Nga-Belarus: ‘Yêu nhau như thế, bằng mười hại nhau’?

MỘC HƯƠNG| 30/07/2021 19:04

Baoquocte.vn. Không có quốc gia nào trên thế giới hỗ trợ tài chính cho Belarus hào phóng như Nga. Các chuyên gia kinh tế lý giải về mối quan hệ đặc biệt này trên báo Đức DW.

Nga-Belarus: ‘Yêu nhau như thế, bằng mười hại nhau’?
Nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin có mối quan hệ thân thiết. (Nguồn: DW)

Nga đã hỗ trợ nước láng giềng nằm ở phía Tây- Belarus trong nhiều thập niên, rất lâu trước khi Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Minsk và Tổng thống Alexander Lukashenko.

Đầu mùa Hè này, Moscow đã cho đồng minh của mình vay 500 triệu USD (423 triệu Euro). Sáu tháng trước đó, Nga cũng đã cấp cho Belarus một khoản tiền tương tự.

Nhìn từ bên ngoài, những con số như vậy có vẻ giống một khoản cho vay ngắn hạn lớn mà quốc gia này cấp cho quốc gia khác nhằm thu lãi.

Nhưng thực tế giữa Belarus và Nga thì khác. Theo các nhà quan sát thì lãi ngày càng tăng và các khoản nợ tăng dần năm này qua năm khác nhưng Minsk vẫn tiếp tục nhận được các khoản vay mới từ Moscow. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), từ năm 2005 đến 2015, Moscow đã bơm 106 tỷ USD vào nền kinh tế Belarus.

Phương tiện dầu khí

Các chuyên gia chia các khoản đóng góp bằng tiền của Nga cho Minsk thành hai loại: một loại hợp pháp và một loại bí mật. Cả hai hình thức này đều không thúc đẩy phát triển kinh tế và gây căng thẳng cho ngân sách nhà nước của Nga.

Các nhà phân tích cho rằng, khoản trợ cấp dễ nhận thấy nhất là trong lĩnh vực năng lượng của Belarus - nơi nhận được khí đốt giá rẻ của Nga và được miễn thuế đối với dầu dành cho các nhà máy lọc dầu.

Ông Sergey Kondratiev thuộc Viện Năng lượng và Tài chính ở Moscow cho biết: ước tính Nga đã trợ cấp dầu mỏ cho Belarus với trị giá khoảng 35 tỷ USD và khí đốt tương đương 19 tỷ USD từ năm 2011 đến năm 2020.

Cho vay giá rẻ

Các khoản vay giá rẻ và hợp pháp là một phương tiện khác mà Nga có thể hỗ trợ Belarus. Moscow nhiều lần gia hạn thời hạn thanh toán và liên tục sửa đổi các điều khoản và điều kiện của các khoản vay.

Ví dụ, Nga đã cho Belarus vay 10 tỷ USD để xây dựng nhà máy điện hạt nhân vào năm 2011.

Ông Kondratiev cho biết: “Belarus nhận thời gian ân hạn nợ gốc rất dài khi hoàn trả khoản tiền này và nhận được lãi suất chiết khấu. Nếu trên thị trường mở, Belarus sẽ không nhận được những điều kiện vay thuận lợi như vậy”.

Tuy vậy, vẫn có những băn khoăn về việc Minsk chi tiêu các khoản vay không dành cho các dự án cụ thể như thế nào.

Bogdan Bespalko, thành viên Hội đồng Quan hệ các sắc tộc của Nga, cơ quan có mối quan hệ với văn phòng Tổng thống Vladimir Putin, nghi ngờ khoản vay được sử dụng để trả các khoản nợ cũ. Ông Bespalko khẳng định: "Một phần lớn của khoản vay 500 triệu USD mới nhất được sử dụng để trả nợ cho các tập đoàn Nga".

Tiếp cận thị trường ưu đãi

Nga cũng đã cấp cho Belarus quyền tiếp cận đặc biệt vào thị trường của mình.

Ngay cả các thành viên khác của Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) cũng không được hưởng các điều khoản thuận lợi như các công ty đến từ Belarus.

Nga-Belarus: ‘Yêu nhau như thế, bằng mười hại nhau’?
Nhiều ngành kinh tế của Belarus được hưởng quyền tiếp cận đặc biệt với thị trường Nga. (Nguồn: DW)

Các nhà quan sát cho rằng sự ưu đãi này dành cho Belarus nhằm duy trì toàn bộ lĩnh vực kinh doanh ở Belarus, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp thực phẩm và kỹ thuật.

Theo Viện Năng lượng và Tài chính của Moscow, ngoài các khoản vay lãi suất thấp, những ưu đãi có lợi như vậy cho phép nền kinh tế Belarus sinh lợi khoảng 11 tỷ USD từ năm 2011 đến năm 2020.

Nguồn thu nhập mờ ám

Hoạt động buôn lậu xuyên biên giới cũng góp phần hỗ trợ nền kinh tế Belarus.

Mặc dù quy mô tài chính của vụ buôn lậu này không lớn nhưng nó vẫn đem lại nguồn thu rất đáng kể.

Hoạt động buôn bán bất hợp pháp dẫn đến việc mốt số hàng hóa của EU được dán nhãn lại và có tình trạng các giấy tờ được làm giả khi cung cấp cho hải quan.

Những hàng hóa được dán nhãn lại sau đó được nhập lậu vào Nga để trốn tránh các lệnh trừng phạt của EU. Như vậy, Nga cũng không thu được khoản thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm bị dãn nhãn lại.

Ông Kondratiev nói: “Chỉ có Belarus mới kiếm được tiền khi làm điều này. Thuốc lá Belarus là một trường hợp điển hình: Các lô hàng có tới 1 triệu bao được nhập lậu vào Nga mà không phải nộp bất kỳ khoản thuế tiêu thụ đặc biệt nào. Thuốc lá thường được ngụy trang trong các lô hàng phân khoáng".

Từ năm 2011 đến năm 2020, nhập khẩu thuốc lá bất hợp pháp đã gây thiệt hại cho Nga khoảng 2,6 tỷ USD.

Từ năm 2014 đến năm 2020, Nga phải gánh chịu thiệt hại tài chính ước tính 4,2 tỷ USD do buôn lậu các hàng hóa trong danh mục bị EU trừng phạt.

Ông Kondratiev cho biết, không có quốc gia nào trên thế giới nhận được mức hỗ trợ hào phóng của Nga như Belarus.

Tuy nhiên, sự hỗ trợ của Moscow đối với Minsk gây ra căng thẳng về tài chính cho bản thân nước Nga và quan trọng hơn, sự trợ giúp mạnh mẽ đó không thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Belarus.

Ông Bogdan Bespalko cho biết: "Ngược lại, chúng tôi đang chứng kiến sự trì trệ lâu dài".

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nga-Belarus: ‘Yêu nhau như thế, bằng mười hại nhau’?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO