Nhiều trẻ em tự kỷ bỏ qua giai đoạn vàng điều trị vì dịch COVID-19

HƯƠNG SƠN| 21/04/2022 06:52

TPHCM - Trẻ từ 0-3 tuổi, là giai đoạn vàng để phát hiện trẻ bị tự kỷ và can thiệp kịp thời, giúp trẻ phát triển nhanh hơn. Nhưng vì dịch COVID-19 nên nhiều trẻ vô tình bị "lỡ nhịp" điều trị, mất nhiều cơ hội hoà nhập cộng đồng.

Từ sáng sớm, chị Phạm Thị Huyền Trang cùng con trai 3 tuổi từ Bình Dương lên Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM khám bệnh sau nhiều ngày trì hoãn vì dịch COVID-19.

Trẻ bị hội chứng tự kỷ đang được bác sĩ thăm khám sau dịch COVID-19. Ảnh: NL
Trẻ bị hội chứng tự kỷ đang được bác sĩ thăm khám sau dịch COVID-19. Ảnh: NL

Theo chị Huyền Trang, gia đình phát hiện bé có biểu hiện tăng động, giảm chú ý và gọi không quay lại khi mới 2 tuổi nên đưa con đi khám bệnh, đang trong quá trình điều trị thì dịch bệnh bùng phát, nên quá trình điều trị của bé bị trì hoãn nhiều tháng.

“Dịch nên bé chỉ ở nhà, không tiếp xúc với người xung quanh, bạn bè nên phần nào khiến việc dạy các kỹ năng mới cho bé nhà tôi hạn chế đi, cảm thấy bé phát triển chậm hơn là đi can thiệp với cô giáo. Giờ thì bé hơn 3 tuổi rồi nên đã bỏ qua giai đoạn vàng tốt nhất, nghĩ cũng buồn nhưng gia đình vẫn cố gắng vì con” - chị Huyền Trang chia sẻ.

Nhiều hội nhóm trên Facebook của các bậc phụ huynh có con không may mắc bệnh tư kỷ, tăng động giảm chú ý… đều than buồn phiền về việc con ở nhà tránh dịch quá lâu, khi đưa đi tái khám thì bác sĩ chẩn đoán tình trạng của bé không cải thiện, thậm chí nặng hơn. Bao công sức, nỗ lực can thiệp trước đó cho bệnh nhi gần như đổ sông đổ biển.

Theo các chuyên gia, tại Việt Nam chưa có số liệu thống kê hay nghiên cứu chuyên biệt về trẻ tự kỷ. Thế nhưng, trên thế giới, nhiều nghiên cứu đã ước tính trẻ mắc bệnh tự kỷ chiếm từ 0,5 - 1% dân số. Điều đó có nghĩa rất nhiều trẻ mắc bệnh tự kỷ cần được quan tâm, hỗ trợ. Nếu được hỗ trợ sớm (từ 18 tháng - 6 tuổi), trẻ sẽ được cải thiện về ngôn ngữ, đi học và trở thành người có ích cho xã hội.

BS CK II Lâm Hiếu Minh - Phòng khám Tâm lý, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - chia sẻ, việc nhiều trẻ em mất đi cơ hội can thiệp vàng sau dịch COVID-19 đã được nhiều bác sĩ chuyên khoa tâm lý dự đoán khi giãn cách và dịch kéo dài. Tuy nhiên, việc chăm sóc và điều trị cho trẻ có các chứng bệnh tự kỷ cần kiên trì và cố gắng từng ngày dù cơ hội còn rất ít.

“Tôi đã chứng kiến rất nhiều trẻ tự kỷ nhờ sự quan tâm kịp thời đã học được cấp I, cấp II, cấp III, thậm chí học nghề sau đó. Nếu thấy trẻ chậm nói so với tuổi, nhút nhát, ngại giao tiếp thì đưa con đi khám tâm lý để phát hiện sớm bệnh tự kỷ. Nếu phụ huynh không đủ điều kiện cho con theo học trường chuyên biệt, bác sĩ sẽ hướng dẫn phụ huynh cách tự hỗ trợ ngôn ngữ cho con ở nhà (được coi là giải pháp tình thế)” - BS Hiếu Minh nhấn mạnh.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nhiều trẻ em tự kỷ bỏ qua giai đoạn vàng điều trị vì dịch COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO