Mỹ có thể ‘bóp chết’ niềm tự hào Huawei của Trung Quốc?

09/06/2020 07:55

Việc chính quyền Mỹ loại bỏ đồng minh TSMC khiến Huawei loay hoay tìm cách đảm bảo nguồn cung chip. Nhà vô địch công nghệ Trung Quốc đang khủng hoảng thực sự.

Khuôn viên trụ sở Huawei tại miền nam Trung Quốc đã được đặt trong tình trạng khẩn cấp kể từ khi Mỹ thắt chặt kiểm soát các con chip bán dẫn, được làm ra bằng công nghệ có xuất xứ từ Mỹ. Đòn tấn công này đã giáng mạnh vào tham vọng bán dẫn của Huawei, từ các con chip di động cho tới AI. Hàng tồn kho của họ về cơ bản sẽ hết vào đầu năm 2021, tức chỉ còn hơn nửa năm nữa. Đây là các con chip cần cho thiết bị viễn thông.

Các giám đốc đã tổ chức nhiều cuộc họp những ngày qua kể từ sau khi lệnh hạn chế ban hành. Tuy nhiên, họ không tìm ra được bất kỳ giải pháp tháo gỡ khó khăn nào. Trong khi vẫn có thể mua các con chip cơ bản không tùy biến phục vụ cho thiết bị di động từ Samsung hay MediaTek, họ lại không thể đảm bảo yêu cầu về hiệu suất và cũng như nguồn cung. Dường như Huawei đã thực sự bị Mỹ dồn vào đường cùng, sau nhiều biện pháp không ngăn cản được đà tăng trưởng.

Huawei đang rơi vào khủng hoảng sau lệnh cấm mới của Mỹ (ảnh: SCMP)

Lần này, Mỹ nhắm thẳng vào yếu điểm trong Huawei là HiSilicon, đơn vị bán dẫn được thành lập 16 năm trước để khám phá các lĩnh vực tiên tiến như chip AI. Nhánh bán dẫn này nổi lên như vũ khí bí mật của Huawei để giảm phụ thuộc vào Mỹ. Các con chip silicon của họ có thể cạnh tranh với Qualcomm, được dùng trong smartphone và máy chủ.

Nhưng HiSilicon chỉ có chuyên môn thiết kế chip chứ không tự sản xuất. Và tất cả các hãng đúc chip trên thế giới lại đều phụ thuộc vào máy móc do Mỹ sản xuất. Dù là SMIC của Trung Quốc hay TSMC của Đài Loan, Samsung của Hàn Quốc, vẫn phải nhập khẩu những trang bị đắt tiền cho dây chuyền đúc chip của mình. Cắt đứt dòng chảy này, Mỹ đã đặt tham vọng của Huawei vào "chảo lửa" mà họ có thể không vượt qua nổi.

Kịch bản đen tối nhất xảy đến với công ty Trung Quốc là họ không thể đưa bất kỳ bản vẽ thiết kế nào ra đời thực. Nỗ lực tự chế tạo chip cho thiết bị di động, trạm phát sóng 5G,... sẽ không thể cho ra lò sản phẩm. Nhà phân tích Edison Lee của Jefferies ghi chú rằng lệnh cấm "tập trung vào các con chip được HiSilicon thiết kế, được xem là một mối đe dọa với Mỹ". Và nó có thể phá hủy nỗ lực sản xuất thiết bị mạng 5G của Huawei.

Không thể sản xuất chip sẽ là dấu chấm hết với Huawei 

Về lý thuyết, HiSilicon sẽ không thể gửi bất kỳ thiết kế nào tới TSMC hay bất kỳ hãng đúc chip theo hợp đồng nào khác. Trong khi các công ty trong nước vẫn còn đi sau công nghệ của TSMC tới hai thế hệ. Ngay cả SMIC cũng không có cơ hội bắt kịp TSMC hoặc Samsung trong vòng 5 năm tới, chứ đừng nói chuyện giúp đỡ Huawei vượt qua lệnh cấm. SMIC là hãng đúc chip theo hợp đồng lớn nhất Trung Quốc.

Lệnh cấm Mỹ ảnh hưởng nặng nề tới việc sản xuất chip Kirin và modem 5G cho smartphone, các con chip AI cho dịch vụ đám mây và máy chủ của Huawei, cũng như nhiều con chip cơ bản khác cho mạng viễn thông. Nếu hết linh kiện, thậm chí Huawei còn không thể bàn giao trạm phát sóng 5G kịp cho các nhà mạng.

Charlie Dai, nhà phân tích đến từ Forrester Reseach cho biết: "HiSilicon sẽ không thể đưa ra các phát kiến công nghệ được nữa, cho đến khi họ đảm bảo được giải pháp thay thế thông qua hợp tác và tự phát triển với bất kỳ công ty địa phương nào có thể - việc mà sẽ mất nhiều năm để hoàn thiện". Một lưu ý quan trọng khác, ông cho rằng hàng tồn kho các con chip cấp cao của Huawei (gồm chip băng tần mạng cơ sở và SoC vận hành hệ thống của smartphone), còn giới hạn tối đa chỉ trong 12 đến 18 tháng nữa trước khi cạn sạch.

ASML là hãng duy nhất cung cấp máy quang khắc cho các đơn vị đúc chip, cũng sử dụng công nghệ Mỹ (ảnh: Reuters)

Việc sản xuất những con chip tiên tiến ở cấp độ cao nhất không thể xảy ra nếu thiết máy móc Mỹ, do Applied Materials, KLA Corp và Lam Research chế tạo. Trong khi TSMC là công ty đi đầu ngành đúc chip, hiện đã đạt tới tiến trình 7nm và sẵn sàng 5nm trong tương lai. Node tiến trình nhỏ hơn là điều kiện tiên quyết bắt buộc nếu muốn đạt hiệu năng cao như mong muốn.

Bên cạnh đó, xây dựng nhà máy bán dẫn bằng các công nghệ nội địa, không cần đến Mỹ, cũng là một giấc mơ viển vông. Bởi vì các dây chuyền bán dẫn sẽ yêu cầu các máy quang khắc siêu cực tím (EUV) từ công ty Hà Lan ASML, cái tên duy nhất trên thế giới hiện nay có thể đáp ứng loại trang bị này. TSMC hay Samsung, SMIC đều phải chi hàng trăm triệu USD chỉ để mua một hệ thống EUV như vậy.

Và thật không may cho Huawei, ngay cả máy móc từ ASML cũng có dính dáng tới công nghệ Mỹ, thông qua các công ty cung ứng như II-VI hay Lumentum. Một giải pháp thay thế khác là Shanghai Micro Electronics Equipment, tuy nhiên máy EUV của họ tụt hậu hơn ASML tới vài thế hệ.

Viễn thông và smartphone đều cần tới các con chip được sản xuất bằng công nghệ Mỹ (ảnh: Business Korea)

Và đó còn chưa kể tới các phần mềm thiết kế đặc thù của ngành bán dẫn, được phát triển bởi Cadence và Synopsys. Các công cụ tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) giúp kỹ sư HiSilicon có thể vẽ bản thiết kế cho những bộ xử lý thế hệ tiếp theo.

Huawei bây giờ thậm chí còn không thể chắc chắn liệu mình có hoàn thành được hơn 90 hợp đồng mạng 5G đã ký hay không. Bởi nếu không sản xuất được chip thì máy móc không thể giao tới kịp. Và kéo theo đó, mạng lưới khách hàng viễn thông toàn cầu của công ty cũng có nguy cơ sụp đổ. Khả năng tìm kiếm khách hàng mới cũng trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Mỹ có thể ‘bóp chết’ niềm tự hào Huawei của Trung Quốc?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO