Những dấu mốc trong cuộc khủng hoảng tồi tệ làm rung chuyển Sri Lanka

16/07/2022 05:45

Sri Lanka đang chìm trong khủng hoảng kinh tế - chính trị trầm trọng nhất 7 thập kỷ qua, trong đó tổng thống đã rời bỏ đất nước đi lánh nạn giữa lúc người dân đổ ra đường biểu tình suốt nhiều tháng, thậm chí đốt phá tư dinh của lãnh đạo.

Những người biểu tình ở Sri Lanka đã yêu cầu các lãnh đạo chính phủ từ chức sau nhiều tháng phải hứng chịu tình trạng mất điện dai dẳng, thiếu lương thực và nhiên liệu trầm trọng cũng như lạm phát phi mã.

Hàng nghìn người xuống đường tham gia một cuộc biểu tình chống chính phủ Sri Lanka ở thủ đô Colombo. Ảnh: Galvnews

Dưới đây là những cột mốc đáng nhớ trong cuộc khủng hoảng chính trị - kinh tế đang làm rung chuyển đảo quốc Nam Á có 22 triệu dân này, theo báo Guardian:

Ngày 1/4

Tổng thống Gotabaya Rajapaksa ban bố tình trạng khẩn cấp tạm thời, trao cho lực lượng an ninh toàn quyền truy bắt và giam giữ những kẻ tình nghi, sau một loạt các cuộc biểu tình rầm rộ khắp toàn quốc.

Ngày 3/4

Hầu như tất cả nội các Sri Lanka đều từ chức tại một cuộc họp lúc đêm muộn, cô lập ông Rajapaksa và Thủ tướng Mahinda Rajapaksa. Sau khi chống lại những lời kêu gọi tìm kiếm một gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thống đốc ngân hàng trung ương đã tuyên bố từ chức một ngày sau đó.

Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa (trái) và ông Mahinda Rajapaksa . Ảnh: ANI

Ngày 5/4

Bộ trưởng Tài chính Ali Sabry từ chức chỉ 1 ngày sau khi ông được bổ nhiệm. Ông Rajapaksa bị mất đa số ủng hộ trong quốc hội khi các đồng minh cũ thúc ép ông từ chức. Tổng thống rốt cuộc dỡ bỏ sắc lệnh tình trạng khẩn cấp.

Ngày 10/4

Các bác sĩ của Sri Lanka cho biết họ gần như không còn các loại thuốc giúp cứu sống sinh mạng người bệnh. Họ cảnh báo cuộc khủng hoảng có thể giết chết nhiều người hơn cả đại dịch Covid-19.

Ngày 12/4

Chính phủ Sri Lanka thông báo họ sẽ không thể chi trả khoản nợ nước ngoài 51 tỷ USD sau khi cạn kiệt ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu.

Ngày 19/4

Trong lúc đụng độ với cảnh sát, một người biểu tình đã thiệt mạng. Đây là trường hợp tử vong đầu tiên trong các cuộc biểu tình chống chính phủ kéo dài suốt nhiều tuần. Ngày hôm sau, IMF thông báo đã yêu cầu Sri Lanka tái cơ cấu các khoản nợ nước ngoài khổng lồ trước khi tổ chức có thể thống nhất về một gói giải cứu mới.

Cảnh sát sử dụng vòi rồng và hơi cay giải tán đám đông biểu tình ở thủ đô Sri Lanka. Ảnh: AP

Ngày 9/5

Một đám đông gồm những người trung thành với chính phủ từ vùng nông thôn đã tấn công những người biểu tình ôn hòa cắm trại bên ngoài văn phòng của tổng thống ở thủ đô Colombo. 9 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương trong các cuộc tấn công trả đũa sau đó, với các đám đông nhắm vào những kẻ gây ra bạo lực và phóng hỏa đốt tư dinh của các nhà lập pháp.

Ông Mahinda Rajapaksa từ chức thủ tướng và được quân đội giải cứu sau khi hàng nghìn người biểu tình tràn vào dinh thự của ông ở Colombo. Người được bổ nhiệm thay thế ông là Ranil Wickremesinghe, một chính khách kỳ cựu.

Ngày 10/5

Bộ Quốc phòng Sri Lanka ra lệnh cho quân đội bắn ngay lập tức bất cứ ai tham gia vào việc cướp bóc hoặc "gây nguy hại đến sinh mạng". Song, những người biểu tình đã bất chấp lệnh giới nghiêm mới của chính phủ.

Cảnh sát lập hàng rào ngăn chặn người biểu tình gần dinh tổng thống. Ảnh: Reuters

Ngày 10/6

Liên Hợp Quốc cảnh báo, Sri Lanka đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, với hàng triệu người đang cần viện trợ. Hơn 3/4 dân số đã phải giảm lượng thức ăn của họ.

Ngày 27/6

Chính phủ tuyên bố, Sri Lanka gần cạn kiệt nhiên liệu và tạm dừng tất cả các hoạt động bán xăng, ngoại trừ cho các dịch vụ thiết yếu.

Ngày 1/7

Chính phủ công bố dữ liệu cho thấy lạm phát đã đạt mức cao kỷ lục trong tháng thứ 9 liên tiếp.

Ngày 9/7

Tổng thống Rajapaksa rời tư dinh ở Colombo với sự hỗ trợ của quân đội, ngay trước khi những người biểu tình xông vào khu nhà. Ông được đưa đến một địa điểm bí mật ở ngoài khơi. Đoạn phim quay cảnh bên trong dinh thự của tổng thống cho thấy những người biểu tình tưng bừng nhảy xuống hồ bơi và khám phá các phòng ngủ sang trọng bên trong.

Nơi ở của Thủ tướng Wickremesinghe cũng bị đốt phá. Theo cảnh sát, ông Wickremesinghe và gia đình không có mặt tại hiện trường lúc đó. Phát biểu trên truyền hình sau đó, Chủ tịch quốc hội Mahinda Abeywardana cho hay, Tổng thống Rajapaksa đã đề xuất từ chức vào ngày 13/7 để mở đường cho quá trình "chuyển giao quyền lực trong hòa bình".

Ngày 13/7

Tổng thống Rajapaksa bay tới Maldives bằng máy bay quân sự, có vợ và 2 vệ sĩ tháp tùng.

Ảnh: Reuters

Chủ tịch Quốc hội thông báo, Thủ tướng Wickremesinghe được bổ nhiệm làm quyền tổng thống. Sri Lanka ban bố tình trạng khẩn cấp vô thời hạn.

Ngày 14/7

Những người biểu tình tuyên bố họ sẽ chấm dứt việc chiếm đóng các tòa nhà chính phủ, bao gồm cả dinh tổng thống, văn phòng ban thư ký tổng thống và văn phòng thủ tướng. Tuy nhiên, họ khẳng định sẽ tiếp tục các nỗ lực hạ bệ tổng thống và thủ tướng.

Tổng thống Rajapaksa rời Maldives đến Singapore. Chính phủ Singapore cho biết, ông Rajapaksa đang có "chuyến thăm riêng tư" và chưa nộp đơn xin tị nạn. Khi đến nơi, ông Rajapaksa đã gửi thư điện tử đến Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka để chính thức xin từ chức, theo một quan chức nước này. Đơn từ chức sau đó được chuyển đến tổng chưởng lý của Sri Lanka để xem xét các tác động pháp lý trước khi nhà chức trách đưa ra quyết định có chính thức chấp nhận nó hay không.

Tuấn Anh

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Những dấu mốc trong cuộc khủng hoảng tồi tệ làm rung chuyển Sri Lanka
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO