Người trẻ đã mắc bệnh xương 'lạo xạo', bác sĩ chỉ ra hai thói quen ít ai ngờ tới

02/09/2022 09:29

Thoái hoá khớp bình thường hay gặp ở bệnh nhân trên 40 tuổi thì hiện tại người trẻ mới 20 tuổi đã mắc bệnh này.

Mỗi ngày BV Đại học Y Dược TP.HCM tiếp nhận hàng chục bệnh nhân trẻ mới chỉ ngoài 20 tuổi đến khám vì đau cứng khớp. Bệnh nhân có chung đặc điểm hư hỏng sụn, đệm, giảm dịch nhầy giữa các khớp.

Trường hợp của anh Vũ Đức Hải (29 tuổi, trú tại Bình Thạnh, TP.HCM) tới khám bệnh vì đau vùng khớp gối. Anh Hải cho biết mỗi lần co duỗi chân anh thấy đau. Thậm chí nhiều lần đi lại nghe tiếng khớp chèn vào nhau phát ra tiếng lục cục.

Bác sĩ cho anh Hải chụp phim Xquang. Kết quả anh Hải bị thoái hoá khớp gối. Nghe tới bệnh thoái hoá, anh Hải cũng giật mình vì từ trước tới nay anh chỉ nghĩ tới bệnh thoái hoá của người già.

Chị Nguyễn Thị Hợp (33 tuổi, trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng khổ sở vì thoái hoá đốt sống cổ và thoái hoá ở thắt lưng. Theo chị Hợp công việc của chị bận rộn, suốt ngày ngồi trước máy vi tính. Mỗi ngày làm việc tới 10 – 12 giờ. Vì vậy, chị Hợp bị thoái hoá đốt sống cổ. Nhiều lần cơn đau cấp tính chị còn không nhấc được tay lên để buộc tóc hay lấy vật gì cao qua đầu.

Sau gần 1 năm điều trị bằng vật lý trị liệu bệnh ở đốt sống cổ đỡ hơn thì lại tới thắt lưng. Tình trạng đau mỏi lưng diễn ra cả tháng, chị Hợp đi kiểm tra bác sĩ cho biết đốt sống thắt lưng của chị bị thoái hoá.

Nguyên nhân cũng từ thói quen như của chị Hợp mà nhiều người trẻ đang mắc là khi làm việc hay ngồi chéo chân. Việc ngồi chéo chân khiến xương bị lệch và áp lực lên cột sống càng lớn.

Theo TS BS Cao Thị Thanh Ngọc – Trưởng khoa Nội Cơ xương khớp, BV Đại học Y dược TP.HCM, thoái hoá khớp là hậu quả của quá trình cơ học và sinh học của tuổi tác làm mất cân bằng giữa tái tạo và phá hủy sụn khớp và tổ chức xương ở dưới sụn.

Người trẻ đã mắc bệnh xương 'lạo xạo', bác sĩ chỉ ra hai thói quen ít ai ngờ tới
Ảnh minh hoạ.

Giai đoạn đầu xương bị mất nước, dần phá hủy sụn, sau đó gây ra đau đớn, cứng khớp, hạn chế chức năng vận động khớp và cột sống.

BS Ngọc cho biết ở giai đoạn đầu bệnh nhân đau khi đi lại, biểu hiện cứng khớp nhất là sáng khó gập tay, khớp gối cũng khó co duỗi, cúi xuống cũng khó. Khi bị nặng hơn, sụn khớp tổn thương giảm chất nhờn khi vận động bạn thấy có tiếng lạo xạo ở đầu khớp và có biểu hiện đau.

Tình trạng trẻ hoá thoái hoá xương khớp, theo BS Ngọc, nguyên nhân là do thói quen sinh hoạt của nhiều người trẻ hiện nay.

Những thói quen xấu khi làm việc ảnh hưởng tới khớp nhưng không ai để ý tới như:

Ngồi bắt chéo chân: Thói quen này tưởng chùng vô hại nhưng lại vô tình làm tổn thương hệ xương rất lớn. Khi ngồi vắt chéo chân là khung xương chậu sẽ bị lệch, một bên cao, và một bên thấp khiến cột sống cũng bị lệch.

Nếu ngồi vắt chéo chân quá 3 tiếng ngày, bạn sẽ dễ bị tình trạng từ cổ, vai tới cột sống và xương chậu cùng nghiêng sang một bên, đầu bị đẩy về phía trước nhiều hơn và hình thành nên dáng đi khom lưng, mất cân đối.

Ngoài ra, khi vắt chéo 2 chân, lưu lượng máu không chỉ xuống hai chân mà đến các khớp ở chi dưới cũng bị giảm hẳn, gây cản trở quá trình tạo dịch nhầy ở khớp, khiến khớp khô, tình trạng này dễ gặp nhất ở các vùng khớp gối, khớp cổ chân, xương chậu và vùng thắt lưng.

Ngồi cong lưng và cúi người xem điện thoại:  Theo BS Ngọc, cột sống bao gồm các đột sống và có các bộ phận mềm chen giữa xương được gọi là đĩa đệm. Ở tư thế nằm thì áp lực lên đĩa đệm ít hơn nhưng khi đứng thì áp lực lên đĩa đệm càng cao hơn đặc biệt là khi ngồi, cong lưng thì áp lực lên đĩa đệm càng lớn hơn.

BS Ngọc lấy ví dụ điển hình khi nằm áp lực lên đĩa đệm chỉ có 25 kg, ở tư thế đứng áp lực lên đĩa đệm là 100 kg nhưng ngồi khom lưng thì áp lực lên đĩa đệm lên tới hơn 200 kg. Vì vậy, các chuyên gia thường khuyến cao khi ngồi làm việc bạn cố gắng ngồi thẳng lưng để giảm áp lực lên cột sống.

Nguyên nhân khác khiến bệnh xương khớp trẻ hoá là do thói quen sinh hoạt của người dân lười vận động dẫn tới tình trạng béo phì, hút thuốc lá, tập thể thao quá nặng.

Vì vậy, bạn cần duỳ trì cân nặng hợp lý, tập luyện nhẹ nhàng. Khi có dấu hiệu đau nên đến các cơ sở y tế khám sớm không nên lạm dụng thuốc giảm đau có thể làm tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn.

Khánh Chi  

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Người trẻ đã mắc bệnh xương 'lạo xạo', bác sĩ chỉ ra hai thói quen ít ai ngờ tới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO