Nhân viên có nên nói "không" với sếp?

Lam Chi| 03/11/2022 18:10

Chẳng nhân viên nào dám từ chối các yêu cầu của sếp. Thế nhưng, bạn tin không, nhiều vị sếp sẽ đánh giá cao những nhân viên có chính kiến và lập trường riêng thay vì chỉ biết gật đầu răm rắp đáp ứng mọi yêu cầu.

Nịnh sếp, đi đâu mà thiệt!

Tất cả chúng ta đều muốn được thoải mái khi làm việc. Ai cũng chỉ muốn làm điều mình thích và chỉ khi ấy mới cảm thấy thoải mái. Hầu như không ai muốn bị người khác sai bảo, chỉ đạo. Thế nhưng, nếu là ý từ sếp, bạn có dám phản đối? Ở rất nhiều công sở, nhân viên – nhất là những người làm công tác trợ lý vẫn thường than thở rằng luôn bị sếp “sai vặt” rất nhiều mà không dám từ chối. Phần nhiều cho rằng đó là những chuyện vặt vãnh không đáng nên cố gắng làm cho xong chuyện, đỡ mất lòng sếp mà lại còn được tiếng “dễ bảo”, “nịnh sếp chả đi đâu mà thiệt”. Thế nhưng, sếp có thực sự đánh giá cao những nhân viên như thế?

istock-1138947305-e1636738292767-790x444.jpg
Nịnh sếp có phải lúc nào cũng thu được trái ngọt?

Hoàng Khang 25 tuổi, là nhân viên của một công ty truyền thông. Anh được giao nhiệm vụ trợ lý cho Giám đốc sự kiện vốn là một “chị gái” sang chảnh, U40 chưa chồng. Gọi là trợ lý cho oai chứ thực ra những nhân viên khác đều xì xầm sau lưng rằng anh chỉ là chân sai vặt, chỗ “giải tỏa trút cơn giận” của bà cô khó tính chưa chồng. Còn trẻ, kinh nghiệm làm việc chưa nhiều nên được làm trợ lý cho Giám đốc khá có uy của công ty khiến Khang hãnh diện. Anh chàng cũng hy vọng học hỏi được nhiều từ sếp. Mọi yêu cầu từ sếp được Khang nhanh chóng đáp ứng – từ in tài liệu này, chạy sang công ty nọ, đi khảo sát chỗ này, gặp khách hàng chỗ kia… Mọi mệnh lệnh từ sếp được anh chàng nghiêm chỉnh chấp hành. Trong các cuộc họp, sếp nói gì cũng có anh chàng về phe, “dạ, vâng” đáp ứng. Cá biệt, không chỉ những chuyện liên quan công việc, các chuyện ngoài lề sếp nhờ, chàng nhân viên mẫn cán cũng không ngại ngần giúp sếp. Chẳng hạn như có hôm sếp quên đôi giày xịn phối cùng màu với bộ đồ, sếp nói thì Khang cũng phải xấp ngửa về nhà lấy lên hộ sếp. Hôm mẹ sếp ốm, Khang phải đưa đi khám. Cháu sếp lên chơi, chú Khang đi đón… Hàng tá các công việc không tên, Khang chưa bao giờ nói “không” với sếp – kể cả có lần sếp chửi như tát nước vào mặt, anh chàng cũng cứ phải “ngoạc miệng ra mà cười”. Nhẫn nhịn, mang tiếng “nịnh đầm” là vậy nhưng sếp lại không hề nâng đỡ Khang như mong đợi. Đợt nào có dự án, người được giao phụ trách cũng là người khác, chưa bao giờ đến lượt Khang. Làm khen thưởng các sự kiện, người được chọn cũng không có tên Khang.

Mấy năm liền vẫn chỉ vị trí đó, chịu đựng những ẩm ương khó chịu của bà cô chưa chồng nhiều yêu sách khiến Khang chán nản. Anh chàng nộp đơn xin nghỉ những tưởng sẽ khiến sếp tiếc nuối xem xét lại mà cất nhắc mình, thế nhưng điều anh nhận lại chỉ là vài câu tâm tình thật lòng của sếp: “Em hiền quá! Em làm chỗ khác thì phải mạnh mẽ lên. Đàn ông phải có chính kiến riêng, không phải ai bảo gì cũng dạ. Em chỉ thích hợp làm chân sai vặt nếu suốt ngày “chỉ đâu đánh đấy””. Đến lúc này thì Khang mới ngã ngửa, hóa ra trước nay chưa bao giờ sếp đánh giá cao anh dù anh luôn về phe sếp.

Học cách nói “không” với sếp

Chẳng ai muốn bị sếp ghét vì điều đó chỉ có thiệt cho bản thân. Cũng chẳng ai muốn suốt ngày đáp ứng mọi đòi hỏi – kể cả vô lý từ sếp bởi mọi yêu cầu từ sếp đâu phải lúc nào cũng dễ chịu. Cãi sếp thì sếp ghét. Nghe lời sếp thì sợ sếp “được đằng chân, lân đằng đầu” và xem thường như Hoàng Khang.Học cách từ chối sếp, thể hiện chính kiến bản thân, đề cao giá trị bản thân mình cũng là một nghệ thuật.

pyy280.jpg
Không phải vị sếp nào cũng đánh giá cao những nhân viên chỉ biết răm rắp nghe lời.

Với những yêu cầu từ sếp, trước khi vội vàng gật đầu đáp ứng, bạn hãy suy nghĩ thấu đáo những được – mất khi nhận lời. Đầu tiên, bạn cần đặt ra một số câu hỏi cho mình. Nếu thấy mức độ cần thiết cho công việc, tình trạng không thể không nhận phân công, bạn có thể nhận lời, đáp ứng yêu cầu sếp. Trường hợp, nếu yêu cầu của sếp khiến bạn khó chịu, vượt quá khả năng của bạn, bạn không thể kiểm soát đáp ứng được yêu cầu này, hãy từ chối. Cách từ chối như thế nào để sếp không cảm thấy “bị vỗ mặt” cũng là một điều hết sức quan trọng. Lời khuyên đưa ra là bạn hãy nghĩ đến một lý do thật tồi tệ để từ chối và sau đó là một lý do hợp lý hơn. Bạn đã sẵn sàng mọi thứ, vấn đề là trao đổi với sếp như thế nào để không ảnh hưởng đến cái nhìn của sếp về bạn.

Bạn có thể thảo luận chủ đề này với sếp, tránh đi xa. Hãy để sếp biết một người quản lý thông minh không phải chi là người biết đặt ra thử thách mà còn là người biết nắm rõ năng lực từng người. Làm việc trong môi trường thuận lợi sẽ giúp cá nhân phát huy sáng tạo và cống hiến được nhiều hơn. Hãy phân tích cho sếp biết thế mạnh của bạn, điểm yếu và lý do vì sao bạn không thực hiện được yêu cầu của sếp. Bạn cần giải thích lý do của mình kỹ lưỡng để sếp xem xét một cách cẩn thận. Hãy cung cấp cho sếp những cảnh báo hợp lý để sếp nhận ra cách phân công của mình và kịp thời có giải pháp thay thể. Bạn có thể đề xuất để một người khác thay thế bạn.

harsh-things-spoken-by-bad-boss.jpg
Có quan điểm và chính kiến riêng sẽ giúp bạn gửi thông điệp giá trị bản thân mình tới sếp.

Nếu bạn không đủ thời gian để làm việc sếp giao, chuẩn bị danh sách công việc mà bạn đang phụ trách để sếp biết. Khi sếp không giao việc cho bạn hoặc do sếp quá nhiều việc, sếp cũng có thể quên mất lượng công việc bạn đang làm. Nếu đó là những việc sếp giao, sếp sẽ cân nhắc lại và có thể sẽ muốn bạn đổi mới nhiệm vụ. Nếu bạn sợ yêu cầu của sếp sẽ ảnh hưởng đến những công việc khác, hãy giải thích với sếp. Sếp luôn đánh giá cao sự trung thực và cống hiến từ những dự án khác của bạn. Ngoài ra, nếu bạn không có kỹ năng cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ này, thú nhận với sếp. Không nên giả vờ vì bạn không thể làm điều bạn thiếu khả năng. Nếu sếp vẫn muốn bạn làm điều này, bạn hãy trả lời rằng bạn cần bổ sung những kỹ năng cần thiết để đạt hiệu quả tốt và vấn đề là bạn cần thời gian.

Với những vị sếp yêu cầu công việc ngoài lề, không liên quan đến công việc chính, bạn hãy thẳng thừng từ chối nếu điều đó làm bạn khó chịu. Hãy để sếp thấy bạn có lòng tự trọng và không phải chân sai vặt. Bạn nên nhớ, đôi khi một lời từ chối khiến người khác đánh giá bạn cao hơn nhiều so với việc lúc nào bạn cũng chỉ biết gật đầu vâng, dạ.

Bài liên quan
  • Những đồng nghiệp thích cướp công
    Công sở là môi trường phức tạp với đủ mọi tình huống có thể xảy ra, trong đó không thiếu những cạnh tranh giữa các đồng nghiệp với nhau, giữa sếp và nhân viên. Bạn sẽ làm gì nếu bị người khác cướp công nơi công sở? Hãy bảo vệ thành quả mình xứng đáng được hưởng!
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nhân viên có nên nói "không" với sếp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO