Sau nhiều năm chịu đựng sự quá tải về du lịch, nhiều điểm đến châu Âu đang lên kế hoạch thay đổi hình ảnh điểm đến, giảm thiểu những tác động tiêu cực của du khách lên cộng đồng địa phương. Đi đầu phong trào này là thành phố Amsterdam (Hà Lan) dừng khuyến khích khu phố đèn đỏ, còn Barcelona (Tây Ban Nha) hướng du khách tìm hiểu văn hóa thay vì chen chúc ở những bãi biển. Prague (Séc) hay Florence (Italy) cũng đang hướng đến những kế hoạch tương tự.
Amsterdam không chào đón du khách phiền toái
Khung cảnh đông đúc thường thấy tại Amsterdam. Nguồn: Getty Images
Trước khi đại dịch xảy ra, khu phố đèn đỏ ở Hà Lan luôn chật cứng du khách, kèm theo đó là tiếng ồn, rác thải, bạo lực và khiến người dân địa phương mệt mỏi. Theo CNN, năm 2019 đã có khoảng 20 triệu lượt khách quốc tế tới Amsterdam, so với số dân chưa đến 900 nghìn người tại đây.
Dịch Covid-19 khiến cho nhiều cơ sở thương mại tại Amsterdam sụt giảm 25% lượng khách so với những năm trước. 11% số việc làm ở Amsterdam liên quan tới phục vụ du khách, vì vậy Amsterdam vẫn cần khách du lịch để phát triển. Tuy nhiên, chính quyền Amsterdam coi đây là cơ hội để phát triển du lịch có chọn lọc, còn người dân đang tận hưởng cuộc sống yên bình khi "đòi lại thành phố của mình".
Theo CNN, Amsterdam đã khởi động dự án tuyên truyền để loại bỏ nhận thức về điểm đến tiệc tùng với ồn ào với phố đèn đỏ và cần sa. Chính quyền Amsterdam ra tuyên bố hồi tháng 6: "Chúng tôi không muốn quay lại những gì đã chịu đựng trước đại dịch, khi các đám đông ở phố đèn đỏ và khu giải trí gây phiền toái cho người dân. Những du khách tôn trọng Amsterdam và người dân đã luôn được chào đón và sẽ vẫn như vậy. Những người đối xử thiếu tôn trọng với cư dân và di sản sẽ không được chào đón tại đây".
Công nghệ cũng đang được tận dụng để chuyển hướng các luồng khách du lịch. Ví dụ, khi các khu vực tại Amsterdam trở nên đông đúc, du khách sẽ nhận được tin nhắn với lời đề nghị ghé thăm điểm đến khác.
Prague không chỉ có những quán bia
Một khu vực bờ sông ở Prague được cải tạo thành điểm du lịch hấp dẫn. Nguồn: Shutterstock
Những năm gần đây, vấn đề của thủ đô Cộng hòa Séc cũng tương tự như Amsterdam. Khoảng 8 triệu du khách mỗi năm khiến cho các khu vực phố cổ và cầu Charles (cầu Karl) luôn tắc nghẽn. Sự quá tải du lịch thể hiện rõ ở khu trung tâm, khi người nước ngoài, những căn hộ cho thuê hoặc khách sạn chiếm đa số, lấn át cư dân địa phương.
Dù dịch Covid-19 đã khiến lượng khách năm 2020 tại Praha sụt giảm 73% so với năm 2019, chính quyền thành phố coi đây là một cơ hội để thay đổi. Bà Hana Trestikova, Ủy viên Hội đồng Praha về du lịch cho biết: “Trước Covid-19, sự quá tải du lịch khiến thành phố không thể chịu đựng nổi. Sự gián đoạn vì Covid-19 giúp chúng tôi thử nghiệm và thực hiện một số thay đổi về những gì thành phố muốn giới thiệu, cách quảng bá và tập trung hơn vào chất lượng du khách, chứ không phải số lượng".Để làm được điều này, bà Hana Trestikova cho rằng cần thay đổi câu chuyện về vé máy bay giá rẻ, kiểm soát số lượng nhà cho thuê ngắn hạn cũng như áp thuế rượu bia tại thành phố.
Chính quyền Prague cũng đã nỗ lực để bổ sung các điểm du lịch mới và điều chỉnh hoạt động lưu trú tại thành phố.Thị trưởng Praha Zdenek Hrib cho biết, ông đang tái tạo Praha thành một điểm đến không chỉ để tiệc tùng. Các địa điểm và sự kiện văn hóa đang xuất hiện ngày càng nhiều tại Praha những năm gần đây với sự giúp đỡ của chính quyền thành phố và nỗ lực của các cộng đồng.
Rasin Riverside – một khu vực vốn bị bỏ hoang ngoài trung tâm thành phố đã trở thành điểm vui chơi sôi động bên bờ sông. Holesovice, vốn là một nơi tồi tàn đã thành một khu nghệ thuật hấp dẫn. Ngoài ra còn có Trung tâm Nghệ thuật Đương đại DOX dựng lên từ một nhà máy cũ; Vnitroblock - một quán cà phê sang trọng cùng không gian tổ chức sự kiện; hay Jatka 78 từng là một lò mổ, bây giờ là nơi du khách có thể xem xiếc, kịch và khiêu vũ.
Barcelona giảm tải các bãi biển
Bãi biển ở Barcelona. Nguồn: Getty Images
Tại Tây Ban Nha, chính quyền địa phương đang hướng du khách đến các sản phẩm du lịch khác thay vì chen chúc ở bãi biển. Khách du lịch sẽ được khuyến khích tới các vùng nông thôn nhiều hơn. Trong một cuộc họp với thị trưởng các thị trấn nông thôn, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã phát biểu: "Tôi muốn nhấn mạnh rằng du khách nên tận hưởng các điểm du lịch nông thôn phong phú mà đất nước này đang có. Đó là những viên ngọc quý".
Một kế hoạch trị giá 10 tỷ EUR sẽ được chính phủ Tây Ban Nha triển khai nhằm khôi phục cuộc sống ở những khu vực nông thôn, cải thiện kết nối kỹ thuật số cho các công ty du lịch đồng thời thúc đẩy du lịch bền vững. Nhiều hạng mục sẽ được triển khai tại vùng nông thôn như tăng cường tiếp cận Internet, cải thiện các tuyến đường giao thông, tài trợ cho các doanh nhân trẻ và doanh nghiệp nhỏ, khởi động chương trình giáo dục ở nông thôn.
Tại Barcelona - nơi du lịch chiếm tới 13% nền kinh tế, du khách rất yêu thích các bãi biển. Tuy nhiên, chính quyền thành phố đang khuyến khích du khách tham quan các điểm du lịch văn hóa và khoa học, thay vì đổ xô ra biển. Barcelona đã áp thuế lưu trú tại các cơ sở du lịch và nộp về chính quyền thành phố. Việc này sẽ mang lại ít nhất 16,5 triệu euro hàng năm, dùng để quảng bá cho các khu vực lân cận ít khách hơn như Gracia hay Poblenou.
Barcelona cũng thiết kế một mạng lưới các điểm dừng xe bus để trải đều lượng khách du lịch quanh thành phố, đồng thời tạm dừng cấp phép các dịch vụ cho thuê nhà ngắn hạn. Việc quá nhiều người cho thuê nhà là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng du lịch quá mức.
Vì đại dịch Covid-19, các hệ thống theo dõi số lượng người trên bãi biển đã được tăng cường trên các bãi biển ở Tây Ban Nha. Các hệ thống này cũng sẽ được sử dụng để hạn chế và điều hướng du khách tới các khu vực khác.