Nguồn máu đã cạn, TP.HCM ra văn bản kêu gọi mọi người hiến máu nhân đạo

Ngọc Hân (tổng hợp)| 08/06/2021 08:01

Việt BáoSáng ngày 27/5, số lượng máu trong kho tại TP.HCM xấp xỉ 5.000 túi, là ngưỡng dự trữ thấp báo động và thấp nhất trong vòng 9 tháng qua.

Nguồn máu cứu người bệnh đã cạn

Máu là loại chế phẩm sinh học duy nhất chưa thể tổng hợp nhân tạo được. Trong những năm qua, các bác sĩ dựa vào nguồn máu được hiến tặng để cứu sống các bệnh nhân. Các cơ sở y tế dựa vào nguồn cung cấp máu từ người hiến để đáp ứng nhu cầu bệnh nhân, đảm bảo nguồn máu dự trữ cho các trường hợp khẩn cấp.

Truyền máu được sử dụng trong phẫu thuật, trong các chấn thương, bệnh nhân ung thư, bệnh mạn tính hay các bệnh nhân có bệnh lý rối loạn máu như: thiếu máu hồng cầu hình liềm, máu khó đông...

TS.BS Phù Chí Dũng, giám đốc Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM, cho biết hiện ngân hàng máu của bệnh viện chỉ còn khoảng 5.000 túi máu dự trữ, bình thường phải đạt 10.000 túi. Đây là ngưỡng dự trữ máu thấp báo động và thấp nhất trong vòng 9 tháng qua. Trong khi đó, mỗi ngày ngân hàng máu cần từ 600 - 900 túi máu để phát cho hơn 130 bệnh viện trên địa bàn thành phố.

Nguồn máu đã cạn, TP.HCM ra văn bản kêu gọi mọi người hiến máu nhân đạo-1
Các y bác sĩ truyền đi thông điệp vừa chống dịch vừa hiến máu. Ảnh: HCDC.

Dự kiến trong những ngày tới, với tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp và nghiêm trọng, thành phố không còn đợt hiến máu lưu động nào diễn ra. Do đó, lượng máu dự trữ sẽ không đủ cấp phát trong thời gian tới.

Theo bác sĩ Dũng, nguyên nhân chính khiến lượng máu sụt giảm nghiêm trọng là do dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc hiến máu và vận động hiến máu. Từ đầu tháng 5 đến nay, hơn 100 lượt tua hiến máu lưu động đăng ký trước đó đã bị hủy, tương ứng khoảng 15.000 túi máu.

Đặc biệt, từ khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 15, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (Quận 12) cách ly xã hội theo chỉ thị 16, lượng máu thu vào mỗi ngày chỉ đạt 20% nhu cầu. Trong khi ngân hàng máu của bệnh viện vẫn phải cung cấp máu cho các bệnh viện như trước.

"Trước và đầu dịp lễ 30-4 và 1-5, số lượng máu dự trữ trong ngân hàng máu chúng tôi có khoảng 12.000 túi (số lượng tối đa). Nhưng những ngày gần đây, lượng máu cấp phát cho bệnh viện gấp đôi lượng máu thu về", bác sĩ Dũng nói.

Hiến máu giảm nguy cơ đột quỵ

Theo các bác sĩ, hiến máu không chỉ là một việc làm có ích cho xã hội mà còn mang lại nhiều sức khỏe cho người hiến tặng như tạo trạng thái tinh thần tích cực, tâm lý thoải mái.

Hiến máu thường xuyên có thể giúp chúng ta kiểm soát được hàm lượng sắt. Lượng sắt dư thừa hình thành trong cơ thể có thể gây tổn thương oxy hóa, đây là nguyên nhân chính gây tổn thương mô. Vì vậy, hiến máu không chỉ giúp kiểm soát hàm lượng sắt trong cơ thể mà còn giảm đáng kể nguy cơ bệnh tim nói chung. Ngoài ra, nó cũng cải thiện sức khỏe tim bằng cách làm giảm nguy cơ lão hóa sớm, đột quỵ, giảm nguy cơ ung thư, bệnh gan và đau tim.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức vừa ký văn bản gửi các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị, tổng công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp… về việc tăng cường kêu gọi mọi người hiến máu nhân đạo. Việc làm này nhằm đảm bảo đủ lượng máu cho cấp cứu và điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố, cũng như có đủ lượng máu dự trữ an toàn dự phòng cho thiên tai, dịch bệnh.

Trong văn bản cũng nêu, các cơ quan, đơn vị khi vận động hiến máu phải phối hợp với Trung tâm Hiến máu nhân đạo và Bệnh viện Truyền máu Huyết học tổ chức hiến máu an toàn như chia nhỏ số lượng người hiến theo khung giờ để đảm bảo mỗi thời điểm tối đa từ 20 - 30 người và tuân thủ nghiêm ngặt quy định 5K.

Địa điểm hiến máu được đề nghị là 2 điểm cố định: Bệnh viện Truyền máu Huyết học và Trung tâm Hiến máu Nhân đạo Thành phố.

Nguồn máu đã cạn, TP.HCM ra văn bản kêu gọi mọi người hiến máu nhân đạo-2
Người dân đang hiến máu tình nguyện. Ảnh: HCDC.

Do tình hình dịch bệnh tại thành phố đang phức tạp, bác sĩ Dũng cho hay bệnh viện có nhiều giải pháp để người dân, tổ chức yên tâm khi hiến máu trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.

Cụ thể, người hiến máu sẽ được nhân viên y tế hướng dẫn thực hiện nghiêm 5K, trong đó đặc biệt chú ý khâu khai báo y tế. "Chúng tôi sử dụng ứng dụng khai báo y tế của Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM để quản lý người đến hiến máu và sẽ kiểm tra lại kết quả sau khi người hiến khai báo. Nếu an toàn sẽ tiếp tục các thủ tục hiến máu tiếp theo", ông Dũng nói.

Bác sĩ Dũng cũng cho biết bệnh viện sẽ tổ chức hiến máu theo nhóm, mỗi nhóm 5 - 10 người, đảm bảo khoảng cách 2m và thời gian lấy máu thường kéo dài dưới 30 phút.

Những người nên và không nên hiến máu

Mặc dù hiến máu là cách tuyệt vời để giúp đỡ những người đang phải đối mặt với tình trạng sức khỏe nguy cấp, song không phải ai cũng có đủ điều kiện hiến máu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyên rằng, những người sau không nên hiến máu:

+ Người mắc bệnh cúm, đau họng, cảm lạnh hoặc các bệnh nhiễm trùng khác.

+ Người vvừa thực hiện một thủ thuật nha khoa, phải đợi 24 giờ trước khi hiến máu.

+ Gần thời điểm hiến máu có du lịch đến các quốc gia có nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm trùng; quan hệ tình dục không an toàn, nguy cơ cao trong 12 tháng qua.

+ Người hiến máu không bị nhiễm hoặc không có các hành vi lây nhiễm HIV và các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu khác (virus viêm gan B, viêm gan C, giang mai...); người sử dụng các loại thuốc, chất kích thích; người đã từng sinh con trong vòng 9 tháng qua, phụ nữ có thai, đang cho con bú.
 

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nguồn máu đã cạn, TP.HCM ra văn bản kêu gọi mọi người hiến máu nhân đạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO