Nguyên lý "lợi ích lớn hơn rủi ro" ở chiến lược giảm tác hại thuốc lá

(Vietnam+)| 14/06/2022 13:08

Lợi ích lớn hơn rủi ro là một nguyên lý cơ bản của y học, là kim chỉ nam để khi các chuyên gia y tế quyết định trong việc cung cấp giải pháp phù hợp cho người bệnh.

Nguyen ly Nhiều chuyên gia y tế cũng khẳng định, cai cocaine (ma túy) còn dễ hơn cai nicotin (thuốc lá).

Tác hại của việc hút thuốc lá đối với nhiều mặt cuộc sống, đặc biệt với sức khỏe người hút và cộng động, là vấn nạn hiển hiện không cần bàn cãi thêm.

Nhưng làm thế nào để cai nghiện được thuốc lá hoàn toàn là câu hỏi chưa khi nào có lời giải thỏa đáng và khả thi.

Bài viết sau đây của dược sỹ Nguyễn Trí Hòa, Thư ký Hội Dược sỹ trẻ Việt Nam, sẽ cung cấp thêm những góc nhìn đa dạng xung quanh vấn đề này.

Nguyên lý “Lợi ích lớn hơn rủi ro”  

Lợi ích lớn hơn rủi ro là một nguyên lý cơ bản của y học, là kim chỉ nam để khi các chuyên gia y tế quyết định trong việc cung cấp giải pháp phù hợp cho người bệnh, dù biết rằng đó chưa phải là giải pháp tốt nhất.

Tuy nhiên, nếu đánh giá rủi ro thấp hơn so với kết quả đạt được thì đây là điều cần thiết phải làm. Điều này đã được thấy rõ trong cuộc chiến chống COVID-19.

Rõ ràng, các loại vaccine phòng virus SARS-CoV-2 không phải là giải pháp an toàn tuyệt đối cũng như chưa đủ dữ liệu cho các tác dụng phụ lâu dài, đồng thời trường hợp tử vong do sốc phản vệ vẫn xảy ra, nhưng các chuyên gia y tế vẫn khuyến nghị tiêm vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng.

Nguyên lý này có thể được đề cập khi xem xét các phương pháp giảm tác hại của thuốc lá điếu. Nhiều thập kỷ nay, nguy cơ, rủi ro của việc hút thuốc lá điếu là điều không cần bàn cãi.

Nhiều người bệnh trong quá trình điều trị đã được tư vấn, hỗ trợ giúp cai thuốc lá điếu, nhưng tỷ lệ cai thành công rất thấp. Tỷ lệ cai thuốc thành công ở các nước tiên tiến trên thế giới và cả ở Việt Nam đều dưới mức 25% (1,2,3,4).

Dù tất cả những người hút thuốc đều nhận thức được tác hại của việc hút thuốc lá, 7 đến 8 người trong mỗi 10 người hút thuốc vẫn không thể cai và lựa chọn tiếp tục hút thuốc.

Phần lớn người bệnh thú nhận họ đã quen với việc cầm, rít thuốc, hít khói thuốc. Nếu một ngày không có thuốc lá, họ bứt rứt khó chịu, bệnh tật  hành hạ, áp lực cuộc sống và thuốc lá cùng lúc là điều không dễ dàng.

Nguyen ly Dược sỹ Nguyễn Trí Hòa, Thư ký Hội Dược sỹ trẻ Việt Nam. (Nguồn: Vietnam+)

Mặc dù nicotin không đóng vai trò chính trong việc gây ra các bệnh do hút thuốc lá như ung thư phổi, bệnh tim, đột quỵ, hay tiểu đường, nhưng lại là tác nhân gây nghiện khiến cho người hút thuốc dễ hút khó bỏ.

Muốn cai được nicotin phải mất nhiều thời gian và quan trọng nhất là quyết tâm cao độ.

Do đó, nếu không chấp nhận sự hiện diện của thuốc lá điếu, chúng ta buộc tìm kiếm các giải pháp giảm tác hại và sớm ứng dụng.

Điều chắc chắn, các giải pháp giảm tác hại cho người hút thuốc lá điếu cũng sẽ hoàn toàn an toàn và không thể bằng được biện pháp cai hẳn thuốc lá.

Nhưng khi đã chuyển đổi hoàn toàn từ thuốc lá điếu sang các sản phẩm giảm tác hại thì ít nhất họ đã loại bỏ được phần lớn những chất gây hại hơn so với việc tiếp tục hút thuốc lá điếu đốt cháy thông thường.

Hướng tiếp cận giảm tác hại thuốc lá: bổ trợ cho chiến lược sức khỏe cộng đồng

Có lẽ đã đến lúc chúng ta thử nghiệm những phương pháp tiếp cận mới, được chứng minh bởi khoa học và dữ liệu đáng tin cậy. Chúng ta cần có những bước tiến với quan điểm cởi mở hơn và dừng lại các phương pháp rõ ràng đã được kiểm chứng là không hiệu quả.

Bằng cách học hỏi kinh nghiệm trên toàn cầu khi đối mặt với hiểm họa của việc hút thuốc lá, nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu áp dụng các chính sách giảm tác hại thuốc lá khi các phương pháp khuyến khích bỏ thuốc lá điếu chỉ bằng cách người hút thuốc hai lựa chọn hoặc cai thuốc, hoặc là chết. Kết quả của chiến lược này cũng không làm cho tỷ lệ cai thuốc lá điếu cao hơn.

Trong tài liệu Các Thực hành Tiêu biểu trên Thế giới về Chính sách Công đối với Thuốc lá và Nicotin của Tổ chức Liên minh Quyền sở hữu (5), các thực hành tiêu biểu trên thế giới cho chính sách đối với thuốc lá có ba nguyên tắc.

Thứ nhất, sự thay đổi nên được khuyến khích thông qua việc khen thưởng, chứ không phải thông qua các hạn chế.

Thứ hai, chính sách nên tập trung vào việc giảm sử dụng các sản phẩm đốt cháy có hại như xì gà và thuốc lá điếu đốt cháy thông thường.

Thứ ba, nỗ lực giảm thiểu việc sử dụng thuốc lá cần khuyến khích sự đổi mới để phát triển các sản phẩm an toàn hơn, tốt hơn trước đây và khuyến khích quyền lựa chọn của người dùng.

Tiềm năng của chiến lược giảm tác hại sẽ trở thành công cụ kiểm soát thuốc lá hữu hiệu của một quốc gia, phù hợp với sức khỏe cộng đồng nếu những người hút thuốc có nhiều hơn một lựa chọn bao gồm bỏ thuốc lá hoàn toàn hoặc tìm kiếm các giải pháp thay thế thuốc lá điếu với hàm lượng các chất gây hại thấp hơn, đều là những lựa chọn tốt hơn so với việc tiếp tục hút thuốc lá điếu./.

(Vietnam+)
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nguyên lý "lợi ích lớn hơn rủi ro" ở chiến lược giảm tác hại thuốc lá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO