Cảnh báo mất tiền trong tài khoản ngân hàng

27/05/2021 12:36

Chỉ cần click vào đường dẫn lạ có tên gần giống với trang web của ngân hàng, khách hàng sẽ bị kẻ gian đột nhập tài khoản, rút sạch tiền.

Mặc dù không phải là khách hàng của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), nhiều khách vẫn nhận được tin nhắn gửi từ VietinBank với nội dung: "VietinBank trân trọng thông báo, tài khoản của quý khách hiện tại đã bị khóa. Đăng nhập http://www.vietinbankre.cc" để xác thực ngay hôm nay". Khi nhận được tin nhắn này, chị Hạnh Nguyên (ngụ quận 12, TP HCM) gọi lên tổng đài VietinBank thì nhân viên tư vấn khẳng định là giả mạo, lừa đảo.

Mất tiền chớp nhoáng

Mới đây, chị N.T.Q.N (SN 2000; ngụ phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP HCM) đã đến Công an quận Tân Phú làm đơn tố cáo vì bị kẻ gian lừa hơn 40 triệu đồng. Theo đó, lúc 14 giờ 14 phút ngày 24-4, chị N. nhận được tin nhắn từ tổng đài VietinBank thông báo tài khoản của chị bị tạm khóa, đồng thời cung cấp đường link: "http://www.vietinbankis.cc", yêu cầu chị N. đăng nhập để xác thực.

Thấy tin nhắn từ tổng đài của VietinBank nên chị đã vào đường link trên và nhập các thông tin đăng nhập, mật khẩu và số điện thoại đăng ký tài khoản VietinBank. Ngay sau đó, tổng đài VietinBank thông báo mã OTP, chị N. nhập mã OTP vào đường link trên thì tài khoản bị trừ 40.009.900 đồng.

Tương tự, anh L.N.T.N (ngụ TP HCM) cho biết tài khoản ngân hàng anh mở tại Vietcombank vừa bị "bốc hơi" 49 triệu đồng vào chiều 23-5 sau khi nhận được tin nhắn SMS từ số điện thoại mạo danh ngân hàng báo tài khoản bị khóa và yêu cầu nhập vào đường link http://www.vevietcombanks.cc để xác thực. Chỉ đến khi thấy tài khoản bị trừ tiền, anh mới biết đã bị lừa, so kỹ mới thấy đường link gửi trong tin nhắn SMS là giả mạo Vietcombank.

Cảnh báo mất tiền trong tài khoản ngân hàng
Kẻ gian sử dụng công nghệ cao làm nhái đường link các ngân hàng

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Vietcombank cho biết hình thức lừa đảo mạo danh tin nhắn thương hiệu Vietcombank thông báo "tài khoản khách hàng đã bị khóa" và lừa khách hàng bấm vào đường link giả mạo để đánh cắp thông tin dịch vụ ngân hàng nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản mới xuất hiện lại mấy ngày gần đây.

Thủ đoạn lừa đảo này không mới, Vietcombank và các cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo. "Vietcombank đã khẩn trương trao đổi thông tin với khách hàng và đang phối hợp Bộ Công an để điều tra cũng như áp dụng các biện pháp nhằm sớm ngăn chặn phương thức lừa đảo này. Khách hàng hãy điện thoại ngay cho ngân hàng và chủ động trình báo vụ việc tới cơ quan công an trong trường hợp bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản" - đại diện Vietcombank nói.

Hạn chế sử dụng WiFi công cộng

Trước thực trạng nhiều người bị tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo, Công an TP HCM đề nghị người dân giữ bí mật thông tin bảo mật các dịch vụ ngân hàng. Tuyệt đối không tiết lộ mã PIN, mật khẩu truy cập, mật khẩu giao dịch OTP, mật khẩu truy cập địa chỉ email… với người khác, kể cả nhân viên ngân hàng.

Công an TP HCM khuyến cáo: "Trước khi thực hiện giao dịch tài chính, cần phải xác thực người đề nghị chuyển tiền; cảnh giác đối tượng giả mạo quen biết thông qua mạng xã hội, email, điện thoại, thư giấy, SMS, mạo danh nhân viên ngân hàng, cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án. Kiểm tra thông tin của website khi thực hiện giao dịch trực tuyến, chỉ nên thực hiện tại các website uy tín, có độ bảo mật cao…".

Bên cạnh đó, Công an TP HCM cũng cảnh báo người dân hạn chế sử dụng mạng WiFi công cộng để thực hiện giao dịch trên hệ thống ngân hàng điện tử. Đồng thời, thường xuyên cập nhật các phần mềm bảo mật, diệt virus, tường lửa mới nhất cũng như phiên bản mới nhất của các ứng dụng cung cấp bởi ngân hàng; thoát khỏi các dịch vụ và ứng dụng của ngân hàng liên kết với dịch vụ điện tử và các website thương mại điện tử ngay sau khi hoàn thành phiên giao dịch.

Ngoài ra, khi thực hiện giao dịch thẻ tại ATM, POS phải quan sát khe thẻ trên máy ATM, bảo đảm không có thiết bị lạ và che bàn phím khi nhập số PIN. Nếu phát hiện tài khoản/thẻ phát sinh những giao dịch gian lận hoặc có vướng mắc, nhanh chóng liên lạc ngay số hotline ngân hàng liên quan. Đăng ký dịch vụ thông báo biến động số dư tài khoản nhằm kịp thời phát hiện và giảm thiểu rủi ro liên quan đến các giao dịch bất thường.

Dưới góc độ chuyên gia thanh toán, TS Đặng Công Hoàn nhận định tội phạm công nghệ cao ngày càng trở nên tinh vi. "Tôi không cho rằng hệ thống của các ngân hàng không đủ bảo mật, mà do trong quá trình triển khai, các ngân hàng chưa tạo ra các thiết chế, quy trình đầy đủ để kịp thời bảo vệ khách hàng" - TS Đặng Công Hoàn phân tích.

Để tăng cường bảo mật và an toàn khi khách hàng sử dụng dịch vụ trực tuyến, TS Đặng Công Hoàn cho rằng ngân hàng và tổ chức cung ứng dịch vụ cần nỗ lực trong việc phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc tuyên truyền, hướng dẫn sâu rộng, lặp đi lặp lại các kiến thức, nghiệp vụ, quy tắc phổ quát nhằm giúp người dân tự phòng ngừa tội phạm. "Thực tế, có khi tội phạm sử dụng các thủ đoạn không mới, thậm chí các ngân hàng và cơ quan quản lý cảnh báo rất nhiều nhưng một số khách hàng quá lo lắng hoặc ham muốn nhận thưởng, nhận quà bất ngờ... nên dính bẫy của tội phạm" - TS Đặng Công Hoàn phân tích.

Không sử dụng chung 1 mật khẩu

Đại diện Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) lưu ý khách hàng không nên thực hiện giao dịch trực tuyến trên các thiết bị công cộng; không sử dụng các tính năng lưu mật khẩu để đăng nhập tự động; không sử dụng chung một mật khẩu để đăng nhập ngân hàng trực tuyến, mật khẩu thư điện tử và mật khẩu đăng nhập các mạng xã hội. Đăng ký dịch vụ thông báo biến động số dư để luôn kiểm tra thông tin giao dịch.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo mất tiền trong tài khoản ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO