
Nam Phương Hoàng hậu Xuất thân từ một gia đình quyền quý, bà là con gái của ông Nguyễn Hữu Hào - người giàu có bậc nhất tại miền Nam và bà Lê Thị Bình, cháu ngoại của đại điền chủ Lê Phát Đạt - một trong những người giàu có nhất Việt Nam thời bấy giờ.

Ngay từ nhỏ, bà đã được gia đình cho theo học tại Pháp, mang quốc tịch Pháp với tên Jeanne Mariette Thérèse. Bà theo học tại trường nữ danh tiếng Couvent des Oiseaux ở Paris, nơi đào tạo những tiểu thư quý tộc châu Âu.

Sau khi tốt nghiệp tú tài vào năm 1932, bà trở về Việt Nam trên chuyến tàu D'Artagnan của hãng Messagerie Maritime.


Vẻ đẹp thanh thoát, đoan trang cùng vóc dáng dong dỏng cao đã khiến bà trở thành biểu tượng sắc đẹp thời bấy giờ.

Không chỉ nổi bật về ngoại hình, bà còn sở hữu trí tuệ thông minh, thành thạo nhiều ngoại ngữ và phong thái quý tộc.

Năm 1933, tại Đà Lạt, bà gặp gỡ Hoàng đế Bảo Đại lần đầu tiên khi mới 18 tuổi. Vua Bảo Đại đã lựa chọn bà làm Hoàng hậu không chỉ vì nhan sắc hơn người mà còn bởi trí tuệ, nền tảng gia giáo và tâm hồn vị tha.

Nguyễn Hữu Thị Lan trong tà áo dài truyền thống, được cho là chụp vào lễ ra mắt chính thức với gia đình Hoàng tộc trước thềm đám cưới năm 1934.

Ngày cưới, bà được sắc phong Hoàng hậu - là người phụ nữ đầu tiên và duy nhất trong triều Nguyễn được phong tước vị này ngay trong ngày cưới

Báo chí đương thời như Tràng An báo, Hà Thành ngọ báo, Phụ nữ tân văn, Điễn tín… đã ca ngợi bà là “người phụ nữ tiêu biểu” của thời đại mới - hội tụ đầy đủ phẩm chất nhan sắc, trí tuệ, đức hạnh và tài ngoại giao.

Nam Phương mặc Nhật Bình, đội khăn vành trong ngày tấn phong Hoàng Hậu.

Không chỉ là người bạn đời của vua Bảo Đại, Nam Phương Hoàng hậu còn là người bạn đồng hành, người cộng sự.

Bà đảm nhiệm vai trò hậu cung, gìn giữ lễ nghi, giáo dục con cái, đồng thời tích cực tham gia công tác thiện nguyện, quyên góp, chăm lo các nhà phước, khuyến học.

Nam Phương Hoàng Hậu cùng Vua Bảo Đại trong chuyến công du tại Pháp năm 1939.

Nguyễn Phúc Bảo Long - con trai trưởng của bà - là hoàng thái tử cuối cùng của triều Nguyễn.

Ngoài ra, hoàng tử Bảo Thắng và các công chúa Phương Mai, Phương Liên, Phương Dung, đều được bà chăm sóc và dạy dỗ theo tinh thần giao hòa Đông - Tây.

Ảnh Nam Phương hoàng hậu và các con đăng trên tờ Indochine hebdomadaire illustré năm 1942.

Dù thời gian trị vì trên cương vị Hoàng hậu chỉ hơn 10 năm (1934–1945), nhưng dấu ấn của Nam Phương hoàng hậu để lại mang tính biểu tượng.

Theo ghi chép, bà để lại cho hậu thế hình ảnh một bậc quốc mẫu mẫu mực. Từ nhan sắc, học thức đến vai trò xã hội, bà trở thành biểu tượng truyền cảm hứng mạnh mẽ cho phụ nữ Việt Nam trong hành trình bước ra khỏi khuôn khổ, vươn tới tri thức, và tự khẳng định giá trị bản thân.
Ảnh: Tổng hợp