Người sở hữu kho báo tuổi đời cả thế kỷ, nặng hàng tấn

15/02/2021 12:50

Nói đến việc săn đồ cổ, chắc hẳn không ít người sẽ nghĩ đến việc mua đi bán lại để kiểm lợi nhuận. Nhưng với ông Nguyễn Phi Dũng, việc sưu tầm báo xưa lại có ý nghĩa rất khác…

Trong giới sưu tầm đồ cổ tại Thành Nam, ông Nguyễn Phi Dũng (SN 1960, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) là người khá nổi tiếng. Và đặc biệt là ông rất sẵn sàng mở cửa đón người tham quan kho tàng đồ sộ của mình.

Người sở hữu kho báo tuổi đời cả thế kỷ, nặng hàng tấn - 1

Ông Nguyễn Phi Dũng người sở hữu kho tàng báo xưa đồ sộ

Bộ sưu tập nặng hàng tấn sau 3 năm sưu tầm

Trong căn phòng rộng khoảng 100m2 gọi là thư phòng, thư viện hoặc có thể gọi là bảo tàng ấy, cơ man báo và tạp chí mà ông Dũng đã sưu tầm. Trong đó có cả những tờ báo đầu tiên của nền báo chí sơ khai Việt Nam, quý hiếm và giá trị.

Ông Dũng cho biết, ông đã có hàng chục năm sưu tầm đồ cổ như bát, đĩa, bình vôi gốm thời Lê; đài, máy đánh chữ trước năm 1975; bàn tính gẩy (Suanpan) của người Trung Hoa với nhiều hệ khác nhau…

Việc sưu tầm báo xưa chỉ mới được tiến hành được hơn 3 năm.

Người sở hữu kho báo tuổi đời cả thế kỷ, nặng hàng tấn - 2

Trong căn phòng rộng khoảng 100m2 gọi là thư phòng, thư viện hoặc có thể gọi là bảo tàng ấy, cơ man báo và tạp chí mà ông Dũng đã sưu tầm.

Tiếp chúng tôi trong phòng trà khang trang, ông Dũng thổ lộ, cha ông là cụ Nguyễn Phi Hùng có sở thích đọc báo, sưu tầm báo và đóng quyển báo từ những năm 1970. Trải qua thời gian dài, những tập báo cũ của cha ông cứ thưa dần, thưa dần vì cuộc sống khó khăn, cụ phải bán những tập báo đó đi lấy tiền trang trải nuôi sống gia đình.

Dẫu vậy, thói quen đọc báo của cụ Hùng vẫn duy trì. Nghĩ lại sở thích trước kia của cha mình, ông Dũng bắt đầu sưu tầm báo xưa. Một lý do nữa là ông Dũng sợ những tờ báo xưa có giá trị bị thất thoát sang nước ngoài nên ông mới săn lùng và mua nhiều đến vậy.

Từ các mối quan hệ cũ trong giới sưu tầm đồ cổ cho đến mạng xã hội, ông Dũng săn lùng mua báo một cách nhanh chóng. Chỉ cần có cuộc điện thoại gọi đến nói nơi rao bán báo xưa là ông đến tận nơi để mua cho bằng được.

Cứ như vậy, chỉ sau 3 năm ông Dũng đã sưu tầm được khoảng 140.000 tờ báo của hơn 500 đầu báo. Nếu tính trọng lượng, toàn bộ số sách, báo có trong phòng sưu tầm phải nặng trên 7 tấn. Tổng chi phí bỏ ra để mua sách, báo xưa ngót nghét 1 tỷ đồng.

Người sở hữu kho báo tuổi đời cả thế kỷ, nặng hàng tấn - 3

Chỉ sau 3 năm ông Dũng đã sưu tầm được khoảng 140.000 tờ báo của hơn 500 đầu báo.

Ông đặt tên căn phòng lưu giữ báo là "Phòng sưu tầm báo chí PDC". Căn phòng được trang bị cả điều hòa, máy hút ẩm, bật 24/24h để bảo vệ báo. Báo được ông Dũng sắp xếp ngăn nắp trên kệ, cao ngút đầu, đến sát trần nhà; ông phân loại báo theo từng chủ đề, thể loại, mốc thời gian, tính thời sự…

Trong đó, có 2 đầu báo chủ đạo được đóng thành quyển bìa cứng là báo Nhân Dân và Quân đội Nhân dân. Ông còn rất sẵn lòng tặng 1 tờ báo có ngày, tháng, năm sinh trùng với ngày sinh nhật của bạn bè.

"Việc sưu tầm và đọc lại báo xưa giúp tôi có thêm kiến thức lịch sử. Hiểu rõ nét về đời sống, chính trị, quân sự, kinh tế ở các giai đoạn trước và sau năm 1975", ông Dũng chia sẻ.

Những tờ báo không bao giờ cũ

Báo chí phản ánh cuộc sống, cung cấp cho chúng ta thông tin mọi mặt về xã hội Việt Nam qua các thời kỳ. Ông Dũng muốn lưu giữ tất cả cho không chỉ riêng ông mà cho bất cứ ai cần tìm hiểu một thời lịch sử, những diễn biến chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội hay nghệ thuật của đất nước. 

Chẳng hạn như những bài viết về ngày 2/9/1945 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội; những bài viết về đám tang của học giả Nguyễn Văn Vĩnh vào tháng 5/1936; những bài viết về ngày 30/4/1975 khi miền nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, trong đó có tờ Đông Phương của Sài Gòn xuất bản đúng ngày 30/4...

Người sở hữu kho báo tuổi đời cả thế kỷ, nặng hàng tấn - 4

Trong số hàng nghìn tờ báo ông đã sưu tầm, có 5 tờ báo quý, ông Dũng gọi đó là những tờ báo cấp đặc biệt hay cấp 1.

Trong số hàng nghìn tờ báo ông đã sưu tầm, có 5 tờ báo quý, ông Dũng gọi đó là những tờ báo cấp đặc biệt hay cấp 1. Những tờ báo này được bảo quản và cất giữ cẩn thận, tất cả đều được cho vào túi nilon loại mềm, mỗi tờ cho vào 1 túi và bảo vệ bằng ống chống ẩm. Khi nào, có khách đến tham quan ông mới đem ra cho mọi người chiêm ngưỡng.

Những tờ báo quý đó lần lượt là: Gia Định Báo - tờ báo đầu tiên bằng tiếng Việt mới (chữ Quốc ngữ) do Trương Vĩnh Ký làm Chánh tổng tài (chức danh tương đương Tổng Biên tập ngày nay). Tờ báo ông đang sở hữu xuất bản năm 1896.

Thứ hai là tờ báo Cờ Giải Phóng - Cơ quan tuyên truyền cổ động Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương, số 1 ra ngày 10/10/1942. Đây là tờ báo do Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp phụ trách đồng thời là cây bút chính luận chủ yếu của báo. 

Tờ Cờ Giải Phóng ra tới số 33 là dừng lại. Hiện nay, ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia chỉ có 32 số báo Cờ Giải Phóng, còn thiếu số báo phát hành đầu tiên. Và để mua được tờ báo này, ông Dũng phải bỏ ra 50 triệu đồng và mua kèm 4 tờ báo khác.

Thứ ba là tờ báo Xung Phong - Cơ quan cổ động của Việt Minh tỉnh Bắc Giang, số 9, ra ngày 15 tháng 9 ta (chưa rõ năm) với những tiêu đề chính như: Khổ! Khổ!; Xích xiềng cả; Công tác vận động…

Người sở hữu kho báo tuổi đời cả thế kỷ, nặng hàng tấn - 5

Ông Dũng giới thiệu cho khách tham quan

Cuối cùng là 2 tờ báo Cứu Quốc - Cơ quan ngôn luận của Việt Minh (tương đương Mặt trận tổ quốc hiện nay) toàn quốc. Gồm: Tờ số 5, ra ngày 23/9/1942 với những tiêu đề chính như Bắc Sơn khởi nghĩa, Nhật bị ném bom dữ, Hãy nói lên, Mật thám Pháp bị Nhật bắt… Tờ đặc biệt (số Xuân) ra ngày 5/1/1943, trang bìa được in chữ màu đỏ.

"Những tờ báo này có tính Cách Mạng trong thời kì mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang hoạt động bí mật. Trải qua hàng chục năm, những tờ báo này vẫn còn tồn tại; thực sự là những tài liệu cực kỳ quý hiếm", ông Dũng chia sẻ.

Ngoài sưu tầm báo xưa, ông Dũng còn sưu tầm cả tập san, tạp chí, công báo, sách Nam Phong, Truyện Kiều…

"Nhiều người ngỏ ý muốn mua lại những tờ báo quý này mà tôi sở hữu nhưng tôi nhất quyết không bán. Tôi vẫn sẽ tiếp tục sưu tầm. Sau này, nếu con tôi thích thì tôi sẽ để lại toàn bộ cho chúng quản lý. Còn nếu không thích, tôi sẽ tặng cho bảo tàng", ông Dũng tâm sự.

Đức Văn

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Người sở hữu kho báo tuổi đời cả thế kỷ, nặng hàng tấn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO