Nhà siêu mỏng, siêu méo: Ba thế hệ sinh sống trong ngôi nhà 8m2

31/03/2023 22:30

Hàng chục năm nay, ba thế hệ trong gia đình bà Vũ Thanh Hải (quận Cầu Giấy, Hà Nội) phải bám víu trong căn nhà có diện tích chưa đầy 8m2, không có nơi tắm giặt, nhà vệ sinh.

Ngôi nhà thiếu đủ thứ

Ngôi nhà của bà Vũ Thanh Hải nằm ở số 7 (phố Nguyễn Phong Sắc, quận Cầu Giấy) và được nhiều người đánh giá là "bé như mắt muỗi". “Chiếc hộp” vỏn vẹn 8m2 này là không gian sinh hoạt của 8 thành viên trong gia đình.

Thấy có người vào nhà, bà Hải tế nhị xua tay mời PV ra ngoài vỉa hè ngồi cho thoáng mát vì trong nhà chật hẹp, ẩm ướt và có đủ thứ mùi hỗn độn.

A
Ngôi nhà siêu nhỏ không có nhà vệ sinh trên đường Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: Lan Nhi 

Giải phóng mặt bằng đường Nguyễn Phong Sắc từ năm 2007, căn nhà của bà Hải đã bị cắt xéo chỉ còn diện tích nhỏ xíu như hiện tại. Do không thuộc diện đền bù, tái định cư, gia đình bà buộc phải bám víu ở đây, tìm đủ nghề kiếm sống.

L
Căn nhà 8m2 chật hẹp có 8 người sinh sống. Ảnh: Lan Nhi

"Nhà đông người, gia đình tôi phải làm thêm một cái gác xép để cất đồ, vừa có thêm chỗ để nghỉ ngơi. Hôm nào trời mưa, không nấu ăn bên ngoài được thì cả gia đình phải đặt bếp nấu ngay trên giường, nơi mấy bà cháu thường nằm ngủ. Trên gác xép, hôm nào chật chội quá thì hai đứa con đi làm theo ca sẽ hẹn lịch, thay phiên nhau về nhà ngủ" - bà Hải nói.

Kể về thói quen sinh hoạt có phần éo le, bà Hải phân tích, vì chật hẹp là vậy nên chuyện tắm giặt có phần khác thường. Nếu các thành viên muốn tắm thì phải đóng kín cửa, những người khác buộc phải ra vỉa hè chờ đợi lần lượt hoặc sang quán nước bên cạnh ngồi chờ tạm.

A
Cả gia tài nhà bà Hải chỉ có vỏn vẹn một chiếc xe máy cũ. Ảnh: Lan Nhi 

Không có nhà vệ sinh nên ban ngày các thành viên trong nhà bà Hải sẽ phải tranh thủ đi dùng nhờ nhà vệ sinh công cộng tại chợ Nghĩa Tân (cách đó khoảng chừng 1km), ban đêm chợ đóng cửa thì họ sẽ vào Bệnh viện E xin dùng nhờ.

Cả gia tài chỉ có vỏn vẹn một chiếc xe máy cũ nên dù chật hẹp cỡ nào bà Hải cũng cố dành riêng chỗ cất xe dù chắn ngang lối đi. Mỗi người trong gia đình cũng được "quy định" chỉ nên sở hữu vài bộ quần áo thay đổi, cất riêng trong từng chiếc túi nilon để tránh nhầm lẫn.

Quy định chồng chéo, chưa thống nhất

Nhiều chuyên gia quy hoạch nhận định rằng, do quy định diện tích xây dựng nhà ở đô thị chưa thống nhất và đang bị vênh nhau trong từng giai đoạn nên nhà siêu nhỏ, siêu méo đã có điều kiện phát sinh trên các tuyến đường mới mở sau giải phóng mặt bằng như dọc theo tuyến đường Phạm Văn Đồng (quận Cầu Giấy), đường Minh Khai (quận Hoàng Mai) hay tuyến đường Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) có diện tích chưa đến 10m2 (không đủ điều kiện cấp phép xây dựng theo quy định).

A
Nhà siêu nhỏ, siêu méo đã có điều kiện phát sinh trên các tuyến đường mới mở tại Hà Nội. Ảnh: Lan Nhi 

Theo tìm hiểu của PV Lao Động, trong Luật Xây dựng (có hiệu lực từ năm 2005) đã có riêng một điều khoản quy định diện tích thửa đất dưới 15m2 hoặc từ 15 - 40m2, chiều sâu dưới 3m thì tuyệt đối không được cấp phép xây dựng.

Quyết định số 04/2010/QĐ-UBND ngày 20.1.2010 của UBND TP. Hà Nội quy định, những lô đất có diện tích nhỏ hơn 15m2, những lô đất có chiều rộng mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng nhỏ hơn 3m hoặc có kích thước hình học không đủ điều kiện để xây dựng công trình theo quy hoạch thì không được phép xây dựng.

 
Một dãy các ngôi nhà siêu mỏng hình thành sau khi giải phóng mặt bằng để làm đường. Ảnh: Lan Nhi

Tuy nhiên đến năm 2014, Dự thảo quy chuẩn Việt Nam về quy hoạch đô thị và thiết kế cảnh quan của Bộ Xây dựng lại quy định kích thước tối thiểu của lô đất xây dựng nhà ở liền kề là 25m2 (rộng 2,5m, sâu 10m).

Trong khi đó, Luật Đất đai lại quy định diện tích khi tách thửa được cấp sổ đỏ không được nhỏ hơn 30m2, nghĩa là những ngôi nhà siêu nhỏ xây dựng mới trên diện tích dưới 30m2 sẽ không được cấp sổ đỏ.

A
Quy định diện tích xây dựng nhà ở đô thị chưa thống nhất và đang bị vênh nhau. Ảnh: Lan Nhi 

Biện pháp xử lý dứt điểm nhà siêu mỏng, siêu méo

TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch kiến trúc TP Hà Nội - nhận định, giải pháp để giải quyết vấn đề nhà siêu mỏng, siêu méo là các quận, huyện phải tổ chức vận động người dân chuyển nhượng cho nhau với giá hợp lý để tạo nên mảnh đất có diện tích đủ điều kiện xây dựng.

Nếu việc hợp thửa không thể đi đến thống nhất thì cơ quan quản lý phải tiếp tục vận động nhân dân ở những nhà giáp ranh nhau nên hợp khối khi xây dựng để tạo nên một tổng thể công trình thống nhất.

A
Loạt nhà siêu mỏng siêu méo mọc lên khiến tổng thể quy hoạch tuyến đường mới mở ở phường Thịnh Liệt lộn xộn. Ảnh: Lan Nhi

Trao đổi với Lao Động, KTS Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư Hà Nội - cho biết, nhà siêu mỏng siêu méo là "sản phẩm" của việc phát triển đô thị Hà Nội trong 20 năm trở lại đây. Do việc lặp lại liên tục và quy mô ngày càng lớn, nhà siêu mỏng, siêu méo đã cho thấy cách quản lý xây dựng đô thị còn manh mún, nghiệp dư, thiếu sự phối hợp của các ngành liên quan, thể hiện cách làm hiện hữu còn thiếu sự chỉnh trang, quy hoạch đô thị thiếu đồng nhất.

Theo KTS Trần Huy Ánh, nhà siêu mỏng, siêu méo không phải là câu chuyện mới nhưng cách làm cũ đã để lại hệ luỵ rất lớn. Chuyên gia đặt kỳ vọng, vào thời điểm điều chỉnh quy hoạch tổng thể Hà Nội, Luật Đất đai cũng đang được sửa đổi, Luật Quy hoạch đô thị đang được điều chỉnh, Luật Nhà ở đang được bổ sung sẽ chấm dứt việc lãng phí không gian, tài nguyên phát triển cho Thủ đô Hà Nội.

Ngoài ra, việc áp dụng các giải pháp số hoá trong quản trị đất đai, hành chính cũng được chuyên gia hi vọng sẽ thay đổi cách nhìn nhận, hiệu quả quản lý đô thị, góp phần chuyển đổi số kinh tế Thủ đô.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nhà siêu mỏng, siêu méo: Ba thế hệ sinh sống trong ngôi nhà 8m2
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO