Nhiều địa phương có tình trạng san lấp, kè bờ, lấn sông

Thế Kha| 23/03/2022 10:03

Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận thực tế tại nhiều địa phương có tình trạng san, lấp, kè bờ, lấn sông, cải tạo cảnh quan các vùng đất ven sông.

Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, cử tri thành phố mới đây đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành liên quan và các địa phương có giải pháp thiết thực, trách nhiệm hơn để bảo vệ các dòng sông và tài nguyên nước, khoáng sản tại các lưu vực sông.

Trả lời cử tri, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật Tài nguyên nước có các quy định về đảm bảo sự lưu thông của dòng chảy, hành lang bảo vệ nguồn nước và quy định về phòng, chống sạt, lở bờ bãi sông.

Các văn bản dưới luật thì có Nghị định số 43/2015 về quản lý, lập hành lang bảo vệ nguồn nước và Nghị định số 23/2020 quy định về cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông…

"Tuy nhiên, thực tế tại nhiều địa phương vẫn có tình trạng các vùng đất ven sông hoặc hoạt động khai thác khoáng sản, cát, sỏi lòng sông gây ra hiện tượng sạt, lở bờ sông"- Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận.

Nhiều địa phương có tình trạng san lấp, kè bờ, lấn sông - 1

Một biệt thự được xây sát bờ sông Sài Gòn tại khu vực phường Thảo Điền, thành phố Thủ Đức (Ảnh: Ip Thiên).

Thống kê đến tháng 8/2021 cho thấy, cả nước có 40/63 tỉnh đã phê duyệt danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ, trong đó có 18 tỉnh đang triển khai cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, 14 tỉnh đang lập danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ để trình UBND tỉnh phê duyệt.

Ngoài ra, Điều 60 Luật Tài nguyên nước quy định hồ, ao, đầm, phá không được san lấp để phòng, chống ngập, úng và bảo vệ nguồn nước. UBND cấp tỉnh công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trong phạm vi địa phương. Vì thế từ giữa năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn đôn đốc các địa phương về việc lập danh mục hồ ao không được san lấp.

Tính đến nay cả nước có 21/63 tỉnh, thành phố đã lập danh mục hồ ao không được san lấp với 4.481 hồ, ao đầm (3049 hồ, 1307 ao, 122 đầm và 3 hồ ao là di tích lịch sử).

Thực tế hiện nay, trên cùng một dòng sông, đoạn sông đang có nhiều cơ quan quản lý về các mặt khác nhau như tài nguyên nước, thủy lợi, giao thông, đất đai, xây dựng... theo yêu cầu của quản lý chuyên ngành (pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, điều chỉnh luồng lạch và phần sông có công trình thủy; pháp luật đê điều, phòng chống thiên tai điều chỉnh phần bờ và bãi sông có đê...). Khi xảy ra xói lở, sạt lở bờ thì phần "phòng" do ngành tài nguyên và môi trường thực hiện, tuy nhiên phần "chống" lại do ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đảm trách.

Các vấn đề mang tính liên ngành, liên tỉnh, địa phương như quy hoạch, phát triển, khôi phục rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn sinh thủy; bảo vệ nguồn nước trong quá trình thực hiện các dự án thủy điện, thủy lợi, nuôi trồng thủy sản... chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cơ quan.

Chính vì vậy, trong đề nghị xây dựng dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội xem xét trong năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị bổ sung chính sách quy định liên quan đến bảo vệ lòng, bờ bãi sông. Đặc biệt là bổ sung quy định về phạm vi bảo vệ và luật hóa các quy định về hành lang, quy định về khai thác cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ bãi sông ở các văn bản dưới luật.

Trong đó sẽ đề xuất mở rộng phạm vi của vùng quản lý sông gồm cả vùng đê và vùng thực vật ven đê; tăng cường vai trò quản lý nhà nước của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước.

"Tất cả các hoạt động có liên quan đến đất và nước trong vùng sông phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý sông được chỉ định cụ thể bất kỳ tổ chức/cá nhân có ý định xây dựng, tái tạo hoặc dỡ bỏ công trình trên đất trong vùng sông phải được sự cho phép của cơ quan quản lý sông và chỉ được sử dụng sau khi được kiểm tra bởi cơ quan quản lý sông"- thông tin.

Nhiều địa phương có tình trạng san lấp, kè bờ, lấn sông - 2

Bờ sông Sài Gòn đoạn qua phường Thảo Điền, thành phố Thủ Đức (Ảnh: Ip Thiên).

Như Dân trí đã liên tục phản ánh trong thời gian qua, bờ sông Sài Gòn đoạn qua phường Thảo Điền (thành phố Thủ Đức, TPHCM) bị những dãy biệt thự khủng bịt kín, gần như không còn lối ra. Các khu biệt thự biến mặt sông thành bến du thuyền, chiếm trọn không gian chung.

Để được tận hưởng không khí phía mặt sông, người dân buộc phải chọn phương án đi bộ xa hơn về đầu hoặc cuối đường Nguyễn Văn Hưởng, một con hẻm nhỏ nằm giữa đường hoặc trả tiền để vào nhà hàng, quán cà phê ven sông.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nhiều địa phương có tình trạng san lấp, kè bờ, lấn sông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO