Nghiên cứu: Chế độ lọc ánh sáng xanh ban đêm chưa chắc 'thần thánh' như bạn tưởng

30/04/2021 13:58

Một nghiên cứu mới nhất từ các nhà khoa học Mỹ đã phản bác lại những tác dụng thần kỳ của bộ lọc ánh sáng xanh khiến nhiều người lầm tưởng có thể giúp họ đỡ hại mắt và ít ảnh hưởng tới giấc ngủ.

Trong nhiều năm qua, một số nhà khoa học tuyên bố rằng, ánh sáng xanh phát ra từ màn hình của các thiết bị điện tử có thể làm gián đoạn đáng kể giấc ngủ của chúng ta.

Để ngăn điều này, hầu hết laptop và smartphone đời mới đều trang bị thêm cài đặt "chế độ ban đêm" để giảm lượng ánh sáng xanh phát ra từ màn hình. Tuy nhiên theo một thử nghiệm với chế độ này cho thấy, chúng không tạo ra sự khác biệt nào đáng kể với giấc ngủ của con người. Nói cách khác, cách duy nhất để cải thiện giấc ngủ là kiêng hoàn toàn việc sử dụng các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ.

Cách đây vài thập kỷ, các nhà khoa học đã phát hiện ra một loại protein võng mạc nhạy cảm với ánh sáng gọi là melanopsin. Nó được sản sinh ra từ các tế bào võng mạc nhỏ ở phía sau mắt của chúng ta. Melanopsin được tạo ra để phản ứng với ánh sáng và nó giúp điều chỉnh nhịp sinh học của chúng ta bằng cách ra lệnh cho não bộ của chúng ta luôn tỉnh táo và minh mẫn.

Melanopsin cũng được phát hiện đặc biệt nhạy cảm với quang phổ ánh sáng xanh, nằm quanh bước sóng 488nm. Chính vì vậy nó mở ra giả thuyết rằng, việc sử dụng màn hình LED và smartphone có ánh sáng xanh trước khi đi ngủ có thể làm gián đoạn giấc ngủ vì khiến bộ não tỉnh táo và khó vào giấc.

Như đã nói ở trên, hầu hết các nhà sản xuất smartphone và thiết bị di động đã bổ sung chế độ ban đêm với màn hình có màu ấm hơn vào buổi tối. Trên iPhone, tính năng này được gọi là Night Shift, điện thoại Pixel gọi nó là Night Light và Samsung chỉ đơn giản là có cài đặt Blue Light Filter. Hiểu đơn giản là chế độ "lọc ánh sáng xanh".

Nhưng liệu các chế độ ban đêm này có thực sự hiệu quả với giấc ngủ hay không là điều chưa ai biết. Để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi trên, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Brigham Young, bang Utah, Mỹ và Trung tâm Y tế Bệnh viện nhi đồng Cincinnati đã tiến hành một thử nghiệm giấc ngủ trên người.

Chất lượng giấc ngủ không thay đổi nhiều kể cả có dùng bộ lọc ánh sáng xanh hay không

Các nhà nghiên cứu đã tuyển chọn 167 đối tượng trong độ tuổi còn khá trẻ và chia họ thành ba nhóm để thực hiện một nghiên cứu kéo dài 7 đêm. Một nhóm được yêu cầu dành 1 giờ sử dụng iPhone trước khi đi ngủ và tất nhiên có bật chế độ Night Shift. Nhóm thứ hai cũng làm như vậy nhưng tắt chế độ ban đêm, trong khi nhóm thứ ba hoàn toàn không sử dụng điện thoại trong 1 giờ trước khi đi ngủ.

Chất lượng giấc ngủ được theo dõi bằng cảm biến gia tốc đeo ở cổ tay và nhiều yếu tố khác, bao gồm thời gian đi ngủ, tổng thời gian ngủ và tần suất thức dậy trong khi ngủ. Chad Jensen, một trong số nhà nghiên cứu cho biết kết quả khá rõ ràng. Jensen chia sẻ: "Trong toàn bộ mẫu, không có sự khác biệt giữa ba nhóm. Night Shift không vượt trội hơn so với việc sử dụng điện thoại mà không có Night Shift hoặc thậm chí không sử dụng điện thoại".

Đi sâu vào nghiên cứu, các nhà khoa học tiếp tục chia nhóm có cùng đặc điểm thành hai nhóm nhỏ, gồm những người ngủ trung bình khoảng 7 giờ/đêm và những người ngủ ít hơn 6 giờ/đêm. Trong nhóm thứ hai, nhóm thiếu ngủ kinh niên một lần nữa không có sự khác biệt về kết quả giấc ngủ với các nhóm còn lại.

Jensen lưu ý: "Điều này cho thấy rằng khi bạn quá mệt mỏi, bạn sẽ ngủ thiếp đi bất kể bạn đã làm gì trước khi đi ngủ. Áp lực giấc ngủ quá cao thực sự không ảnh hưởng gì đến những gì xảy ra trước khi đi ngủ".

Với nhóm ngủ khoảng 7 giờ/đêm, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một số cải thiện rất nhỏ về chất lượng giấc ngủ, trên những đối tượng không sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ. Tuy nhiên, nó không có sự khác biệt đáng kể nào ở cả hai nhóm sử dụng điện thoại.

Jensen cho biết những kết quả này chỉ ra, ánh sáng xanh đóng ít hoặc không có vai trò liên quan đến tốc độ đi vào giấc ngủ của một người hoặc chất lượng của giấc ngủ đó. Thay vào đó, ông cho rằng, tâm lý khi sử dụng smartphone mới là nguyên nhân hàng đầu làm thay đổi chất lượng giấc ngủ của một người.

Jensen nói: "Mặc dù có nhiều bằng chứng cho thấy rằng ánh sáng xanh làm tăng sự tỉnh táo và khó đi vào giấc ngủ hơn, nhưng điều quan trọng là phải nghĩ xem phần nào của sự kích thích đó là phát xạ ánh sáng so với các kích thích nhận thức và tâm lý khác".

Nghiên cứu mới không phải là nghiên cứu đầu tiên cho thấy, các bộ lọc ánh sáng xanh có thể không hữu ích. Một nghiên cứu năm 2019 từ Đại học Manchester chỉ ra, cảm nhận màu sắc của ánh sáng có thể rất quan trọng trong việc điều chỉnh hệ thống sinh học của con người. Nghiên cứu đó lập luận rằng quang phổ màu vàng của ánh sáng được sử dụng trong cài đặt chế độ ban đêm có thể phản tác dụng, điều chỉnh hoạt động của melanopsin theo những cách thực sự khiến cơ thể nghĩ rằng đó là ban ngày.

Chắc chắn không có đủ bằng chứng cho thấy cài đặt chế độ ban đêm trên smartphone và các thiết bị di động khác đang phản tác dụng. Bên cạnh đó là các nghiên cứu cho thấy, ánh sáng xanh ảnh hưởng như thế nào đến cơ chế điều hòa sinh học não người.

Nhưng nghiên cứu mới này đã đưa ra những bằng chứng thực nghiệm đầu tiên về việc chế độ ban đêm trên smartphone có thể không giúp bạn dễ ngủ hơn. Cuối cùng, nếu bạn thực sự muốn cải thiện chất lượng giấc ngủ, tốt nhất là không nên sử dụng thiết bị trước khi đi ngủ.

Nghiên cứu mới đã được công bố trên tạp chí Sleep Health mới đây.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nghiên cứu: Chế độ lọc ánh sáng xanh ban đêm chưa chắc 'thần thánh' như bạn tưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO