Thanh đứng trên cầu tàu nhìn về cuối biển, chỗ sóng vỗ cồn cào và sương mù dăng mờ mịt là đất liền, là làng quê của cô, nơi ấy, từ lâu lắm rồi cô chỉ còn nhìn thấy tên trên cái sổ hộ khẩu bằng giấy cũ kỹ.

Nơi ấy, Thanh từng có giấc mơ về túp lều tranh, hai trái tim vàng và những buổi chiều tiếng sáo diều trong veo miên man. Mơ cả nụ hôn đầu tiên và cuối cùng bên đồi hoa sim tím ngát ấy, chúng đọng lại trong Thanh như những cơn gió mong manh thổi ra từ đất liền trong buổi chiều hoang dại, biển lặng im và bến bãi ngập tràn mùi thơm cá mực ngổn ngang.

Lúc còn nhỏ, đọc dòng chữ nguyên quán ở thôn X, làng Y, xã Z, huyện M… Thanh lạ lắm, hỏi bố: “Quê hương chúng ta thế nào hả bố?”.

8a-9962.jpg
Minh họa: Huỳnh Ty.

Ông cụ dắt con gái ra cầu tàu, chỉ về phía mặt trời lặn, kể: “Làng chúng ta có bến nước, sân đình, có nhiều trai thanh, gái tú, dân sống bằng nghề trồng lúa. Người học hành thành đạt thường ra thành phố làm việc, ngày Tết họ đổ xô về quê trên những chuyến xe, chuyến tàu đông nghẹt. Người ta thường trồng đào, mai thành cánh đồng, những khu rừng thơm ngát”.

Chiều chiều, cha con dạo quanh đảo, nhìn những con rùa xanh lên tìm bãi đẻ. Cư dân thưa thớt, tàu bè ra đảo ít lắm, nên có đánh bắt rùa cũng chẳng biết bán cho ai. Lũ rùa xanh tràn lên bờ, như đây là ngôi nhà của chúng vậy. Đàn rùa con lớn như thổi, chạy trên bãi cát những bước chân ngập ngừng, rồi chúng theo bố mẹ bò xuống đại dương, bơi khắp các vùng biển Đông Nam Á. “Con hãy như con rùa nhỏ bé kia, dũng cảm rời hòn đảo đi tìm những vùng đất mới, đừng giống bố mãi đứng im như bãi cát nhỏ bé này”. Nghe bố nói vậy, cô con gái nhỏ cũng háo hức.

Không biết từ lúc nào, Thanh đã âm thầm chờ đợi những chuyến tàu đẹp đẽ, lung linh ánh điện hào quang xuất hiện trên biển khơi với chàng thủy thủ hào hoa và tài năng đưa nàng đi đến mọi miền thế gian.

Rồi con tàu ấy cũng cập bến. Đó là con tàu chở gạo. Con tàu cũ kỹ, rong rêu bám đầy và những người thủy thủ ngủ trên boong tàu để dành những chỗ tốt nhất cho lương thực thực phẩm đem ra đảo. Sóng biển gầm rú những ngày biển động. Người thuyền trưởng và đám thủy thủ bơ thờ, xơ xác như những cây dừa bị gió bão quăng quật không còn lấy một tàu lá lành lặn. Họ chẳng kịp nghỉ ngơi, nhịn đói bốc gạo xuống tàu.

Cả đảo đang chờ gạo sau suốt nửa tháng biển động. Riêng Thanh thì khác. Thanh chờ anh chàng thuyền trưởng thường ghé thăm nhà. Anh chàng hiền lành, tính tình nhút nhát khi gặp nàng, trái hẳn vẻ phong trần của chàng lúc đầu sóng ngọn gió. Chàng nói: “Biển khơi rộng lớn, nhưng không thể rộng lớn bằng tâm hồn người con gái anh yêu”. Vâng, chàng say cái vị say say đảo, say đôi mắt ngơ ngác của nàng giữa với đám rùa xanh bé xíu.

Thuyền gạo được bốc dỡ hết. Khuôn mặt người dân trên đảo ai cũng trẻ ra tới mấy tuổi khi vác, thồ, gánh gạo về nhà. Bố nàng bảo: “Đảo ta cái gì cũng có, trừ gạo”. Thanh lắc đầu: “Đảo ta thiếu đàn ông, con trai. Quay tới quay lui chỉ toàn các bác, các chú”. Bố cũng thở dài. Các anh bộ đội lo trực trong đơn vị, kiểm lâm mải trông giữ rùa và san hô. Lâu lắm, mới có người đất liền ra đảo trên các tàu hàng”.

Họ đi bên nhau qua bãi cát, cạnh cầu tàu, họ đi bên những hố cát mà rùa vừa lên đẻ trứng đêm qua. Chàng thuyền trưởng rụt rè bảo: “Vậy là mai anh quay vào bờ rồi. Chẳng biết bao giờ trở lại”. Thanh không nói gì. Chẳng biết nói gì. Trái tim nàng như hóa đá. Chưa bao giờ nàng nghĩ con tàu gỗ sẽ không trở lại. “Anh không ra, đảo em lấy đâu gạo ăn?”.

Người thuyền trưởng gật đầu: “Anh không ra sẽ có người khác ra. Giờ đội tàu được trang bị hiện đại, dùng tàu sắt lớn. Em nghĩ xem, dân số trên đảo giờ đông hơn, cần nhiều gạo và thực phẩm hơn. Chiếc tàu gỗ cải tạo từ tàu đánh cá của anh đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử. Sắp tới anh chuyển công tác lên bờ, làm ở cảng trong đất liền thôi”. Bất giác, Thanh thấy đất liền hiện ra trước mắt. Những bến nước, sân đình, những hàng cau và những đồng lúa đẹp như tranh thêu. Cái hộ khẩu giấy cũ hóa thành bức tranh. Nàng nói: “Em sẽ bỏ trốn khỏi cơ quan. Tối nay em lên tàu của anh, sáng mai em sẽ biến mất khỏi đảo này. Em theo anh vào bờ”.

Đôi mắt người thuyền trưởng sáng lên, nụ cười nở trên môi đầy mãn nguyện. Anh đã thấy tình cảm chân chất và thẳng thắn của người con gái trên đảo. Với anh, chừng ấy quá đủ rồi. Anh sẽ mang những lời nói này đi mãi mãi suốt cuộc đời. Tình yêu của em là báu vật anh không bao giờ đánh mất.

Còn chuyện em bỏ trốn khỏi gia đình và cơ quan vừa mới nhận em vào làm việc ư? Anh không thể đồng tình. Mọi người sẽ nghĩ sao về anh, về Thanh và liệu bố sẽ sống ra sao khi con mình mất tích chỉ để theo trai? Đảo nhỏ lắm, mọi chuyện sẽ vở lỡ ngay khi tàu rời bến. Chàng im lặng. Họ ngồi trên tảng đá, nhìn con sóng dạt dào, thấy lũ rùa núp sau những chiếc lá rụng tím ngắt.

“Em về nhà chuẩn bị quần áo. Sáng sớm em lên tàu. Em không cần gì hết, em chỉ cần anh thôi”. Nàng nói, gục đầu vào vai chàng.

Sáng sớm tinh mơ, Thanh đeo chiếc ba lô cũ, xách theo một ít cá mực khô làm quà cho các thủy thủ trên tàu. Cô tránh gặp mọi người nên chạy ra bến bằng con đường mòn dưới hàng dương. Đập vào mắt Thanh những con sóng ban mai và mặt trời đâu đó chiếu ngược ánh bình minh lên mặt biển. Những con chim hải âu kêu thảm thiết và đám rùa con tí xíu theo nhau chạy ra biển.

Con tàu nhổ neo từ lúc nào? Con tàu gỗ chở gạo cũ kỹ ấy không bao giờ trở lại đảo nữa và đó cũng là lần đầu tiên Thanh cảm thấy mình là người đến trễ, dù cô tới rất đúng giờ, thậm chí đến sớm hơn nửa tiếng so với lời hẹn cùng người yêu.

Thanh bước chân về nhà. Cô không khóc. Cô chỉ tức giận. Cô bực tức với bản thân về chuyện vì sao tối qua không lên thẳng tàu mà còn về nhà lấy mấy bộ quần áo để làm gì. Quần áo đẹp giờ mặc cho ai ngắm bây giờ? Đám cá mực này giờ nướng cho ai ăn? Thanh than thở: “Mình đúng là một cô gái ngốc nghếch, đúng như bố thường nhận xét”.

Thanh mở cửa, nhẹ nhàng bước chân vào nhà, nằm trên chiếc chõng tre. Bố cô dậy đã lâu, ông ra ngoài biển để câu cá. Đảo chẳng thiếu cá và gia đình cũng không cần ăn cá ông câu. Ông cụ ra biển để nhìn về quê nhà, vùng đất xa xôi nơi những con đê chở đầy nước ngọt và người ta chỉ biết đến những con cá biển ướp muối. Sáng nay, ông thấy chiếc tàu chở gạo đột nhiên rời bến sớm hơn mọi hôm, vẻ như rất vội vã. Trời sắp có dông bão gì chăng? Con tàu chạy đi, người thuyền trưởng trẻ tuổi còn đứng trên boong nhìn về đảo cho đến khi tàu chìm khuất trong sương mờ.

***

Cuối cùng Thanh cũng vào được đất liền sau nhiều năm chờ đợi người thuyền trưởng, nhưng chẳng bao giờ còn thấy bóng anh.

Người ta nói chàng lấy một cô gái xinh đẹp, con vị lãnh đạo bến cảng. Họ có những đứa con xinh xắn, học giỏi. Ấy thế mà sao Thanh vẫn muốn vào bờ, vẫn muốn tìm gặp lại chàng, chỉ một lần thôi, nhìn chàng từ xa. Ôi! cái con người ấy! không hứa hẹn gì nên không bao giờ là người bội bạc, nhưng chẳng lẽ anh không biết trên đảo nhỏ có người lỡ tàu hay sao?

Thanh vào bờ, tìm đến bến cảng. Chẳng khó khăn gì, người ta nói cho cô biết rằng: “Phải cô muốn tìm anh chàng cứ say là khóc không?”. Họ chỉ cho cô quán nhậu cuối bến cảng, nơi thuyền bè đông đúc và đám thủy thủ thường tụ tập sau mỗi chuyến đi biển dài ngày. Người chủ quán nhậu mời cô vào trong nhà, bảo: “Tôi biết cô tìm ai. Cô tên là Thanh, ở đảo phải không?”.

Nàng giật cả mình. Tại sao cái bến bãi này họ biết cô? Chuyện gì lạ vậy?

Người chủ quán khá mập, trắng trẻo và cổ treo hai sợi dây chuyền vàng. Cô ta nói: “Anh ấy, người thuyền trưởng mà cô đi tìm, anh ấy là khách hàng thường xuyên của quán tôi. Từ ngày không chở gạo ra đảo nữa, chiều nào anh ấy cũng tới đây, uống bia, uống rượu say tí bỉ. Tôi nhiều lần không bán cho anh ta, nhưng anh ấy vẫn không chịu rời khỏi chỗ này”.

Thanh bảo: “Chị có nhầm người không? Anh ấy ít rượu bia lắm”. Người chủ quán lắc đầu: “Anh ta lấy vợ, gia đình yên ấm, nhưng mỗi khi say, lại khóc và bảo rằng: Tôi đã sai rồi. Tôi đã cho tàu đi sớm, bỏ lại người con gái tôi thương. Tôi đã sai rồi. Mọi người hãy tha thứ cho tôi!”.

Người chủ quán lại bảo: “Vợ anh ấy biết chuyện, đến bảo tôi rằng: Chị thông cảm cho chồng tôi. Cứ say là anh ấy lại khóc. Anh ấy người tốt. Anh biết ân hận việc mình làm sai trong quá khứ là tốt. Nhưng anh ấy thiếu nghị lực, thiếu một sự mạnh mẽ quyết đoán. Mỗi khi buồn, anh ấy chỉ biết thở than, trách cứ bản thân”.

Người chủ quán khuyên Thanh nên ở lại tới chiều, sẽ gặp được người cô tìm, vì chiều nào anh ấy cũng tới. Cô cám ơn và lên tàu trở lại đảo. Lần này, người đi trước lại là Thanh.

Thanh trở lại đảo, từ đó không bao giờ rời khỏi những vết chân rùa biển. Với nàng, đất liền là một ký ức thời tuổi trẻ. Thanh học cách để sinh sống, mưu sinh trên hòn đảo, như những người chị, người mẹ trên đảo. Nàng cất ngôi nhà nhỏ bên ghềnh đá sóng vỗ bốn mùa.

Một ngày, trong lúc trời mưa, dạo bước trên bờ biển, ướt hết cả, Thanh chợt hiểu rằng anh chàng thủy thủ kia đã bỏ lại cô trên đảo bởi anh ta tin rằng Thanh như những con rùa biển, sẽ chẳng bao giờ rời bỏ được nơi mình đã sinh ra. Nàng đã trót kể cho anh chàng thủy thủ câu chuyện về loài rùa xanh. Rằng chúng là loài di cư, lang thang khắp mọi nơi trong đại dương, nhưng vào mùa sinh nở, chúng lại trở về đảo nhỏ, nơi tổ tiên chúng sinh ra. Kìa, những ổ trứng mới xuất hiện. Những chú rùa con chào đời để tiếp tục cuộc phiêu dạt, ra đi, trở về…

Thời gian thắm thoát trôi đi. Chồng của Thanh người đất liền ra đảo công tác cũng đã qua đời. Các con của Thanh học hành, lập nghiệp trong đất liền. Thanh ở đảo, một mình thôi, trông nom mộ của bố. Mỗi sáng sớm tinh mơ, cô vẫn như nhìn thấy bố ngồi câu cá nơi ghềnh đá, mắt không nhìn phao mà nhìn về phía đất liền nơi có làng quê ghi trong sổ hộ khẩu. Tóc cô đã điểm bạc như tóc bố năm nào.

Một hôm, có hai người đàn bà ra đảo tìm Thanh. Ấy là cô chủ quán và người kia chính là vợ của chàng thuyền trưởng. Họ gặp cô, như gặp một người quen biết từ lâu. Câu đầu tiên họ báo, đó là: “Anh thuyền trưởng của cô đã qua đời”.

Thanh buồn buồn: “Do uống bia rượu nhiều quá mà!”. Hai người đàn bà kia lắc đầu: “Không hẳn vậy. Sau khi biết cô Thanh vào bờ tìm, nhưng tránh mặt, anh ấy ít uống bia rượu hẳn. Tính tình vui, lạc quan hơn, tham gia nhiều sinh hoạt ở tổ, ở xóm. Một hôm, anh ấy ngủ và không bao giờ tỉnh lại nữa. Ra đi rất nhẹ nhàng”.

Ba người đàn bà cùng nhau đi tìm những con rùa con trên đảo. Chúng ngày một ít do nạn săn bắt, những mảnh lưới trôi dạt khiến chúng mắc phải và không thể thoát ra được. Rất may, đàn rùa xanh tìm ra bãi đẻ trứng mới ở các hòn đảo nhỏ vắng vẻ không người.

Hai người đàn bà trong đất liền bảo: “Hay chị Thanh chuyển vào bờ ở với chúng em. Trong bờ gần bệnh viện, lúc lớn tuổi, ốm đau chữa bệnh dễ dàng. Ngoài đảo này gặp lúc giông tố, gió bão thì sao?”.

Thanh nhìn những con thuyền vừa rời bến, bảo: “Nếu vào bờ, em đã vào từ lúc còn rất trẻ, khi đó em mơ về một ngôi nhà nhỏ giữa đồi sim mua, không sóng gió, suốt đời bình yên. Ngày đó quá xa rồi. Em đã quen với cảnh biển, cảnh đảo. Giờ xa biển, chẳng biết em sẽ sống thế nào. Chỉ cần nghĩ tới việc phải xa biển, xa đảo, tự dưng đang ốm cũng khỏe ra. Sống đâu quen đấy hai chị ạ”.

Chồng của Thanh người đất liền, ra đảo công tác lâu năm, lấy vợ sinh con trên đảo. Nhưng lúc ốm mất, theo nguyện vọng gia đình, an táng anh ở làng quê, cạnh mồ mả tổ tiên ông bà. Việc hương khói trong đất liền cũng tiện cho họ hàng bên nội. Có người nói “số của Thanh cô quả”, rút cục sống một mình. Cô bảo: “Đảo này bao nhiêu người, sao bảo tôi sống một mình?”.

***

Mới rồi, Thanh nghe con gái út tên Hạnh gọi điện thoại. Giọng nó lanh lảnh: “Mẹ ơi! Con tốt nghiệp đại học nông lâm rồi nhé! Mẹ thưởng con cái gì nào?”.

Thanh bảo: “Giỏi quá! Tự hào con gái của mẹ. Giờ mẹ bán đất, mua nhà chung cư cho con trong thành phố, mua cho con một cái xe máy. Có nhà, có xe, kiếm ngay chàng rể cho mẹ nhờ cậy lúc già nghe chưa”. Hạnh kêu trời: “Con học về bảo tồn cây cối, các loài sinh vật biển, con ở thành phố làm gì hả mẹ! Mẹ không phải mua xe máy đâu. Ở đảo đi bộ và đạp xe cho khỏe đồng thời bảo vệ môi trường”.

“Ở đảo à?” – Thanh giật mình.

Từ lâu này, cô cứ nghĩ con gái học xong sẽ xin việc trong thành phố để lập nghiệp. Ở thành phố thu nhập cao, cuộc sống tiện nghi, đi lại thuận tiện, nhiều cơ hội phát triển tài năng. Chưa kể con cái sau này cũng có nhiều trường chuyên lớp chọn hơn ngoài này. “Tùy con quyết định”. Người mẹ nói: “Hãy suy nghĩ cho kỹ”. Cô dặn thêm: “Điều quan trọng hơn cả, đó là bạn trai của con, chồng sắp cưới của con muốn sống ở đâu? Người ta nói rằng chồng ở đâu thủ đô ở đó con ạ. Chồng là quê hương”.

Cô con gái ngọt lịm: “Dạ! mẹ là quê hương!”. Người mẹ muốn cúp máy: “Khéo nịnh! Có chồng vào rồi sẽ xem mẹ quan trọng đến cấp độ mấy?”.

Mùa rùa sinh sản năm nay, những con rùa xanh lại trở về quê hương của chúng, nơi chúng sinh ra, ấy là những hòn đảo nhỏ xinh giữa trùng khơi sóng gió.

Bằng một giác quan, bản năng hay một trí khôn nào đó, hoàn toàn không sử dụng bản đồ hay định vị như con người, đàn rùa xanh vẫn có thể vượt hàng ngàn dặm đại dương, từ nhiều quốc gia khác nhau mà trở về hòn đảo của Việt Nam để làm ổ, sinh sản. Chúng thuộc giống loài được liệt vào sách đỏ cần bảo vệ nghiêm ngặt trên toàn thế giới.

Đàn rùa xanh đã quá quen với cảnh trên đảo, nhất là bãi ấp trứng sau ghềnh đá.

Điều đàn rùa xanh tò mò hơn cả đó là năm nay xuất hiện một nữ kỹ sư nông nghiệp trẻ tuổi tới chụp ảnh đo đạc, tính toán về tập tính, đặc điểm sinh sản của rùa xanh và các cách bảo tồn giống loài quý hiếm. Vâng, cô bé ấy đã rời đảo năm 18 tuổi để vào đất liền học đại học, rồi giờ đây, cô quay trở về cầu tàu và những bến bãi thân quen. Cô nói với đàn rùa: “Tớ và mẹ tớ vẫn nhận ra các cậu, nhưng các cậu có nhận ra chúng tớ không? Hãy giúp mình hoàn thành đề tài về cách nhân giống và bảo tồn các loài sinh vật biển đang có nguy cơ tuyệt chủng nhé!”.

Hạnh cùng mẹ đi kiếm những ổ trứng rùa biển mới đẻ hôm qua. Mẹ cô vẫn nhanh nhẹn, không cần đeo kính, chẳng bù cho Hạnh kính phải dày cộp.

Hai mẹ con đi qua bến cảng, bất chợt người mẹ dừng lại thảng thốt nhìn con tàu rời bến trong sương, thốt lên: “Trời ơi! Sao tàu rời đảo sớm thế nhỉ!”.

Hạnh: “Có chuyện gì thế mẹ? Mẹ quen ai trên tàu ấy à?”.

Người mẹ tần ngần: “Ừ! Mẹ có quen một bác thuyền trưởng. Nhưng chuyện lâu lắm rồi, đó là năm mẹ mới mười tám tuổi”.

10/2022

T.N.A

Truyện ngắn của Trần Nguyễn Anh

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Người ở đảo Rùa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO