Những ‘nỗi đau’ tư duy thời VUCA

ThS Lê Anh Tú - Giảng viên khoa QHCC - TT - ĐH Văn Lang | 29/12/2022 21:00

Tại một cuộc hội thảo gần đây ở đại học, với chủ đề về thay đổi tư duy người học để thích ứng với thời VUCA, tôi chợt nghĩ về những “nỗi đau” tư duy ở nước ta vốn đã có từ lâu lắm…

'Đau đời có cứu được đời đâu'

Từ những năm 90 đến nay, khái niệm “VUCA” dùng để mô tả về thế giới “đa cực”, được xác lập khi thỏa 4 điều kiện: Biến động (Volatility), Không chắc chắn (Uncertainty), Phức tạp (Complexity) và Mơ hồ (Ambiguity).

Các diễn giả phân tích về thực trạng tư duy “đóng” (fixed mindset) của người Việt, và kết luận rằng chỉ khi phá vỡ được lối mòn tư duy, dân tộc mới có thể cất cánh, vươn lên trong thời buổi nhiều biến động và kinh tế tri thức được đề cao. Chuyện nghe chừng không mới, nhưng vì sao cứ phải… nói đi nói lại?

Nếu như ai đã từng nghiên cứu về tư duy, dù ít dù nhiều, cũng biết rằng tư duy theo lối mòn là một điểm yếu chí tử của xã hội có tính đóng cao như ở phương Đông. Trái ngược với văn hoá đề cao Tư duy phản biện (Critical thinking) ở phương Tây, thể hiện qua các trước tác kinh điển từ hàng ngàn năm trước của văn minh Hy Lạp – La Mã, tại phương Đông, việc đề cao tính tuần tự trước – sau, nề nếp và quy củ của Nho giáo đã vô tình trói buộc tư duy của con người.

Tất nhiên mỗi hệ thống đều có mặt ưu - khuyết, song xét về sự hỗ trợ cho quá trình phát triển và tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tinh thần phản biện của văn minh phương Tây đã giúp cho nền dân chủ được vận động không ngừng, không xơ cứng, không già cỗi và dễ dàng đào thải những tác nhân cản trở sự đi lên của nhân loại. Ở nước ta, trong những năm gần đây, các môn học về Tư duy Phản biện, Khởi nghiệp và Đổi mới – Sáng tạo đã được giảng dạy tại nhiều trường đại học. Đó là một hướng đi đúng đắn nhằm phá vỡ lối mòn ngay từ trên ghế nhà trường, để… hạn chế cảnh “đau đời có cứu được đời đâu” như nhà thơ Huy Cận mô tả trong bài thơ “Các vị la hán chùa Tây Phương” cách đây hơn 60 năm.

'Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh'

Sự phát triển của các cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật suốt vài thế kỷ qua đã kéo gần khoảng cách Đông – Tây và xoá nhoà rất nhiều khác biệt. Giờ đây, một học sinh Việt Nam đọc viết chữ quốc ngữ hệ Latin đã không còn chút trăn trở nào của các trí thức ông cha thời cụ đồ Chiểu hay Phan Bội Châu về việc “Hán học suy tàn”. Song từ góc độ của một người thực hành giáo dục, tôi thấy rằng sự học ở thế kỷ 21 vẫn còn một chặng dài, rất dài phía trước để thay đổi tư duy.

Không nói quá xa xôi mà hãy nhìn vào thực tế gần gũi. Có lẽ nhiều phụ huynh và thầy cô cũng đồng tình rằng có rất nhiều trẻ hiếu động, tinh nghịch lại vô cùng sáng tạo, linh hoạt và thông minh. Trong khi đó, triết lý của giáo dục Khai phóng không mong muốn gì hơn việc đào tạo nên những cá nhân vừa sáng tạo, vừa hàm dưỡng tri thức và có nhân cách trong sáng, thẳng ngay. Thế mà khi trưởng thành, chính rất nhiều trẻ nhỏ thông minh sáng dạ lại trở nên… ù lì, ủ rũ, có tư duy cứng nhắc, lối mòn. Vì đâu nên nỗi?

Nếu không phải thiếu “hạt giống” tốt, thì nguyên nhân rõ ràng đang nằm ở phương pháp giáo dục.

Nhưng để đổi mới phương pháp giáo dục, không phải chỉ là trách nhiệm của một người thầy, hay một môn học nào đó ở bậc Đại học. Nhìn rộng ra, đó là cuộc đổi mới tư duy mang tính cách mạng, gắn với cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0. Không thể có con người đủ khả năng làm chủ khoa học – công nghệ mà chỉ biết chăm chăm làm theo lời người khác, hoặc xơ cứng trong khả năng tự học, tự hoàn thiện từ khi còn ở tuổi đôi mươi.

Để thực hiện được điều này, cần sự chung tay hợp tác thật lòng giữa các thế hệ, thay đổi cả từ trên xuống (top-down) lẫn từ dưới lên (bottom-up).

Nghĩ thì lúc nào cũng dễ hơn làm. Hết nhớ Huy Cận, tôi lại nhớ cụ Nguyễn Tiên Điền, “đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”. Mong rằng tôi đang không quá bi quan, và những “nỗi đau” tư duy vẫn đang được tháo gỡ từng phần, như mọi khó khăn, vướng mắc khác ở đất nước đang phát triển và trong quá trình Hội nhập.

Vì nếu không thay đổi bây giờ, thì đợi bao giờ?

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Những ‘nỗi đau’ tư duy thời VUCA
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO