Lãi suất tiết kiệm thấp kỷ lục

21/09/2020 16:22

Lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng đã giảm thêm từ đầu tháng 9, hiện thấp nhất thị trường chỉ còn hơn 2,5%/năm, trong khi lãi suất phổ biến khoảng 6-7%.

Giữa tháng 9, nhiều ngân hàng đồng loạt công bố biểu lãi suất huy động mới trên thị trường với xu hướng giảm ở nhiều kỳ hạn. Mức giảm phổ biến từ đầu tháng đến nay trong khoảng 0,2-0,3 điểm %.

Lãi suất tiền gửi tiếp tục giảm

Mới đây, Techcombank cập nhật biểu lãi suất tiền gửi mới áp dụng từ ngày 15/9 với việc giảm 0,2 điểm % ở hầu hết kỳ hạn so với tháng 8.

Đáng chú ý, tiền gửi kỳ hạn 1 tháng dành cho khách hàng cá nhân dưới 50 tuổi tại nhà băng này hiện chỉ được áp dụng mức lãi suất 2,55%/năm. Trong khi lãi suất cùng kỳ hạn với khách hàng trên 50 tuổi là 2,85%/năm, thấp kỷ lục trên thị trường.

Tương tự, tiền gửi kỳ hạn 3-5 tháng tại ngân hàng này hiện cũng chỉ dao động trong khoảng 2,75-3,05%/năm tùy đối tượng khách hàng. Ngay cả kỳ hạn 6 tháng khi không còn bị khống chế trần lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, Techcombank cũng chỉ đưa ra mức lãi 4,3-4,6%/năm.

Techcombank hiện cũng là ngân hàng có lãi suất huy động thấp nhất thị trường. Mức lãi suất kể trên thậm chí còn thấp hơn nhiều so với 4 ngân hàng có vốn Nhà nước (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) nhóm thường xuyên có lãi suất huy động thấp.

Vietcombank mới đây cũng thông báo giảm tiếp 0,2 điểm % lãi suất ở tất cả kỳ hạn dưới 12 tháng. Trong đó, lãi tiền gửi 1 tháng, 2 tháng tại đây hiện ở mức 3,3%/năm. Lãi kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng cũng giảm tương ứng, lần lượt ở mức 3,6%, 4,2%, và 4,3%/năm.

Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 12 tháng, 24 tháng, 36 tháng vẫn được Vietcombank giữ nguyên ở mức 6%, 6,1%, 5,8%/năm.

Lai suat tiet kiem thap ky luc anh 1

BIDV cũng mới giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng xuống 3,5%/năm và 6 tháng xuống 4,4%/năm, giảm 0,1-0,2 điểm % so với tháng 8.

Hàng loạt ngân hàng thương mại tư nhân cũng tuyên bố giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm từ giữa tháng 9.

Trong đó, lãi suất áp dụng từ 18/9 của Eximbank ghi nhận đà giảm ở hầu hết kỳ hạn dài gồm 0,1 điểm % ở tiền gửi 15 tháng, 18 tháng, hiện ở mức 6,6%/năm và 6,4%/năm. Kỳ hạn 36 tháng tại đây giảm 0,2 điểm % xuống 6,3%/năm. Hiện mức lãi suất cao nhất tại nhà băng này áp dụng với các khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng cũng chỉ là 6,6%/năm.

HDBank niêm yết lãi suất mới từ 15/9 giảm 0,2-0,3 điểm % ở nhiều kỳ hạn. Tiền gửi tiết kiệm tại quầy kỳ hạn 6-11 tháng tại nhà băng này hiện phổ biến ở mức 5,8%/năm, thấp hơn so với mức 6%/năm trước đó. Kỳ hạn 12 tháng trước áp dụng lãi suất 6,6% đến nay đã giảm còn 6,4%/năm. Kỳ hạn dài 15-36 tháng cũng giảm 0,2 điểm %, hiện phổ biến ở 6,1-6,5%/năm.

Vì sao lãi suất xuống thấp?

Báo cáo hoạt động ngân hàng tuần mới nhất (7-11/9) của NHNN cho biết mặt bằng lãi suất huy động bằng VND của tổ chức tín dụng vẫn mang xu hướng giảm.

Hiện lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,1-0,2%/năm với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,7-4,1%/năm với tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4-6,4%/năm với kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6-7,1%/năm.

Tình trạng dư thừa thanh khoản đang là nguyên nhân chính khiến lãi suất huy động liên tục suy giảm và được dự báo còn giảm tiếp từ nay đến cuối năm.

Lai suat tiet kiem thap ky luc anh 2

Thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn trong trạng thái dư thừa từ tháng 6 đến nay. Ảnh: Hoàng Hà.

So với tuần liền trước, lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục xu hướng giảm ở kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, và 1 tháng lần lượt ở mức 0,15%, 0,27% và 0,7%/năm.

Tình trạng dư thừa thanh khoản cũng thể hiện qua các giao dịch trên thị trường liên ngân hàng. Theo thống kê của cơ quan quản lý tiền tệ, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng bằng VND trong tuần 7-11/9 đạt xấp xỉ 359.000 tỷ đồng, tương đương mức bình quân 71.800 tỷ/ngày. Doanh số giao dịch bằng USD quy đổi ra tiền VND cũng đạt khoảng 125.000 tỷ, tương đương 25.000 tỷ/ngày, đều ở mức cao so với đầu năm.

Tính đến cuối tháng 8, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 4,23% trong khi tăng trưởng tiền gửi cao hơn đáng kể bất chấp lãi suất giảm sâu.

Dòng tiền vào lớn hơn tiền ra tại các ngân hàng dẫn tới tình trạng dư thừa thanh khoản. Xu hướng này càng khiến lãi suất tiền gửi giảm sâu hơn.

Ước tính, sau 8 tháng, toàn hệ thống ngân hàng mới giải ngân hơn 346.600 tỷ đồng tín dụng ra nền kinh tế, tương đương hơn 1.400 tỷ/ngày. Mức tăng thấp nhất trong nửa thập kỷ vừa qua.

Trong khi đó, số liệu của NHNN đến hết tháng 6 ghi nhận tổng phương tiện thanh toán tăng 5,15% so với cuối 2019, đạt trên 11,118 triệu tỷ, tương đương giá trị tăng thêm hơn 544.550 tỷ đồng.

Như vậy, hệ thống ngân hàng đã được bổ sung gần 200.000 tỷ đồng thanh khoản sau 8 tháng qua chênh lệch tạm tính giữa tăng trưởng M2 và tín dụng.

Ngoài ra, việc NHNN mua ròng gần 13 tỷ USD trên thị trường để tăng dự trữ ngoại hối lên 92 tỷ USD hiện tại cũng tương đương trên 300.000 tỷ tiền đồng được đẩy ra thị trường qua kênh này. Các giao dịch kể trên càng khiến thanh khoản các ngân hàng dồi dào hơn và đặt áp lực lên lãi suất huy động trong bối cảnh tín dụng tăng thấp.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Lãi suất tiết kiệm thấp kỷ lục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO