Ngựa Mông Cổ trang bị cho lực lượng kỵ binh: 'Nhỏ nhưng có võ'

08/06/2020 13:58

Giống ngựa được trang bị cho lực lượng cảnh sát cơ động kỵ binh Việt Nam được nhập khẩu từ Mông Cổ, được đánh giá có ngoại hình nhỏ nhưng rất bền bỉ, chạy nhanh, phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam.

Từ 7h15 đến 7h45 phút ngày 8/6, đại biểu quốc hội tham dự kỳ họp thứ 9, quốc hội khóa XIV đã dự buổi diễu hành của Khối cảnh sát cơ động (CSCĐ) kỵ binh. Hoạt động này diễn ra tại khu vực trước tòa nhà quốc hội và cũng là dịp Đoàn cảnh sát cơ động kỵ binh thuộc Bộ tư lệnh cảnh sát cơ động chính thức ra mắt.

Khối CSCĐ kỵ binh diễu hành trước tòa nhà quốc hội

Trước buổi diễu hành, từ 5h sáng, các chiến sĩ của lực lượng này đã có mặt gần khu vực tòa nhà quốc hội để hoàn tất các khâu chuẩn bị cuối cùng. Hơn 60 con ngựa Mông Cổ đã được thuần hóa cũng xuất hiện để phục vụ biểu diễn. Sự xuất hiện của những chú ngựa này khiến rất nhiều người dân Thủ đô phấn khích. Họ náo nức và rất vui mừng khi chứng kiến cảnh kỵ binh cưỡi ngựa chuẩn bị duyệt binh.

Ngựa Mông Cổ đã theo chân binh sĩ của đế chế Mông Cổ chinh phạt khắp từ châu Á sang châu Âu

Được biết, số ngựa được các chiến sĩ đoàn cảnh sát cơ động kỵ binh sử dụng để phục vụ buổi diễu hành sáng 8/6 được nhập khẩu từ Mông Cổ. Hơn 60 chú ngựa này đã được nuôi dưỡng, thuần hóa trong khoảng 5 tháng tại trại huấn luyện rộng 4 ha gồm cả khu nhà điều hành, ăn ở, sinh hoạt, khu chuồng trại... ở Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi (thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên). Các chuyên gia Mông Cổ cũng sang Việt Nam để thuần dưỡng số ngựa này.

Cách đây chưa lâu, Việt Nam đã nhập khẩu 105 con ngựa Mông Cổ để trang bị cho Đoàn CSCĐ kỵ binh. Trong số này 70 con được đưa vào huấn luyện (đến nay đã thuần hóa được hơn 60 con), số còn lại là ngựa giống để sinh sản.

Những chú ngựa này được đánh giá khá nhỏ nhắn khi nặng khoảng từ 300 - 400 kg, cao khoảng 1,6 - 1,8 mét và độ tuổi trung bình là từ 2 - 4. Tuy nhiên, chúng lại sở hữu lông đuôi cũng như bờm rất mượt và hơn hết là rất giỏi chịu đựng, dai sức cũng như sức chiến đấu cao.

Ngựa Mông Cổ nhỏ hơn khá nhiều so với ngựa châu Âu và vì thế mà ăn ít hơn. Chúng chạy rất nhanh từ khoảng 30 - 45km/h, cơ động cao khi có thể bất ngờ 'ôm cua' ở tốc độ lớn. Theo nhiều chuyên gia, ngựa Mông Cổ là giống cực kỳ bền sức, có thể chạy 10h liên tục nên từ xưa đã được mệnh danh là 'thiên lý mã'.

Khi phi nước đại, ngựa Mông Cổ thường nhoài đầu về phía trước giúp người cưỡi rất thuận lợi trong việc sử dụng các đồ vật trên tay mà không lo vướng víu. Chúng cũng là loài chỉ ăn cỏ vẫn có thể sống tốt và ăn ít hơn khá nhiều so với giống ngựa châu Âu nên khi hành quân xa sẽ phải mang ít lương thực hơn.

Đồng thời, do chiều cao khá thấp nên trọng tâm của người ngồi trên ngựa Mông Cổ cũng thấp. Điều này khiến việc cưỡi chúng sẽ dễ giữ thăng bằng hơn ngựa châu Âu. Không chỉ vậy, ngựa Mông Cổ từ khi sinh ra đã được rèn luyện ở những khu vực thời tiết rất khắc nghiệt ở thảo nguyên, nhiệt độ trong năm có thể từ 30 độ C vào mùa hè đến -40 độ C vào mùa đông. Vì vậy, chúng có khả năng chịu đựng rất cao, chịu được nhiều môi trường sống.

Với những ưu điểm kể trên, việc Khối CSCĐ kỵ binh Việt Nam được trang bị giống ngựa Mông Cổ được coi là điều hợp lý. Chúng rất phù hợp với thể trạng người Việt Nam, khí hậu các mùa ở nước ta và khả năng cơ động tốt trên nhiều khu vực địa hình.

Trong quá khứ, người Mông Cổ đã từng sử dụng loại ngựa này để chinh phạt khắp từ châu Á sang châu Âu. Thậm chí, ở thời đế chế Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn, thuật ngữ 'vó ngựa Mông Cổ' đã gây ra sự khiếp sợ trên rất nhiều vùng của thế giới. Nhắc về giống ngựa này, có một câu nói về sự thiện chiến: 'Vó ngựa Mông Cổ đến đâu thì ở đó cỏ không mọc được'.

Tháng 11/2019, Bộ Công an đã lấy ý kiến dự thảo báo các tác động chính sách trong dự án luật cảnh sát cơ động thay thế cho pháp lệnh cảnh sát cơ động. Trong đó, có nội dung về việc tăng thêm một số tổ chức mới như: thành lập trung đoàn không quân công an nhân dân, trung đoàn cảnh sát cơ động kỵ binh.

Đoàn CSCĐ kỵ binh trong tương lai sẽ phục vụ các hoạt động diễu binh, diễu hành, tuần tra kiểm soát, thực hiện nhiệm vụ giải tán đám đông, truy bắt tội phạm mà các phương tiện khác không thực hiện được, nhất là tại khu vực vùng sâu, vùng xa...

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ngựa Mông Cổ trang bị cho lực lượng kỵ binh: 'Nhỏ nhưng có võ'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO