Ngân hàng làm ăn ra sao trong mùa dịch COVID-19?

Võ Thanh Bình| 21/07/2021 10:07

Dịch bệnh COVID-19 kéo dài và diễn biến phức tạp không chỉ ảnh hưởng đến lãi suất mà còn cho cả hoạt động ngân hàng. Tuy vậy, 6 tháng đầu năm 2021, nhiều ngân hàng vẫn có tín hiệu khả quan khi duy trì sự phát triển bất chấp COVID-19.

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam - Techcombank (TCB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2021 và kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với khoản lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ.

Theo đó, tính riêng quý 2/2021, TCB ghi nhận 9.206 tỷ đồng trong tổng doanh thu hoạt động, tăng 58% so với quý 2/2020.

ngan-hang-lam-an-ra-sao-trong-mua-dich-covid-19-1.jpg
TCB vẫn duy trì dịch vụ ngân hàng miễn phí cho cá nhân và doanh nghiệp. Ảnh: TCB.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng thu nhập TCB đạt trên 18.100 tỷ đồng, tăng 52% so với nửa đầu năm trước.

Năm 2021, TCB dự kiến lợi nhuận trước thuế sẽ đạt khoảng 19.800 tỷ đồng. Với tín hiệu khả quan đạt được, ngân hàng đã hoàn thành trên 58% kế hoạch.

Với mức lợi nhuận kể trên, TCB trở thành ngân hàng có lợi nhuận cao thứ 3 trong nhóm nhà băng đã công bố kết quả kinh doanh, sau Vietcombank (hơn 14.500 tỷ đồng) và VietinBank (13.000 tỷ đồng).

Đáng lưu ý, đến cuối tháng 6, TCB có 504.300 tỷ đồng giá trị tổng tài sản, cao hơn 27,4% so với cùng kỳ và tăng 14,7% so với đầu năm.

Cùng với TCB, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) cũng công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2021 với thu nhập lãi thuần tăng khá, gần 20% lên mức 9.232 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng ghi nhận tăng mạnh 58% lên mức 1.985 tỷ đồng.

ngan-hang-lam-an-ra-sao-trong-mua-dich-covid-19-2.jpg
Dư nợ xấu của VPBank đang có chiều hướng gia tăng. Ảnh: VPB.

Lũy kế 6 tháng, tổng thu nhập hoạt động của VPBank lên tới 23.098 tỷ đồng, tăng 22,5% so cùng kỳ.

Tại thời điểm 30/6/2021, tổng tài sản của VPBank ghi nhận 451.767 tỷ đồng, tăng hơn 32.700 tỷ đồng lên mức 451.767 tỷ đồng. Trong đó cho vay khách hàng chiếm 310.852 tỷ đồng, tăng 6,8% so đầu kỳ. Tiền gửi khách hàng nhích nhẹ lên 233.591 tỷ đồng.

Về chất lượng nợ vay, VPBank ghi nhận 10.801 tỷ đồng, tăng hơn 8,8% so đầu kỳ, tương ứng tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức cao với 3,47% so mức 3,41% của đầu kỳ.

Trong khi đó, tính đến ngày 30/6/2021, tổng tài sản Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB, HNX: NVB) đạt 84.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tăng gấp 12 lần so với cùng kỳ năm trước, lũy kế tăng gấp 5,5 lần so với năm 2020.

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, dư nợ tín dụng NCB vẫn tăng 3,5% so với đầu năm, trong đó, tỷ trọng lớn tập trung cho bán lẻ, đặc biệt là các sản phẩm, dịch vụ số hóa.

ngan-hang-lam-an-ra-sao-trong-mua-dich-covid-19-4.jpeg
NCB tập trung ngân hàng số bán lẻ để đạt mục tiêu kép trong năm 2021. Ảnh: NCB.

Cũng trong tháng 6/2021, NCB được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ tối đa thêm 1.500 tỷ đồng, đưa tổng vốn điều lệ của ngân hàng lên gần 5.600 tỷ đồng.

Đồng hành với hoạt động kinh doanh, NCB cũng đã đóng góp cho công tác phòng chống COVID-19 gần 8 tỷ đồng, bên cạnh tập trung mục tiêu kép và triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng.

Với Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank, VAB), nhà băng này đạt lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2021 khoảng 407 tỷ đồng, tăng 173% so với cùng kỳ năm trước và tương đương mức lợi nhuận cả năm 2020.

Năm 2021, VietABank đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 97.075 tỷ đồng, tăng 12,2% và lợi nhuận trước thuế đạt 658 tỷ đồng, tăng 62% so với năm 2020. Như vậy, sau nửa năm tài chính, ngân hàng đã hoàn thành 62% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

ngan-hang-lam-an-ra-sao-trong-mua-dich-covid-19-5.jpg
VietABank có nhiều phát triển trong mùa dịch COVID-19. Ảnh: VietABank.

Cùng với đó, các chỉ tiêu tài chính của VietABank cũng có nhiều tín hiệu khả quan, như huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 65.316 tỷ đồng, tăng 18,7% so với cùng kỳ và dư nợ cho vay đạt 51.369 tỷ, tăng 11%.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng làm ăn ra sao trong mùa dịch COVID-19?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO