Nhận diện dấu hiệu căn bệnh ung thư đứng hàng thứ 4 tại Việt Nam

Tú Anh| 18/02/2022 16:38

Ung thư dạ dày là loại ung thư phổ biến, đứng hàng thứ tư ở Việt Nam, gặp nhiều ở cả hai giới. Chuyên gia chỉ cách nhận diện dấu hiệu căn bệnh này ở ngay từ giai đoạn sớm.

Ung thư dạ dày là một trong những bệnh lý ung thư tiêu hóa thường gặp hiện nay, ngày càng có xu hướng gia tăng. Theo con số thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2018 ước tính trên thế giới có hơn 1.033.000 ca ung thư dạ dày mới mắc và số ca tử vong là khoảng 800.000 ca.

Tại Việt Nam, năm 2018 ước tính có 17.527 ca ung thư dạ dày mới mắc, tỉ lệ tử vong là hơn 15.000 ca. Căn bệnh này hiện ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa, tuy nhiên tỷ lệ phát hiện ở giai đoạn sớm còn chưa cao.

Dấu hiệu ở giai đoạn sớm

Theo bác sĩ Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, BV Bạch Mai, ở giai đoạn sớm, ung thư dạ dày rất khó phát hiện do triệu chứng không rõ ràng. Nhiều người phát hiện ung thư dạ dày khi đi khám bệnh tiêu hóa thông thường, vì sau một thời gian đau bụng, đầy hơi, khó tiêu tự uống thuốc không đỡ. Bệnh nhân thường được chẩn đoán sớm một cách tình cờ khi khám sức khỏe hoặc trong các chương trình tầm soát.

Nhận diện dấu hiệu căn bệnh ung thư đứng hàng thứ 4 tại Việt Nam - 1

Nội soi là điều kiện tiên quyết để phát hiện nguy cơ ung thư dạ dày.

Trong khi tại Việt Nam tỉ lệ phát hiện sớm ung thư dạ dày rất ít, do người bệnh thường chỉ đi khám khi có các triệu chứng rõ ràng, ở nhiều nước, việc tầm soát ung thư dạ dày nhờ nội soi dạ dày được thực hiện rộng rãi và đã giúp phát hiện được ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm và rất sớm, như ở Nhật Bản, Hàn Quốc...

Dấu hiệu ở giai đoạn muộn

- Đau bụng dai dẳng và sút cân là những triệu chứng thường gặp nhất ở bệnh nhân khi được chẩn đoán ung thư dạ dày.

Đau bụng thường gặp ở vùng trên rốn, lúc đầu đau nhẹ, âm ỉ nhưng ở giai đoạn sau bệnh nhân đau nhiều hơn và liên tục. Bệnh nhân sút cân thường vì ăn kém do chán ăn, buồn nôn, đau bụng và thậm chí cả khó nuốt.

- Khó nuốt là triệu chứng có thể gặp nếu ung thư ở phần trên dạ dày và đoạn nối thực quản- dạ dày.

- Buồn nôn hoặc cảm giác no sớm có thể gặp do khối u gây ra. Trong trường hợp ung thư dạ dày lan tỏa, những triệu chứng này xuất hiện do dạ dày mất khả năng co bóp. Triệu chứng này cũng có thể gây ra do tắc nghẽn con đường thức ăn di chuyển từ dạ dày xuống ruột non (còn gọi là hẹp môn vị).

- Thiếu máu do chảy máu dạ dày số lượng ít, kéo dài với biểu hiện có hồng cầu trong phân khi xét nghiệm. Còn tình trạng chảy máu ồ ạt (gây nôn máu, đi ngoài phân đen) chỉ gặp ở khoảng dưới 20% các trường hợp.

- Xuất hiện khối ở vùng bụng có thể sờ thấy được, mặc dù ít gặp, nhưng nếu có thì thường ở trường hợp bệnh đã phát triển từ lâu.

- Bệnh nhân cũng có thể có các dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh khi đã di căn. Các vị trí di căn hay gặp nhất của ung thư dạ dày là di căn màng bụng (gây cổ chướng), di căn gan và di căn hạch. Ít gặp hơn là các trường hợp di căn buồng trứng, di căn xương, di căn phổi thậm chí di căn não,... Các triệu chứng này được phát hiện khi thăm khám lâm sàng và chụp chiếu, đánh giá toàn thân một cách đầy đủ.

- Hiếm gặp hơn, bệnh nhân ung thư dạ dày có thể có các triệu chứng do u xâm lấn qua các lớp của thành dạ dày gây thủng dạ dày hoặc thậm chí xâm lấn đến các cơ quan ở xung quanh như đại tràng và gây ra tắc ruột.

Vì thế, khi xuất hiện các dấu hiệu chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu, ợ chua... bệnh nhân nên đến bệnh viện khám để xác định nguyên nhân. Trong trường hợp đau dạ dày thông thường, bệnh nhân được điều trị ổn định, không gây ảnh hưởng sức khỏe.

Còn trong trường hợp là dấu hiệu cảnh báo ung thư, việc phát hiện ở giai đoạn sớm mang lại hiệu quả điều trị tốt cho người bệnh. Thậm chí, ở giai đoạn chưa xâm lấn, bệnh nhân chỉ cần thực hiện nội soi hớt lớp niêm mạc tổn thương.

Theo các chuyên gia, lý tưởng nhất để phát hiện sớm ung thư dạ dày là việc tầm soát định kỳ. Mỗi người nên khám đầy đủ sức khỏe định kỳ 6 -12 tháng một lần để kịp thời phát hiện bệnh lý và được điều trị. Đặc biệt với ung thư dạ dày, để phát hiện không chỉ đơn giản khám sức khỏe thông thường, mà buộc phải tiến hành nội soi dạ dày để có thể phát hiện sớm ung thư.

Để chẩn đoán ung thư dạ dày là phải làm nội soi để có thể nhìn thấy tổn thương và lấy mẫu tế bào để sinh thiết, làm các xét nghiệm khác. Phương pháp nội soi không chỉ phát hiện mà còn là phương pháp điều trị. Như với người mắc bệnh ở giai đoạn sớm, người ta có thể qua nội soi hớt phần niêm mạc bị ung thư và giữ nguyên dạ dày, bệnh nhân sống thêm vài năm. Trong khi đó, ở giai đoạn muộn bệnh nhân vừa phải phẫu thuật, xạ trị mà cơ hội sống vẫn rất khó khăn. Vì thế, việc nội soi định kỳ ở người có tiền sử đau dạ dày, nhiễm vi khuẩn HP là vô cùng quan trọng.

Trên thế giới nhiều nước thực hiện chương trình tầm soát toàn quốc gia, áp dụng cho những người từ 40 tuổi trở lên thực hiện soi dạ dày 2 năm một lần. Vì thế, người có bệnh lý đường tiêu hóa cần chủ động đi khám, nội soi dạ dày ngay khi có dấu hiệu đau dạ dày, ăn uống khó tiêu, nôn, buồn nôn… Những người từng bị chẩn đoán viêm loét dạ dày hay bị các rối loạn tiêu hóa mà điều trị nội khoa lâu không đỡ cũng cần đi nội soi lại để kịp thời phát hiện bệnh

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nhận diện dấu hiệu căn bệnh ung thư đứng hàng thứ 4 tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO