Nguy hiểm tính mạng vì thẩm mỹ ở cơ sở không có uy tín mùa dịch

ANH ĐÀO| 13/10/2021 17:13

Mong muốn có cơ thể hoàn hảo, nhiều người đã chọn các cách làm đẹp tại các cơ sở không có uy tín, việc này để lại nhiều biến chứng nguy hiểm đặc biệt khó chữa trị trong mùa dịch.

tai-bie-n-sau-tie-m-filler-9907-1634018119.jpeg
Bệnh nhân bị đau nhức, sưng phồng vùng má sau khi tiêm filler - Ảnh: BV Da Liễu TP.HCM

Filler 'đội lốt' collagen

Bệnh viện Da Liễu TP.HCM chi biết, vừa tiếp nhận một cô gái 23 tuổi đến một cơ sở thẩm mỹ ở quận Phú Nhuận tiêm "filler Hàn Quốc" vào hai má với chi phí hơn 6 triệu đồng.

Sau 5 tháng, vài tuần trước, vùng má trái sưng to, đau nhức, cô mua các thuốc kháng sinh, kháng viêm về uống. Khối sưng giảm, sau đó sưng to khi ngưng thuốc. "Sáng ngủ dậy rất khó vệ sinh mặt và răng miệng, ăn uống cũng trở ngại vì không há được miệng to", bệnh nhân nói.

Bác sĩ ghi nhận vùng má trái của bệnh nhân căng bóng, sưng to với kích thước 5x5cm, đau nhức, siêu âm có ổ dịch vùng má trái dẫn đến áp xe.

Phó giáo sư Phạm Hiếu Liêm, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, ngày 12/10, cho biết bệnh nhân bị nhiễm trùng muộn vùng má trái sau tiêm chất làm đầy (filler). Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn muộn có thể do filler trôi nổi, không đảm bảo chất lượng.

"Cũng có thể do quá trình thực hiện kỹ thuật tiêm không được đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối và nhiễm khuẩn này tiềm ẩn trước đó một thời gian mà bệnh nhân không biết cho đến khi bộc lộ ra thì đã quá to", phó giáo sư Liêm nói.

"Di chứng để lại cho bệnh nhân có thể là một vết sẹo trên mặt. Chúng tôi cố gắng để vết rạch trùng với nếp gấp tự nhiên để nếu có sẹo thì sẽ giấu được sẹo", phó giáo sư Liêm cho biết. Trường hợp này nếu không được xử trí kịp thời, ổ áp xe có thể vỡ ra, để lại sẹo lớn, sẹo xấu cho bệnh nhân.

Trước đó, cũng vào mùa dịch một người phụ nữ 37 tuổi nhập Bệnh viện JW do bị hoại tử vòng ba sau tiêm filler 'đội lốt' collagen.

Năm năm trước, chị tiêm filler (chất làm đầy) để nâng mông, sau đó do mông quá căng nên đã tiêm làm tan filler. Đầu năm nay, chị được một spa giới thiệu "cấy HA Collagen giúp mông căng tròn một cách an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe", nên quyết định nâng cấp vòng ba bằng hình thức này.

Hai tuần sau tiêm, mông sưng to, chị thường xuyên sốt. Nhân viên spa xử trí bằng cách dùng dụng cụ chọc chỗ sưng và nặn mủ ra. Về nhà, vùng mông đau nhức, sẹo thâm đen, nơi bị chọc thủng rỉ dịch mủ hôi thối nhiều ngày.

Suốt 4 tháng, chị nhiều lần đến spa điều trị khắc phục hậu quả song dịch mủ liên tục, đau tái phát. Hai tháng gần đây, do TP.HCM siết chặt giãn cách phòng chống COVID-19, nhiều cơ sở thẩm mỹ ngưng hoạt động, chị mời một bác sĩ đến nhà điều trị, hút dịch mủ mỗi cuối tuần, tình trạng ngày càng nặng.

Bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung - Giám đốc Bệnh viện JW- cho biết kíp mổ trải qua hơn 3 giờ loại bỏ và phá toàn bộ ngóc ngách ổ áp xe, rút ra hơn một lít dịch mủ, tế bào chết. "Bệnh nhân nhiễm trùng nặng, vi khuẩn đi nhiều ngóc ngách, sau phẫu thuật phải đặt thêm máy hút VAC áp lực âm liên tục 1-2 tuần mới hy vọng thuyên giảm", bác sĩ Dung chia sẻ.

Phải đến cơ sở được cấp phép

ba-c-si-tu-dung-va-ekip-be-nh-8301-8980-1630512075.jpeg
Bệnh nhân bị hoại tử vùng mông mùa dịch - Ảnh: BVCC

Bệnh viện Da liễu cho biết đã tiếp nhiều nhận nhiều trường hợp biến chứng sau tiêm filler. Đa số bệnh nhân thực hiện ở cơ sở thẩm mỹ không phép, người tiêm không phải là bác sĩ và không được đào tạo về tạo hình - thẩm mỹ, không được học về các biến chứng của tiêm chất làm đầy cũng như cách để phòng tránh các biến chứng này.

Bác sĩ khuyến cáo mọi người khi làm đẹp cần tìm hiểu kỹ, đến các cơ sở y tế được cấp phép, có chuyên khoa thẩm mỹ, phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Người tiêm phải là bác sĩ đúng chuyên ngành tạo hình thẩm mỹ, da liễu thẩm mỹ, được đào tạo nghiêm túc, bài bản vì nếu tiêm không đúng sẽ gây những hệ lụy khó lường như mù mắt, hoại tử, áp xe mủ...

Bác sĩ Tú Dung khuyến cáo tuyệt đối không tiêm filler vào mông vì vùng mông có nhiều mạch máu lớn. Kỹ thuật tiêm không đúng sẽ gây tổn thương cả mạch máu và thần kinh.

Tiêm một lượng lớn filler sẽ gây chèn ép mô xung quanh, dây thần kinh và thậm chí dẫn đến hoại tử mô. Hiện có hai phương pháp làm đầy vùng mông là cấy mỡ tự thân và phẫu thuật độn túi mông.

Filler thường được dùng với lượng rất nhỏ để làm đầy vùng má, mặt. Phải chọn chất làm đầy chất lượng, rõ nguồn gốc xuất xứ, thủ thuật được thực hiện bởi bác sĩ có tay nghề, hiểu rõ về kỹ thuật này, ở cơ sở y tế được phép thực hiện.

Bác sĩ khuyến cáo cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định làm đẹp. Nên đến các bệnh viện lớn có chuyên khoa phẫu thuật tạo hình để bác sĩ có chuyên môn, giàu kinh nghiệm tư vấn và thực hiện, tránh biến chứng khôn lường gây thương tật suốt đời, thậm chí tử vong.

Trường hợp không may bị nhiễm trùng, tụ áp xe, phải vào bệnh viện chuyên khoa để giải phẫu. "Đặc điểm áp xe mông do tiêm chất làm đầy thường ăn sâu và len lỏi bên trong, không thể tự điều trị bằng cách nặn, lể là xong", bác sĩ Dung khuyến cáo.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nguy hiểm tính mạng vì thẩm mỹ ở cơ sở không có uy tín mùa dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO