng khoán, với thông tin công bố đầy đủ về các giao dịch, các khoản nợ cần bán, cần mua. Các thông tin này cần được công khai, minh bạch để nhiều nhà đầu tư thêm cơ hội lựa chọn và tăng niềm tin.
Ông Đoàn Văn Thắng cũng thừa nhận thị trường mua bán nợ hiện còn sơ khai, khuôn khổ pháp lý cho các chủ thể tham gia thị trường chưa đồng bộ, hạ tầng mới bước đầu hình thành và phương thức mua, bán nợ xấu vẫn còn hạn chế.
Các giao dịch mua bán nợ vẫn chủ yếu thông qua hợp đồng nghĩa là bên mua nợ và bên bán nợ ký kết hợp đồng chuyển giao quyền và nghĩa vụ đối với một hoặc một số khoản nợ cụ thể.
Ông Đoàn Văn Thắng kỳ vọng sàn giao dịch nợ của VAMC sẽ thúc đẩy quá trình xử lý, mua bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu đồng thời thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia thị trường này.