Mỹ rút khỏi Afghanistan: Thang 'thuốc bổ' cho khu vực Trung Đông?

Đặng Nguyễn| 10/10/2021 20:20

Theo tác giả Khalid al-Jaber* viết trên trang National Interest, sự kiện Mỹ rút lui khỏi Afghanistan không chỉ tạo ra tín hiệu tích cực ở Nam Á mà còn giúp các nước Trung Đông ngày càng gắn kết với nhau.

Mỹ rút khỏi Afghanistan: Thang 'thuốc bổ' cho khu vực Trung Đông?
Từ trái sang: Quốc vương Jordan Abdullah II, Tổng thống Iraq Barham Salih, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi và Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi trước một Hội nghị thượng đỉnh ba bên Iraq-Ai Cập-Jordan tại Baghdad hồi tháng 6/2021. (Nguồn: Reuters)

Những điềm báo tốt

Trong một nỗ lực làm giảm căng thẳng và lo ngại về sự nổi lên của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Iraq đã chủ trì tổ chức một hội nghị thượng đỉnh hồi cuối tháng 8, với sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu khu vực.

Hội nghị thượng đỉnh được tổ chức vào thời điểm nhiều chính phủ ở Trung Đông đang thay đổi quan điểm chính sách đối ngoại từ thời Tổng thống Trump và áp dụng những cách tiếp cận mới đối với các vấn đề khu vực.

Hội nghị nêu bật quyết tâm của Iraq trong việc thúc đẩy ổn định và hòa bình ở Trung Đông bằng cách tạo điều kiện cho các cuộc đối thoại lớn hơn giữa các quốc gia Tây Á.

Dù góp phần hạ nhiệt khu vực nhưng hội nghị đã không mang lại “đột phá” mới trong quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran - hai nước kỳ vọng nhiều nhất vào sự kiện này.

Tuy nhiên, hội nghị vẫn có ý nghĩa quan trọng: lần đầu tiên trong lịch sử gần đây, hội nghị khiến nhiều cặp đối thủ - Saudi Arabia và Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Qatar và Ai Cập - ngồi cùng một bàn đàm phán để giải quyết hòa bình các vấn đề thách thức mà khu vực đang phải đối mặt.

Tham gia Hội nghị thượng đỉnh Baghdad có các nguyên thủ quốc gia của Ai Cập, Pháp, Jordan và Qatar, cũng như Phó Tổng thống và Thủ tướng của UAE và các nhà ngoại giao hàng đầu của Iran, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ.

Không phải tất cả các nước trong khu vực đều có đại diện tại hội nghị này - không có quan chức nào đến từ Bahrain, Oman hoặc Syria - nhưng đây vẫn là hội nghị hòa bình quy mô và quan trọng nhất mà Trung Đông từng chứng kiến kể từ khi bắt đầu Mùa xuân Ả rập năm 2011, và là biểu tượng cho sự thay đổi lớn so với thời đối đầu khu vực trước đây.

Mỹ rút khỏi Afghanistan: Thang 'thuốc bổ' cho khu vực Trung Đông?
Các nhà lãnh đạo dự Hội nghị Hợp tác và Đối tác Baghdad tại Baghdad, Iraq, ngày 28/8/2021. (Nguồn: AP)

Trong khi xung đột ý thức hệ tiếp tục làm gia tăng căng thẳng giữa các quốc gia trong khu vực, hầu hết các cặp đối thủ ở Trung Đông đang ngày càng coi việc mở cửa đối thoại là nhằm phục vụ lợi ích quốc gia của họ.

Các thỏa thuận và thu xếp ngoại giao đang dần thay thế hành động hiếu chiến, như đã diễn ra khắp khu vực trong năm nay.

Xu hướng này được thúc đẩy chủ yếu bởi các yếu tố chính trị ở Mỹ. Nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump đã kết thúc và các hành động của Tổng thống Joe Biden cho thấy ông sẽ ít ủng hộ và nhiều chỉ trích hơn đối với các chế độ độc tài trong khu vực. Các sự kiện tháng trước ở Afghanistan cho thấy, tổng thống thứ 46 của nước Mỹ đã không còn muốn mạo hiểm tính mạng của lính Mỹ để đánh đổi lấy việc bảo vệ các chính quyền ở khu vực.

Thương vụ kinh điển đánh dấu sự hiện diện của Mỹ ở Trung Đông - đảm bảo an ninh để đổi lấy nguồn cung dầu rẻ và đáng tin cậy - dường như đã đột ngột dừng lại và sự vắng mặt của Mỹ đã khiến một số quốc gia ở Trung Đông lo ngại nghiêm trọng về quan hệ của họ với Washington.

Trái ngược hẳn với thời Tổng thống Trump, khi Mỹ kiên quyết cam kết (ít nhất là trong lời nói) với thương vụ cũ, lãnh đạo nhiều nước, giống như Saudi Arabia, không còn tin rằng Washington vẫn “chống lưng” cho họ về mặt chính trị.

Điều này đã thúc đẩy Riyadh và các nước Trung Đông khác đầu tư vào những nỗ lực cải thiện quan hệ với các nước láng giềng.

Hơn nữa, những thực tế mới về kinh tế do Covid-19 tạo ra đã khiến nhiều quốc gia trong khu vực mong muốn có các chính sách đối ngoại ít tốn kém hơn và tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh tế mới với nhiều quốc gia hơn, bao gồm cả những quốc gia đối đầu về ý thức hệ và bị chia rẽ về địa chính trị.

Trong suốt năm 2021, nhiều mức độ mâu thuẫn khác nhau được xoa dịu trong nhiều cuộc cạnh tranh đan xen và phức tạp trong khu vực. Việc hầu hết các nước đều có đại diện tại Hội nghị thượng đỉnh Baghdad là điềm báo tốt cho việc tiếp tục các nỗ lực nhằm giảm nhiệt ở Trung Đông.

Saudi Arabia và Iran

Vào tháng 4, Saudi Arabia và Iran bắt đầu lặng lẽ tiếp cận nhau trong một loạt các cuộc đàm phán cấp thấp - ban đầu được tiến hành ở Baghdad, nhưng sau đó mở rộng sang Qatar và Oman. Khi các cuộc đàm phán này bắt đầu vào đầu năm nay, đây là lần đầu tiên các tiếp xúc ngoại giao thực tế được diễn ra giữa hai nước kể từ khi cắt đứt quan hệ ngoại giao vào tháng 1/2016 làm leo thang đáng kể căng thẳng địa chính trị và giáo phái ở Trung Đông.

Mỹ rút khỏi Afghanistan: Thang 'thuốc bổ' cho khu vực Trung Đông?
Mặc dù Saudi Arabia và Iran vẫn chưa đạt được bước đột phá lớn tạo để ra bất kỳ hiểu biết mới nào, nhưng việc hai bên có thể tiếp xúc với nhau kể từ tháng 4 là một dấu hiệu tích cực.

Nhiều chuyên gia chỉ ra các cuộc tấn công nhằm vào nhà máy lọc dầu Aramco của Saudi Arabia vào tháng 9/2019, mà khắp khu vực cho là Iran phải chịu trách nhiệm, là một sự kiện quan trọng đưa Riyadh kết luận rằng đàm phán với Tehran sẽ phù hợp với lợi ích quốc gia hơn là cô lập đối thủ.

Các cuộc tấn công là nhắm vào động lực của nền kinh tế Saudi Arbia và việc chính quyền Trump thiếu phản ứng thực chất đã khiến giới lãnh đạo Saudi Arabia hiểu rõ hơn về mức độ dễ bị tổn thương trước của họ trước các động thái từ Iran.

Điều quan trọng là, vũ khí công nghệ cao và tiên tiến mà Mỹ bán cho Riyadh đã không ngăn chặn được cuộc tấn công, mà còn làm nổi rõ thêm những hạn chế của việc sử dụng khí tài quân sự để thay cho việc can dự.

Mặc dù Saudi Arabia và Iran vẫn chưa đạt được bước đột phá lớn tạo để ra bất kỳ hiểu biết mới nào, nhưng việc hai bên có thể tiếp xúc với nhau kể từ tháng 4 là một dấu hiệu tích cực.

Tất nhiên, mức độ ngờ vực cao từ lâu đã hình thành giữa hai nước, điều này sẽ gây khó khăn cho các cuộc đàm phán cũng như mang lại những thay đổi cơ bản trong cách nhìn nhận của hai bên với nhau.

Cuối cùng, ngoại giao là cách duy nhất duy trì quan hệ Saudi Arabia-Iran cho đến nay: có vô số vấn đề trong khu vực khiến hai bên chống lại nhau, việc mong đợi một cuộc chiến toàn diện là không thực tế. Tuy nhiên, 2021 là một năm mà Riyadh và Tehran đã thực hiện các bước để quản lý thay vì leo thang các vấn đề trong khu vực.

Thổ Nhĩ Kỳ và UAE

Kể từ khi Mùa xuân Ả rập nổ ra vào năm 2011, và đặc biệt kể từ khi nỗ lực đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ thất bại năm 2016, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và UAE đã bị ảnh hưởng rất nhiều. Có thể nói rằng chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ đã không mâu thuẫn với quốc gia thành viên nào của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) ngoài UAE. Trong những năm gần đây, các quan chức và nhà bình luận ở Ankara và Abu Dhabi đã chỉ trích nhau gay gắt.

Tuy nhiên, cả hai bên đã thực hiện các bước để “tiến tới hòa giải” trong những tháng gần đây.

Vào tháng 1, Anwar Gargash, người hiện đang giữ vai trò cố vấn ngoại giao cho Tổng thống UAE Sheikh Khalifa bin Zayed Al Nahyan, tuyên bố rằng Abu Dhabi không có vấn đề gì với Ankara.

Hai tháng sau, nhà ngoại giao hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Mevlut Cavusoglu, tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ “không có lý do gì” để không hàn gắn quan hệ với UAE nếu Abu Dhabi cam kết thực hiện một “bước đi tích cực”.

Sự kiện quan trọng đối với sự tan băng trong quan hệ UAE-Thổ Nhĩ Kỳ đã diễn ra khi Cố vấn an ninh quốc gia của UAE Sheikh Tahnoun Bin Zayed Al Nahyan gặp Tổng thống Recep Tayyip Erdogan ở Ankara vào tháng 9.

Mỹ rút khỏi Afghanistan: Thang 'thuốc bổ' cho khu vực Trung Đông?
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) và Cố vấn an ninh quốc gia UAE Sheikh Tahnoon bin Zayed Al Nahyan trước một cuộc gặp tại Ankara, ngày 18/8/2021. (Nguồn: AP)

Thổ Nhĩ Kỳ và UAE hiện đang phải đối mặt với những thách thức kinh tế. Thổ Nhĩ Kỳ muốn đẩy mạnh hợp tác kinh tế với các quốc gia vùng Vịnh. Trên thực tế, điều này có nghĩa là phải mang thêm đầu tư của Saudi Arabia và UAE vào nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm mà nền kinh tế này đang gặp nhiều vấn đề.

Trong khi đó, UAE buộc phải đối mặt với những gì có thể trở thành một trật tự địa chính trị mới ở khu vực, trong đó Mỹ ít cam kết hơn với an ninh vùng Vịnh so với những thập kỷ trước. Trong khi UAE chuẩn bị cho thời kỳ “hậu Mỹ”, các quan chức ở Abu Dhabi dường như tin rằng việc xoa dịu căng thẳng giữa UAE với Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như với Qatar và Iran, sẽ phục vụ lợi ích lâu dài của nước này.

Nhìn chung, thật khó để tưởng tượng mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-UAE sẽ sớm trở nên thân thiện. Các chính phủ ở Ankara và Abu Dhabi nhìn nhận Trung Đông theo những cách rất khác biệt, đặc biệt đối với vấn đề cốt lõi về vai trò chính trị của đạo Hồi trong thế giới Ả rập và Hồi giáo.

UAE có quan điểm cứng rắn đối với Tổ chức Anh em Hồi giáo, tổ chức bị UAE cho là khủng bố nhưng lại được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ về mặt tư tưởng và tài chính. Những khác biệt này khó có thể được khắc phục đơn giản thông qua các chuyến thăm song phương.

Tuy nhiên, trong một kỷ nguyên hòa giải mới trên toàn khu vực, có thể có lý do chính đáng để hy vọng Ankara và Abu Dhabi tận dụng nhiều cơ hội hơn để theo đuổi mối quan hệ tái hợp trong những tháng còn lại của năm 2021.

Hôm 31/8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan và Thái tử UAE Mohammed bin Zayed có một cuộc điện đàm được ca ngợi là khởi đầu cho một “giai đoạn mới” trong các vấn đề song phương.

Theo ông Gargash, UAE sắp "đầu tư nghiêm túc" vào Thổ Nhĩ Kỳ, điều này có thể giúp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-UAE đã bắt đầu bước vào chương mới trong thời hậu Trump. Tuy nhiên, mức độ mà Ankara và Abu Dhabi có thể đáp ứng các bên còn lại ở các điểm nóng trong khu vực như Libya, Syria và vùng Sừng châu Phi vẫn còn phải chờ xem.

Ai Cập và Qatar

Giống như các nước khác trong khu vực, Ai Cập cũng đã phải thích nghi với chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng như những hậu quả kinh tế nghiêm trọng do tác động của Covid-19.

Do đó, Cairo đã điều chỉnh lại chính sách đối ngoại. Mức độ mà Ai Cập cải thiện mối quan hệ với Qatar là một trường hợp điển hình.

Ai Cập là nước đầu tiên trong số các quốc gia cô lập khôi phục quan hệ ngoại giao chính thức với Doha vào đầu năm 2021. Cairo tỏ ra rất muốn phá bỏ chính sách bao vây Qatar trong 4 năm qua.

Lo lắng về những tác động của nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden đối với quan hệ Mỹ-Ai Cập, Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi đang áp dụng một cách tiếp cận thực dụng đối với mối quan hệ của mình với Washington trong thời kỳ hậu Trump.

Mối quan hệ hợp tác giữa Cairo với Doha và việc phối hợp hai bên để làm trung gian cho lệnh ngừng bắn giữa Hamas-Israel vào tháng 5 vừa qua đã góp phần nâng cao danh tiếng của ông Sisi với người đồng cấp Mỹ.

Tuy nhiên, tình hình ở Libya, quốc gia có đường biên giới dài 1.100 km với Ai Cập, rất quan trọng đối với các tính toán của ông Sisi về an ninh quốc gia. Nói một cách đơn giản, chính phủ của ông, trước đây từng giành được quyền lực bằng cách lật đổ Tổ chức Anh em Hồi giáo, nên không muốn thấy các tay súng du kích Hồi giáo ở Libya xâm nhập Ai Cập.

Cairo có thể hưởng lợi từ mối quan hệ hợp tác với Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ, để đảm bảo rằng các nhóm liên kết với Tổ chức Anh em Hồi giáo ở Libya, mà Doha và Ankara có ảnh hưởng, sẽ không đe dọa đến Ai Cập.

Cuối cùng, Ai Cập quan tâm đến việc thu hút thêm đầu tư nước ngoài từ một nước Qatar giàu khí đốt vào nền kinh tế của mình, vốn đã đình trệ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến quốc gia này mất hàng chục tỷ USD doanh thu du lịch.

Phát huy tinh thần Hội nghị Baghdad

Trung Đông đang ở trong một giai đoạn lịch sử độc nhất vô nhị. Các bên có nhận thức chung rằng theo đuổi sự thịnh vượng và hòa bình lâu dài trong khu vực đòi hỏi phải chôn vùi những khác biệt về ý thức hệ nhằm tăng cường hợp tác và hiểu biết nhiều hơn giữa các đối thủ.

Mặc dù không ai tính được Hội nghị thượng đỉnh Baghdad có tác động lớn như thế nào trong việc thúc đẩy ngoại giao giữa các chính phủ có lợi ích cạnh tranh nhau, nhưng đây vẫn là một hội nghị quan trọng và mang tính lịch sử mà các bên có lợi ích rõ ràng trong việc phát huy những gì đạt được. Hội nghị khuyến khích các nhà hoạch định chính sách khu vực thúc đẩy tổ chức các hội nghị tương tự ở Iraq một cách thường xuyên hơn.

Mỹ rút khỏi Afghanistan: Thang 'thuốc bổ' cho khu vực Trung Đông?
Những gì diễn ra gần đây ở Afghanistan nhấn mạnh những rủi ro khi một nước phó mặc an ninh của mình cho nước khác. (Nguồn: AFP)

Khi các nước Trung Đông chuẩn bị cho thời hậu Mỹ, chính phủ các nước này đang nhận thấy rằng việc gắn kết với nhau, dù ở mức hạn chế, là cực kỳ quan trọng để thúc đẩy sự ổn định của khu vực Trung Đông đầy biến động.

Các sự kiện gần đây ở Afghanistan, trong đó có việc Washington đột ngột rút lại sự ủng hộ đối với chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani - và sau đó không làm gì để ngăn chặn Taliban tiếp quản Kabul - nhấn mạnh những rủi ro hiện hữu khi một nước phó mặc an ninh của mình cho nước Mỹ.

Không một quốc gia Trung Đông nào, dù thân hay chống Mỹ, mong muốn điều tương tự lặp lại ở nước mình. Để ngăn điều đó, các biện pháp ngoại giao và cam kết, dù có thể đầy thách thức và không thành công trong ngắn hạn, vẫn cần thiết cho tương lai hòa bình và thịnh vượng của khu vực.


*Tác giả Khalid al-Jaber là Giám đốc Trung tâm MENA ở Washington DC., Mỹ. Ông từng làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu và Học thuật al-Sharq, là Tổng biên tập tờ The Peninsula, tờ nhật báo tiếng Anh hàng đầu của Qatar.

Al-Jaber đồng thời là một học giả chuyên nghiên cứu về Arab và vùng Vịnh, và các nghiên cứu của ông tập trung vào khoa học chính trị, ngoại giao công chúng, truyền thông quốc tế và quan hệ quốc tế. Ông có nhiều tác phẩm bao gồm các cuốn sách học thuật và báo chí chuyên nghiệp.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Mỹ rút khỏi Afghanistan: Thang 'thuốc bổ' cho khu vực Trung Đông?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO