Nguy cơ từ sự cố hóa chất, doanh nghiệp không thể lơ là

17/12/2021 07:17

Các doanh nghiệp cần nâng cao tính chủ động, xây dựng kế hoạch phòng ngừa các sự cố hóa chất, tránh rủi ro trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Hoạt động liên quan đến hóa chất tại các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp luôn tiềm ẩn nguy cơ sự cố, gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và sức khỏe con người, tác động tới sự phát triển của doanh nghiệp (DN) nói riêng và của nền kinh tế nói chung. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, xu hướng phát triển bền vững đặt ra yêu cầu cấp thiết cho các DN chủ động xây dựng kế hoạch phòng ngừa các sự cố hóa chất, tránh rủi ro trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Thời gian qua, ngay tại Hà Nội đã xảy ra một số sự hóa chất lớn như sự cố tại Nhà máy hóa chất Đức Giang; hay sự cố hỏa hoạn ở Nhà máy Bóng đèn - phích nước Rạng Đông gây thất thoát lượng lớn chất thủy ngân. TP Hà Nội cùng các DN đã phải tốn kém quá nhiều nguồn lực để xử lý hậu quả.

Ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội cho biết nguy cơ sự cố hóa chất rất dễ xảy ra, nhất là khi Hà Nội có dân số đông, quy mô diện tích rộng, số lượng cơ sở sản xuất nhiều, tập trung tại 8 khu công nghiệp, 70 cụm công nghiệp đang hoạt động, rất nhiều làng nghề và nhiều cơ sở kinh doanh hóa chất trong nội thành. “Hoạt động hóa chất trên địa bàn thành phố diễn ra trên quy mô rộng và sâu ở cả ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, buôn bán, thậm chí còn có các vị trí làm kho trung chuyển từ các tỉnh vùng Thủ đô”, ông Thắng cho hay.

Mặc dù là 1 trong những DN có sự chủ động trong phòng tránh, ứng phó với nguy cơ sự cố hóa chất, song ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc cho biết, trong quá trình sản xuất DN phải lưu trữ và sử dụng rất nhiều hóa chất, trong đó có một số sản phẩm hóa chất độc hại, không nguy hiểm như lưu huỳnh, amiac, axit sulfuric… để phục vụ cho sản xuất sản phẩm. “Những hóa chất này nếu rò rỉ ra bên ngoài sẽ gây độc hại, rất nguy hiểm với con người và môi trường” ông Dũng lo ngại.

Trong thời gian qua, Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) và các lực lượng chức năng đã có những đợt thanh tra, kiểm tra phát hiện những tồn tại trong việc hoạt động quản lý hóa chất. Hàng trăm cuộc kiểm tra được các cơ quan chức năng thực hiện với các hình thức khác nhau và xử phạt vi phạm hành chính. Hàng tỷ đồng, xử phạt do các lực lượng chức năng kiểm tra và xử phạt liên quan đến sự cố hóa chất.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất, nhiều loại hóa chất khác nhau, tiềm ẩn những mức độ nguy cơ sự cố hóa chất khác nhau. Đối với một số loại hóa chất có tính độc hại, tính khuếch tán, phát tán lớn thì việc vương vãi hóa chất hết sức nguy hiểm, tác động ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và môi trường. Sự cố hóa chất có tính chất nguy hiểm hơn là nổ hoặc sự cố xì, rò dẫn đến nổ. Sự cố thứ ba phức tạp hơn, hết sức nguy hiểm là sự cố có thể dẫn đến vừa nổ, vừa cháy.

“Vẫn còn tình trạng DN chủ quan, lơ là, thụ động chỉ chú trọng quan tâm thật sự sau khi sự cố xảy ra. Một số cơ sở dù có quan tâm nhưng thực hiện mang tính đối phó chưa đầy đủ. Vi phạm phổ biến là chưa thực hiện việc xây dựng biện pháp, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố; chưa tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất; chưa xây dựng được nội quy an toàn hóa chất cho cơ sở sản xuất, sắp xếp hóa chất trong kho chưa đảm bảo an toàn theo đúng các quy định hiện hành”, ông Thanh cho biết.

Để phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro từ nguy cơ của sự cố hóa chất, đại diện Sở Công Thương TP Hà Nội cho biết, năm 2022, thành phố sẽ xây dựng Cơ sở dữ liệu các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh hóa chất, phân định rõ ràng trách nhiệm quản lý của từng cấp từ Thành phố, các Sở, ngành đến quận, huyện trong việc quản lý các loại hóa chất lưu trữ, sử dụng trên địa bàn.

“Trong những năm tiếp theo, mục tiêu là đưa hoạt động quản lý hóa chất của thành phố theo hướng thực chất hơn, chuyên sâu hơn và ngăn ngừa được các sự cố hóa chất có thể xảy ra. Đặc biệt chú trọng đào tạo, nâng cao kiến thức về sản xuất hóa chất, an toàn hóa chất cho các DN và hộ kinh doanh hóa chất nhỏ lẻ”, ông Thắng cho biết.

Về phía DN, ông Nguyễn Văn Dũng - Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc cho rằng, yếu tố mấu chốt giúp giảm thiểu các sự cố hóa chất có thể xảy ra tại DN chính là công nghệ trong lưu trữ, vận chuyển và sử dụng hóa chất. Hiện nay các lĩnh vực công nghệ đang phát triển rất mạnh nên các DN cần được phổ biến, cập nhật công nghệ tiên tiến, xu hướng đổi mới trong quản lý, sử dụng hóa chất để các DN cập nhật và nâng cấp chương trình, kế hoạch ứng phó.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, bên cạnh những quy định của pháp luật thì việc nâng cao ý thức và chủ động xây dựng kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, dự báo các nguy cơ gây ra sự cố và tình huống xảy ra sự cố, từ đó triển khai huấn luyện diễn tập hiệu quả để nâng cao năng lực ứng cứu là những giải pháp hữu hiệu, giúp các địa phương và DN phòng tránh, giảm thiểu sự cố hóa chất xảy ra./.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ từ sự cố hóa chất, doanh nghiệp không thể lơ là
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO