Nét cổ kính, độc đáo của đình làng Phượng Lịch

Huy Thư (Báo Nghệ An)| 13/07/2022 09:00

Xây dựng từ thời Nguyễn, đình Phượng Lịch ở xã Diễn Hoa (Diễn Châu) mang vẻ đẹp cổ kính, độc đáo. Hiện di tích đang xuống cấp nặng nề, cần được trùng tu, tôn tạo.

Làng Phượng Lịch, xã Diễn Hoa trước đây thuộc tổng Lý Trai, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu là một làng cổ, có bề dày văn hóa, lịch sử lâu đời. Nơi đây, người dân địa phương đã xây dựng nên nhiều công trình làng xã, như đình, đền, chùa, miếu... trong đó có đình Phượng Lịch.

Nét cổ kính, độc đáo của đình làng Phượng Lịch - 1

Đình Phượng Lịch. Ảnh: Huy Thư

Đình được nhân dân làng Phượng Lịch xây dựng vào năm 1866 để làm nơi sinh hoạt cộng đồng và thờ Thành Hoàng làng là bà Hồng Thị Châu Nương (người vợ thứ ba của Thượng tướng Trần Quang Khải) - người đã có công chiêu dân lập ấp, xây dựng trang trại Giang Lâm (xã Diễn Quảng, Diễn Hạnh và Diễn Hoa hiện nay); dạy cho dân cách trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa...

Nguyên xưa, đình Phượng Lịch có cổng đình, đại đình, hậu cung, nhà tả vu, hữu vu. Nay nhà tả vu và hữu vu đã không còn. Đại đình có kiến trúc thời Nguyễn, là ngôi nhà 5 gian 6 vì, rộng 150m2.

Nét cổ kính, độc đáo của đình làng Phượng Lịch - 2

Đại đình có kiến trúc thời Nguyễn, là ngôi nhà 5 gian 6 vì, rộng 150m2. Ảnh: Huy Thư

Khung gỗ của đình được liên kết với nhau bằng hệ thống vì kèo kẻ chuyền, văng và khấu đầu, tất cả được bào trơn, đóng khít, sàm thắt mộng đuôi én tạo nên sự vững chắc cho đình. Riêng 2 vì ở giữa trốn 2 cột cái thay bằng 2 trụ tròn, kê trên đấu hình vuông làm cho không gian đình thêm phần thoáng đãng.

Trên các kết cấu gỗ của đình được điêu khắc chạm trổ nhiều đề tài dân gian, họa tiết, hoa văn truyền thống với kỹ thuật tay nghề đạt độ kỹ xảo.

Nét cổ kính, độc đáo của đình làng Phượng Lịch - 3

Điêu khắc trên những kẻ trước của đình. Ảnh: Huy Thư

Nét cổ kính, độc đáo của đình làng Phượng Lịch - 4Xà dọc của 2 vì giữa có đầu dư chạm hình rồng với những đường nét tinh tế, sống động, đẹp mắt đang chầu vào nhau. Ảnh: Huy Thư

Đặc biệt, trên mái đình được trang trí hình các con vật một cách công phu, độc đáo. Bờ nóc của đình đắp hình “lưỡng long triều nguyệt” khá lớn. Đây là tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Với chất liệu vôi vữa, mảnh sành, sứ... các nghệ nhân đã tạo thành những con rồng có thân hình to, khỏe với đầy đủ các bộ phận tạo thành những đường cong mềm mại.

Nét cổ kính, độc đáo của đình làng Phượng Lịch - 5

"Lưỡng long triều nguyệt" được các nghệ nhân chạm khắc tinh xảo. Ảnh: Huy Thư

Ngoài hình lưỡng long triều nguyệt, 2 đầu bờ nóc còn có hình 2 con cá sấu hướng về giữa đình, trên mỗi bờ giải có 2 con nghê quay đầu vào nhau rất sinh động, 4 đầu đao cong vút với hình cá hóa rồng cách điệu. Riêng bờ đốc đắp hình chim phượng xòe cánh với dáng vẻ thanh thoát... Không chỉ độc đáo trong kiến trúc, điêu khắc, đình Phượng Lịch còn là chứng tích của nhiều sự kiện lịch sử quan trọng ở địa phương. Đình đã được công nhận là Di tích Lịch sử cấp tỉnh.

Nét cổ kính, độc đáo của đình làng Phượng Lịch - 6

Trên mỗi bờ giải có 2 con nghê quay đầu vào nhau. Riêng bờ đốc đắp hình chim phượng xòe cánh với dáng vẻ thanh thoát. Ảnh: Huy Thư

Tồn tại hơn 1,5 thế kỷ, trải qua nhiều biến cố lịch sử, đình Phượng Lịch đã xuống cấp nghiêm trọng. Hiện khung gỗ của đình nhiều chỗ bị mối ăn, nhiều kết cấu bị hư hỏng, phải đóng tháp, gia cố tạm thời. Mái ngói bị rơi rụng, nhiều chỗ không che kín phần gỗ của đình. Hiện trạng "kêu cứu" của đình Phượng Lịch cần được các cấp quan tâm để có giải pháp trùng tu, tôn tạo.

Bài liên quan
  • Ngôi đình cổ, nơi diễn ra bao trận đấu vật dữ dội
    Dịp đầu năm, du khách thập phương lại tập trung về đình làng Thủ Lễ để xem các trận đấu vật, có cả nữ tham gia. Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia này trở thành địa chỉ quen thuộc của mọi người dịp lễ hội.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nét cổ kính, độc đáo của đình làng Phượng Lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO