Người lớn đang 'body shaming' con trẻ

Thủy Nguyên| 25/08/2022 16:22

Trẻ con có những khác biệt về ngoại hình thường phải nhận sự trêu chọc từ bạn bè. Không những thế, nhiều người lớn “vô tâm” cũng không tiếc lời chê bai khiến trẻ xấu hổ, tự ti.

“Body- shaming” (miệt thị ngoại hình người khác) là hành vi gây tổn thương và để lại những hậu quả tâm lý nặng nề - nhất là đối với trẻ em.

Khi những đứa trẻ có một thân hình khác với bạn bè như: quá mập, quá ốm, có sẹo, còi cọc…, lập tức chúng bị đem ra trêu đùa và chọc ghẹo bởi bạn bè và cả chính người lớn xung quanh. Những nạn nhân đáng thương và không thể tự vệ này sẽ trở nên ít nói, trầm uất và rất ngại đến trường.

sad_girl_by_roeltz.png
Trẻ nhận những lời chê bai, miệt thị ngoại hình từ người khác sẽ càng khép kín và chán ghét bản thân mình.

Hậu quả tâm lý nặng nề

Ngay độ tuổi mẫu giáo, tiểu học, trẻ đã có những cảm nhận khá rõ về ngoại hình. Bé nào xinh thì đã biết lợi thế của mình, bé nào không xinh cũng đã một phần nhận ra những thiệt thòi ấy. Và sẽ chẳng ngạc nhiên gì khi một ngày nọ, bạn bắt gặp cô con gái 6 tuổi của bạn đi học về chạy vào giường khóc như mưa vì bị bạn trêu chọc, vì bị gọi là “ú” hay “heo mập”. Hay có khi bé khóc đến khản cả giọng vì bị bạn cùng lớp chọc ghẹo vì thấp còi nhất lớp.

Bắt đầu bước vào tuổi teen, trẻ lại càng để ý quan tâm tới vẻ bề ngoài của mình hơn. Có rất nhiều em thu mình chỉ vì những mặc cảm, tự ti về bên ngoài không xinh đẹp bằng chúng bạn: không có đôi chân dài như các bạn, da đen và nhiều mụn, không có thân hình mảnh mai...

Thay vì tự tin tham gia các hoạt động tập thể, trẻ tự ti về ngoại hình sẽ sống khép kín, thu mình, bởi đi đâu cũng thấy mình thua bạn kém bè. Thay vì diện những bộ cánh năng động, đi đôi giày thể thao chạy nhảy chơi đùa, thì các em khoác vào người những bộ cánh không phù hợp mà các em nghĩ là sẽ che đi khuyết điểm cơ thể mình, mang theo đôi giày cao gót và gượng gạo với chính mình.

cam-thay-tu-ti-vi-bi-body-shaming.jpg
Trẻ bước vào tuổi teen càng quan tâm tới vẻ ngoài của mình hơn, tự ti nếu gặp những lời chê bai từ người khác.

Trẻ thường sẽ nhận những lời nói vô tâm từ bạn bè như: “Sao lùn thế?”, “làm xấu đội hình”, “màn hình phẳng”… Không chỉ bạn bè trẻ, nhiều người lớn cũng thường lấy hạn chế của trẻ để “xoáy” vào làm mục tiêu trêu chọc. Những lời phán xét vô tội vạ như: “sao nay cháu tròn quay thế? Phải ốm mới đẹp chứ!” có thể khiến trẻ mặc cảm, nhịn ăn giảm cân, ám ảnh tâm lý nặng nề. Người lớn xem đây như những lời đùa vô hại nhưng trẻ sẽ cho đó là sự thật để dằn vặt bản thân mình.

Bảo vệ con trẻ trước “Body –shaming”

Những trẻ đi học sẽ không muốn bị quá khác biệt so với đám đông và không đứa trẻ nào muốn bị tẩy chay chỉ vì mình quá lùn, quá cao, hay quá béo. Nếu chẳng may con bạn gặp tình huống như thế thì cha mẹ phải bình tĩnh hỏi han, giải thích cho con hiểu để con tôn trọng và yêu thương chính bản thân mình. Điều này còn giúp loại bỏ những bất an cho bé cả về sau này khi trưởng thành.

500x300_180305-shaming.jpg
Cha mẹ đồng hành cùng con, trò chuyện, chia sẻ giúp con yêu bản thân mình hơn.

Cẩn trọng khi nói với con

Khi nhận xét về ngoại hình của trẻ, cho dù con trẻ có những điểm yếu, cha mẹ cũng đừng nên tập trung chỉ trích những điểm yếu này mà hãy tìm cách đề cao một thế mạnh nào đó của trẻ. Ví dụ như “con có mái tóc, cặp mắt rất dễ thương" thay vì nói: "Mắt con híp quá!". Nếu con có ngoại hình mũm mĩm thì nói rằng: "Cô bé khỏe mạnh đáng yêu của mẹ". Tránh nhắc đến khiếm khuyết về ngoại hình của con. Rồi từ từ hướng dẫn trẻ ăn uống và luyện tập để cân bằng trọng lượng cơ thể mà không làm chúng cảm thấy mình lập dị.

2020_11_16______eba6b2ca90e6c2fd6f309572c63b99a2.jpg
Cha mẹ nên giúp trẻ hiểu, tôn trọng và yêu thương chính bản thân mình.

Thẳng thắn góp ý với những ai “body – shaming” trẻ

Nếu bạn trực tiếp nghe thấy những lời “đùa cợt” không hay về ngoại hình con mình, hãy nói thẳng với người nói rằng họ đang làm tổn thương trẻ. Nhiều cha mẹ vì sợ mất lòng và cho rằng những câu phán xét vu vơ kia không ảnh hưởng gì trẻ nên mặc nhiên cho qua. Tuy vậy, hãy nhớ lời nói “miệt thị ngoại hình” người khác là lời nói có tính sát thương cao. Hãy bảo vệ con và yêu cầu họ chấm dứt ngay lập tức cách nói như vậy với con mình cũng như những trẻ nhỏ khác.

untitled-design-5.jpg
Hãy yêu cầu người lớn dùng bất cứ những lời lẽ châm chọc nào miệt thị ngoại hình của trẻ.

Dạy con hãy luôn là chính mình

Hãy nói với con, con sẽ đẹp nhất khi luôn tự tin vào chính mình. Vẻ đẹp của con người toát ra từ tâm hồn chứ không phải từ hình thức. Việc có một đôi chân dài sẽ là lợi thế rất nhiều để con bước ra và gặp gỡ với mọi người. Nhưng nếu con không có một đôi chân như mong muốn cũng không sao. Đơn giản bởi con vẫn có thể bước vào lòng mỗi người bằng việc lối nói chuyện tự tin, bằng kiến thức hiểu biết của mình, bằng sự chân thành. Ai cũng có những ưu, khuyết điểm riêng. Cha mẹ cần giúp trẻ khám phá ra những ưu điểm và yếu điểm của mình, từ đó dạy trẻ biết cách phát huy ưu điểm và chấp nhận với những yếu điểm, tìm cách khắc phục yếu điểm.

best_friends.jpg
Giúp trẻ khám phá thế mạnh và điểm yếu của bản thân để trẻ tự tin vào chính mình.

Cùng con cải thiện

Cùng trò chuyện với trẻ để trẻ cảm thấy vững tâm hơn, đồng thời cha mẹ cũng nên góp ý nhẹ nhàng, cùng con bàn kế hoạch để cải thiện nhằm giúp trẻ trở nên “xinh đẹp” hơn, hoàn thiện hơn. Chẳng hạn như khi trẻ bị bạn bè chê thấp, cha mẹ sẽ cùng trẻ lên kế hoạch cải thiện chiều cao bằng cách cùng nhau đi bơi, chơi bóng rổ, đạp xe… Hướng trẻ đến những mục tiêu tốt, đồng hành cùng trẻ cũng sẽ giúp con cải thiện đáng kể và tự tin hơn vào chính mình.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Người lớn đang 'body shaming' con trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO