Những đôi mắt chiều cuối năm

ThS Lê Anh Tú- Giảng viên trường ĐH Văn Lang | 19/01/2023 14:30

Những ngày cuối năm, trong khi nhiều gia đình đã cơ bản chuẩn bị xong một cái Tết ấm êm, bao người lao động vẫn tất bật với mối lo cơm áo chưa bao giờ nhẹ gánh…

Khi quan sát một người, tôi thường để tâm vào đôi mắt họ. Có vẻ như không có gì giấu được trong đôi mắt, nhất là khi người đó đang mang nhiều tâm sự. Chiều cuối năm, càng đi chậm lại, càng thấy quanh ta nhiều đôi mắt thoáng qua giữa dòng đời ánh lên nỗi lo toan mải miết.

Vừa dẫn xe ra khỏi trường, cán phải một cây đinh loại… “hàng khủng” ngay buổi dạy cuối của năm học cũ, tôi ghé vào một tiệm sửa xe ở vòng xoay Ngã Bảy. Cô chú chủ tiệm đều đã hơn 60 tuổi, vừa “chăm” mấy chiếc xe “thương phế binh”, vừa chăm đứa cháu ngoại mới lẫm chẫm biết đi. Cô chú cho biết đã gắn bó với vòng xoay này 30 năm nay. Gần 5 giờ chiều, trời Saigon trở lạnh. Nhưng cái hơi người hầm hập hối hả của giờ tan tầm đã khiến cho quanh tôi không ai thấy lạnh. Có chăng là lạnh trong lòng, vì nỗi buồn của một năm vất vả luôn ẩn hiện nơi đáy mắt của cặp vợ chồng già.

tguntitled.jpg

Cảnh tượng làm tôi chợt nhớ tới hơn 10 năm về trước, khi tôi vừa trở thành biên tập viên của đài truyền hình HTV. Lần đó cũng gần Tết, tôi được phân công làm một clip ngắn tầm 3 phút về người nghèo ở huyện Cần Giờ được quà Tết trong chương trình truyền hình trực tiếp ‘Tết làm điều hay’. Đôi vợ chồng và các cháu nhỏ ngày ấy, không biết đến nay đã có thể vươn lên, vượt qua số phận?... Tôi không rõ, vì cũng lâu rồi không liên lạc với nhân vật cũ. Song ánh mắt lấp lánh niềm vui của người lao động khi nhận những phần quà Tết, với tôi vẫn luôn ám ảnh mãi về sau.

“Để không ai bị bỏ lại phía sau”, đó là điều mà nhiều chính quyền trên toàn cầu luôn tâm niệm. Nhưng thế giới ta đang sống có thực đang như vậy? Toàn cầu hoá đang diễn ra từ vài mươi năm nay, song cái nghèo có thôi đeo đẳng số phận con người, hay khoảng cách giàu – nghèo vẫn đang không ngừng thách thức những nỗ lực từ nhiều phía?

Để bớt đi những phận nghèo, các nhà khoa học lẫn giới chức đã nghĩ ra biết bao phương pháp. Gần đây, tôi có đọc nhiều bài viết về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Với cái tên thân thương ông Sáu Dân, ông đã thực sự đi vào lòng những nhà trí thức, hiền sĩ trong và ngoài nước. Tâm sự cùng nhà báo Vũ Kim Hạnh, tôi chợt nghĩ rằng để dân tộc ta bớt đi nhiều cảnh khổ, nên chăng cái Tâm lãnh đạo của ông Kiệt nên được noi gương sâu rộng, còn năng lực của mỗi người lãnh đạo đến đâu, cũng không quá quan trọng. Có như vậy, ông mất đi nhưng nhiều người khác vẫn còn đây, vẫn tiếp nối dựng xây bằng cái tâm trong sáng, cái tâm với dân, với người nghèo, với trí thức và Đất nước.

Thật khó để chỉ trong vài dòng ngắn ngủi có thể… xử lý một vấn đề to tát của nhiều người. Chợt thấy cũng may, khi xã hội nơi ta đang sống dù còn đó tham nhũng và trăm thứ khó khăn, vẫn luôn có đạo nghĩa “lá lành đùm lá rách”. Để tình thương được sẻ san, cho những đôi mắt buồn cuối năm có thêm tia hy vọng vào một tương lai chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn…

Viết đoạn, lại nhớ lan man một câu chuyện dụ ngôn vừa đọc trên mạng xã hội. Chuyện rằng một ngày nọ, người bố giàu có dẫn cậu con trai nhỏ thăm một ngôi làng. Người bố kiêu hãnh muốn cho con trai mình thấy người nghèo sống ra sao, họ có thể nghèo đến mức nào. Hai cha con dành thời gian tham quan cánh đồng và nơi sinh sống của một gia đình nghèo. Sau khi trở về, ông bố hỏi cậu con trai:

- Con thấy chuyến đi như thế nào?

Cậu đáp:

- Rất tuyệt bố ạ!

Người bố lại hỏi:

- Con đã thấy người nghèo sống như thế nào chưa?

- Vâng con thấy rồi bố ạ!

- Vậy nói cho bố nghe, con đã học được gì từ chuyến đi này?

- Chúng ta có một con chó, họ có bốn con. Chúng ta có bể bơi, họ có những con sông. Chúng ta dùng đèn vào ban đêm, họ có những ngôi sao. Chúng ta có những bức tường để bảo vệ mình, họ có bạn bè. Chúng ta có TV để giải trí, còn họ dành thời gian thăm hỏi thành viên trong gia đình và họ hàng…

Tất nhiên, dụ ngôn cũng chỉ là chuyện kể. Song nếu có thể kéo lại gần hơn những cách ngăn, thế giới này cũng đã tốt đẹp hơn nhiều lắm. Để những đôi mắt có thể nhìn thấy tấm lòng nhau, cởi mở và vơi bớt nỗi buồn. Cho một năm mới thêm tươi đẹp và hạnh phúc dài lâu…

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Những đôi mắt chiều cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO