Những cô giáo vùng sâu đăng ký hiến tạng

20/11/2021 08:56

Với mong muốn lan tỏa những hành động đẹp, giúp người khác sống tốt hơn, 3 nữ giáo viên và nhân viên thư viện trường Tiểu học Lê Văn Tám (Đắk Lắk) đã cùng đăng ký hiến mô, hiến tạng cho y học sau khi qua đời.

Giấy hiến tạng gửi về trường tiểu học vùng sâu Đắk Lắk

Ngày 20/11, ông Kiều Hòa Nha, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Văn Tám (xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) xác nhận, có 4 giáo viên, nhân viên trong trường vừa được nhận thẻ đăng ký hiến tạng sau khi qua đời từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) gửi về.

Những cô giáo vùng sâu đăng ký hiến tạng
Trường Tiểu học Lê Văn Tám (xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp) nơi có 3 giáo viên và nhân viên thư viện đăng ký hiến tạng.

Theo tìm hiểu, các cô giáo vừa nhận thẻ đăng ký hiến mô, hiến tạng sau khi qua đời đang công tác tại trường Tiểu học Lê Văn Tám gồm cô Đàm Thị Nguyệt, C.H.P, L.T.H và chị Nguyễn Thị Hoài Thanh (nhân viên thư viện thiết bị).

Theo chia sẻ của các cô, vào cuối tháng 10/2021, trong một lần trò chuyện của 4 chị em nhắc về câu chuyện hiến mô, hiến tạng cho y học, không ngờ, cả 4 người đều đã ấp ủ ý định sẽ hiến mô hiến tạng sau khi qua đời từ lâu nên cuộc nói chuyện trở nên sôi nổi. Thế rồi, không lâu sau, cả 4 người cùng rủ nhau tìm hiểu thủ tục để nộp hồ sơ đăng ký hiến mô, hiến tạng sau khi qua đời gửi về Bệnh viện Chợ Rẫy.

Đến ngày 11/11 vừa qua, phía Bệnh viện Chợ Rẫy đã xét duyệt xong hồ sơ, cấp thẻ hiến mô hiến tạng cho y học sau khi qua đời về cho chị Thanh và 3 giáo viên của trường Tiểu học Lê Văn Tám khiến 4 chị em vui mừng khôn xiết.

Cô giáo Đàm Thị Nguyệt (Tổng phụ trách Đội, trường Tiểu học Lê Văn Tám) cũng vui mừng khôn xiết khi nhận được thẻ “đăng ký hiến mô, hiến tạng sau khi qua đời” từ Bệnh viện Chợ Rẫy.

Mong người cần thay tạng có cuộc sống tốt hơn

“Tôi cảm thấy thực sự rất hạnh phúc khi đăng ký hiến tạng thành công. Cũng như các bạn trong trường, tôi chỉ muốn lan tỏa những câu chuyện đẹp đến với xã hội. Gia đình cũng tôn trọng việc làm của tôi nên không ai ý kiến gì”, cô Nguyệt chia sẻ.

Được biết, cô Nguyệt là một giáo viên rất năng động, ngoài công tác chuyên môn còn tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện, đặc biệt là hoạt động tình nguyện tham gia phòng chống dịch Covid-19 năm 2020-2021 trên địa bàn huyện Ea Súp.

Những cô giáo vùng sâu đăng ký hiến tạng
Cô giáo Đàm Thị Nguyệt (thứ 2 từ trái sang), nữ giáo viên giỏi giang năng động, đăng ký hiến tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Khi theo dõi trên tivi, báo đài, thấy cảnh y bác sĩ, tình nguyện viên phải làm việc quá sức để chống dịch, nữ giáo viên không khỏi xót xa, thương cảm. Trong đợt dịch Covid-19 năm 2020, cô cùng con gái đã đan nhiều tai đeo giả để gửi cho lực lượng tuyến đầu. Đợt dịch thứ thứ 4 bùng phát, cô Nguyệt đã đăng kí làm tình nguyện viên đi chống dịch và được sắp xếp vào khu cách ly tập trung do UBND huyện Ea Súp thành lập.

Trong khu cách ly, cô Nguyệt tham gia dọn dẹp vệ sinh, giặt võng, chiếu; nhận mang đồ tiếp tế cho bà con… Ngoài ra, cô cùng lực lượng chống dịch nắm bắt tâm tư, tình cảm để động viên bà con yên tâm cách ly, thực hiện tốt nội quy, vì mục tiêu sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Ngoài những thành tích như: giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, chiến sĩ thi đua…, cô Nguyệt còn vinh dự là một trong 50 giáo viên được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2021 vừa qua.

Còn chị Thanh tâm sự: “Khi mình sống mình không làm được điều gì to lớn giúp ích cho mọi người. Đến khi chết đi, thay vì để thân thể bị hủy hoại theo thời gian thì tôi muốn dâng hiến cho y học, muốn giúp những người khác có cơ hội được sống khỏe mạnh hơn. Tôi thực sự thấy hạnh phúc khi nghĩ mai sau mình không còn trên đời nữa nhưng trái tim tôi vẫn có giá trị, vẫn đập trong lồng ngực ai đó. Qua việc đăng ký hiến tạng, tôi cũng muốn lan tỏa những gì tốt đẹp nhất đến với mọi người”.

Những cô giáo vùng sâu đăng ký hiến tạng
Chị Nguyễn Thị Hoài Thanh (bìa phải) đã thuyết phục gia đình để đăng ký hiến tạng sau khi qua đời

Về phía gia đình chị Thanh, khi mới biết chị có ý định đăng ký hiến tạng, người thân đã một mực ngăn cản, không chấp nhận. Sau đó, chị đã thuyết phục để mọi người chấp nhận để chị tự quyết định.

Theo Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Văn Tám, việc đăng ký hiến mô, hiến tạng sau khi qua đời là việc làm tự nguyện của các giáo viên, nhân viên trong trường. “Đây là hành động đẹp của các cô, mang giá trị nhân văn cao, lan tỏa những tấm gương tốt, việc tốt đến với cộng đồng”, ông Nha xúc động nói.

Được biết, trường Tiểu học Lê Văn Tám là một ngôi trường ở vùng sâu vùng xa của tỉnh Đắk Lắk, điều kiện kinh tế xã hội nơi này còn rất khó khăn. Thông tin các giáo viên, nhân viên của trường đăng ký hiến tạng thể hiện những suy nghĩ, hành động rất tiến bộ khiến nhiều người cảm kích.

Trần Nhân

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Những cô giáo vùng sâu đăng ký hiến tạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO