Những giấc ngủ sáng mồng một Tết

Trần Chánh Nghĩa| 11/01/2023 07:30

Con đường thẳng tắp vắng lặng trong màn đêm. Trời chưa sáng, những con đường vẫn còn ngủ yên. Có lẽ chỉ trong giây phút ngắn ngủi của buổi sáng mồng một tết, người dân thành phố năng động ồn áo náo nhiệt nhất nước này mới có được giấc ngủ hiền hòa.

1. Trong sự lãng đãng của mùa xuân, nhiều người ví đây là giấc ngủ của một người con gái mới lớn đầy mộng mơ. TP.HCM, một thành phố trẻ. Ở đó, có những con đường rợp bóng me xanh, từng in dấu những cuộc tình vụng dại. Có những con đường mà tuổi thơ của nhiều người còn in dấu.

Con đường Duy Tân (nay là Phạm Ngọc Thạch) cây dài bóng mát

Bạn sẽ rất buồn nếu đã ở TP.HCM nhiều năm rồi vì một lý do nào đó phải ra đi. Bạn sẽ thấy hiếm có một thành phố nào trên hành tinh này đem lại cho bạn được những cảm giác thân ái như ở đây.

Sáng mồng một tết đi lại những con đường xưa. Đường Duy Tân (bây giờ là Phạm Ngọc Thạch) nơi em đã từng dùi mài ở trường Luật. Đường Nguyễn Thị Minh Khai, em đã có một thời ngày hai buổi áo trắng đến trường.

Hồ con rùa, nơi không bao giờ vắng khách lại tĩnh lặng vào sáng mồng một tết.

Sáng mùng một Tết đã làm sống lại trong tôi với những khoảng trời vắng lặng...

Đường Đồng Khởi yên giấc

2. Nhiều năm rồi tôi có thói quen dạo chơi Sài Gòn vào buổi sáng tinh sương ngày mồng một tết. Năm nào cũng thế, tại góc đường Alexandre de Rhodes – Phạm Ngọc Thạch, tôi bắt gặp một chiếc xe đẩy với nhiều hàng hóa lỉnh kỉnh được trùm kín bạt.

Bên cạnh chiếc xe, trên chiếc võng đong đưa lầ một bà cụ say nồng trong giấc ngủ.

Tôi biết bà. Bà đã cao tuổi rồi nhưng không có một mái nhà để về, dù là trong ngày tết. Cuộc mưu sinh và cũng là cả tài sản của bà ở trong chiếc xe hàng đẩy tay này.

Không con cháu không người thân. Thân nhất với bà có lẽ là... cái trụ đèn và trụ biển báo. Chúng đã đỡ thân bà trong đêm khuya giá lạnh. Bà trùm mền ngủ yên...

Từ kinh nghiệm của nhiều năm trước, tôi không dám lay động mà lẳng lặng chụp ảnh. Khi phát hiện ra, bà nói: “Tao ghét mấy thằng phóng viên chụp hình tao đưa lên báo làm công an đến đuổi tao. Để cho tao yên”.

Tôi không giận bà, mà trái lại thương bà vô hạn. Giả sử đến Tết của một năm nào đó tôi lại ra đây không gặp bà, chắc buồn lắm. Nhưng mà sao biết được sự đời, bởi tuổi bà đã cao mà lại còn một nắng hai sương...

Bà cụ đong đưa giấc ngủ. Bên cạnh là xe bán hàng vùa để mưu sinh nhưng cũng là tài sản của bà.

3. Cũng sáng mồng một Tết, trời còn tối. Trên đường Hai Bà Trưng trước một cửa hàng đóng kín, hai chiếc xích lô đấu đầu nhau. Trên xe 2 người đàn ông đang ngủ. Nhìn qua gương mặt, cả hai đã ngoài 50.

Một chị bán hàng khuya gần đó kể lại, một người quê ở Long An quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời vẫn không đủ ăn.

Vợ con nheo nhóc thất học. Làm mãi nhưng cũng không cải thiện được chút nào. Vừa rồi vợ bệnh, ông đành phải bán miếng đất và căn chòi là nơi trú ngụ của gia đình để chạy chữa thuốc thang.

Đất và nhà không còn nhưng cũng không cứu nổi người vợ. Ông đành phải đêm đêm dùng hiên nhà người để làm nơi trú ngụ.

Còn người kia, cuộc sống càng bi đát hơn. Cũng vợ con nhưng vì quá nghèo tất cả đều bỏ ông ra đi. Quê ở tận Tiền Giang, không miếng đất cắm dùi đành phải lên đây hàng ngày chạy xe kiếm sống.

Hai mảnh đời nghiệt ngã trong buồi sáng mồng một tết

Chợt có tiếng kêu ú ớ, tôi lắng nghe ông gọi tên một ai đó. Chị bán hàng nói ông gọi tên vợ con mình đó.

Thì ra trong tiềm thức, một mái ấm với tiếng khóc của trẻ thơ, tiếng cười của người lớn vẫn còn ám ảnh ông trong giấc ngủ...

Nhìn hai ông ngủ say, dường như quên cả mọi việc. Nghề xích lô bây giờ đã không còn đất sống. Những chiếc xe thô sơ đã không còn được phép lưu thông. Vậy mà đó lại là nguồn sống của hai mảnh đời tận cùng của khổ đau...

4. Trước quán cơm gà Hồng Phát cũng trên đường Hai Bà Trưng, người phụ nữ trẻ trùm chăn yên giấc. Bên cạnh chị, khoảng hơn 100 trái dưa hấu được chất gọn thành đống...

Đống dưa và giấc ngủ

Chiều 28 Tết chị đổ về đây khá nhiều dưa. Chỉ trong hai ngày cuối năm, chị bán được cũng khá nhưng vẫn chưa hết. Thế là ngủ lại đây để trong những ngày tết chị tiếp tục bán cho đến quả cuối cùng.

Chị có chồng con ở tận Gò Công. Dưa là nhà trồng. Chị cho biết năm nào chị cũng đổ dưa về đây và đếu bán hết trước giao thừa rồi sau đó về sum họp gia đình. Năm nay người mua không nhiều nên cũng bấy nhiêu đó nhưng vẫn còn.

Chị than thở: "Không biết bây giờ mấy cha con chúng nó ra sao?"

Câu chuyện giữa tôi và chị không kéo dài được vì tôi thấy chị còn ngái ngủ. Thôi thì đi cho chị nghỉ ngơi phục hồi lại sức khỏe đã tiêu hao trong mấy ngày qua. Giấc ngủ của chị, tôi biết cũng không sâu bởi còn phải có chút tỉnh táo để bảo vệ đống dưa kia.

Sài Gòn là vậy đó. Sài Gòn luôn mở rộng vòng tay với những mảnh đời nghiệt ngã. Và tôi yêu cái thâm trầm mà lại rất nhân văn của Sài Gòn...

Trần Chánh Nghĩa

Đã đăng trên VietNamNet ngày 23/01/2012
https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/nhung-giac-ngu-sang-mong-mot-tet-58681.html

Bài liên quan
  • 11 ngày truy tìm kẻ vô gia cư gây ra vụ cướp manh động
    Vụ cướp táo tợn xảy ra giữa ban ngày nhưng dấu vết để lại cực kỳ ít ỏi. Thêm vào đó, cán bộ trong đơn vị có người nhiễm Covid-19 khiến chỉ huy Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Nam Từ Liêm như ngồi trên lửa.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Những giấc ngủ sáng mồng một Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO