Một năm đầy ‘sóng gió’ của giáo dục TP.HCM

MAI THÚY (tổng hợp)| 05/02/2022 14:48

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở TP.HCM chia sẻ rằng, "30 năm trong nghề, chưa bao giờ đối mặt với hoàn cảnh dạy học khó khăn như thế này".

Có thể nói, năm 2021 là năm khó khăn, “sóng gió” nhất của ngành giáo dục TP.HCM khi thành phố này hứng chịu “bão COVID-19” quét qua rất nặng nề.

Kể từ ngày 10/5, trường học toàn thành phố đóng cửa, hơn nửa năm học sinh toàn thành phố không được đến trường, hàng chục nghìn học sinh, giáo viên, nhân viên mắc COVID-19; rất nhiều trẻ mồ côi do đại dịch COVID-19…

Nếu như học trực tuyến chỉ là giải pháp tình thế của năm 2020 thì năm 2021, học trực tuyến là phương thức học tập chính của học sinh thành phố.

Giai đoạn chưa từng có trong lịch sử

Năm 2021, COVID-19 phủ bóng toàn cầu và làm đảo lộn mọi lĩnh vực. Ngành giáo dục Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng tiếp tục chứng kiến sự gián đoạn chưa từng có.

Khi dịch bùng phát từ đầu tháng 5/2021 và đến tháng 8/2021, TP.HCM buộc phải lên phương án học trực tuyến cả học kỳ 1 năm học 2021 - 2022. Việc chuyển sang học trực tuyến, thành phố đối mặt với hàng loạt khó khăn như: Thiếu máy móc cho học trực tuyến, học sinh là F0, đang cách ly, nằm trong vùng phong tỏa, rời thành phố tránh dịch…

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, ngành giáo dục thành phố đã triển khai đồng bộ các giải pháp về dạy và học trên internet, qua truyền hình... để phù hợp với tình hình thực tế.

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở TP.HCM đã chia sẻ về giai đoạn dạy và học trong thời điểm thành phố hứng "bão COVID-19" rằng: "30 năm trong nghề, chưa bao giờ tôi đối mặt với hoàn cảnh dạy học khó khăn như thế này".

Một năm đầy ‘sóng gió’ của giáo dục TP.HCM - 1

Học sinh TP.HCM học trực tuyến tại nhà.

Bắt đầu năm học mới không tiếng trống khai trường

Năm học 2021 - 2022, lần đầu tiên trong lịch sử, học sinh TP.HCM bắt đầu năm học mới không tổ chức lễ khai giảng, không tiếng trống khai trường.

Thời điểm đầu tháng 9/2021, theo thống kê của Sở GD&ĐT TP.HCM, có 249 trường học trưng dụng làm khu cách ly; 453 trường làm điểm tiêm vaccine; 1.960 giáo viên và 5.898 học sinh thuộc diện F0, F1. Thành phố vẫn đang thực hiện Chỉ thị 16, giãn cách xã hội trong phòng, chống dịch nên việc chuẩn bị cho năm học mới gặp nhiều khó khăn…

Do đó, Sở GD&ĐT đã quyết định TP.HCM không tổ chức tựu trường, khai giảng (ngoại trừ Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong khai giảng trực tuyến, phát trực tiếp trên HTV), các trường trung học bắt đầu năm học mới từ 1/9/2021 và triển khai dạy học chương trình học kỳ 1 trên internet từ 6/9/2021, riêng bậc tiểu học bắt đầu từ 8/9/2021.

Ngành giáo dục thành phố nói riêng và cả nước nói chung, như đánh giá của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, bước vào một năm học bị COVID-19 "đảo lộn và tàn phá", lễ khai giảng trực tuyến diễn ra khắp các tỉnh, thành trên cả nước.

Một năm đầy ‘sóng gió’ của giáo dục TP.HCM - 2

Khai giảng trực tuyến. (Ảnh minh họa)

Kỳ thi lớp 10 thay đổi chưa có tiền lệ

Tại TP.HCM, hơn 83.300 thí sinh không thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập mà được xét tuyển bằng điểm trung bình lớp 9. Do dựa vào điểm học bạ với cách đánh giá có sự chênh lệch giữa các trường, kết quả khiến không ít phụ huynh phản đối. Cách xét tuyển tương tự được áp dụng cho kỳ khảo sát vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, cũng tạo ra phản ứng trái chiều.

Cùng với cả nước, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia tại TP.HCM (đợt 1) vẫn diễn ra với nhiều giải pháp phòng, chống dịch như phân luồng tại điểm thi, ngồi giãn cách... Trước khi kỳ thi diễn ra, tất cả thí sinh, cán bộ coi thi, nhân viên phục vụ kỳ thi tại thành phố phải tham gia lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 mới được tham gia kỳ thi.

Trong suốt quá trình diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT (đợt 1), TP.HCM luôn phải căng mình để phòng, chống dịch, vừa đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, minh bạch khi liên tục ghi nhận những thí sinh F0, F1...

Vào thời điểm thi tốt nghiệp THPT đợt 2, tình hình dịch bệnh vẫn rất căng thẳng, toàn thành phố thực hiện Chỉ thị 16, tình thế bắt buộc, thành phố phải đề nghị Bộ GD&ĐT xét đặc cách tốt nghiệp cho 3.234 thí sinh đủ điều kiện dự thi.

Một năm đầy ‘sóng gió’ của giáo dục TP.HCM - 3

Thí sinh kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 ở TP.HCM lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. (Ảnh: Mai Cát)

Hàng nghìn trẻ mồ côi do dịch

Đại dịch COVID-19 vừa qua ảnh hưởng sâu sắc tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó trẻ em phải gánh chịu những tổn thất nặng nề và đau thương dai dẳng nhất cả về thể chất lẫn tinh thần.

Tại TP.HCM, với hơn 10.000 trẻ em mắc COVID-19 và có hơn 1.500 trẻ rơi vào hoàn cảnh mồ côi cha, mất mẹ do dịch, có cuộc sống rất khó khăn, chịu nhiều thiệt thòi và bị ảnh hưởng lớn đến tâm lý… Từ thực tế đó, các cấp chính quyền, đoàn thể cũng như nhiều tổ chức, cá nhân đã cùng chung tay, nỗ lực chăm lo, hỗ trợ cho trẻ vượt qua khó khăn, mất mát...

Vượt khó 

Dù vậy năm qua, ngành GD&ĐT TP.HCM cũng vượt khó đạt được một số thành tựu nhất định. Ngành GD&ĐT có 3 đơn vị đề nghị Cờ Thi đua của Chính phủ; 23 tập thể đề nghị Cờ Thi đua của UBND TP và 135 đơn vị đạt Tập thể Lao động xuất sắc.

Năm học 2020 - 2021, dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 song ngành GD&ĐT đã hoàn thành tốt mục tiêu kép, vừa giảng dạy vừa phòng chống dịch, giữ vững chất lượng giáo dục, một số mặt tiếp tục nâng cao.

Về phương hướng nhiệm vụ năm học 2021 - 2022, theo Sở GD&ĐT TP.HCM, toàn ngành tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ kép, vừa phòng chống dịch vừa giảng dạy hiệu quả. Các sơ sở giáo dục triển khai kế hoạch giáo dục linh hoạt, phù hợp với diễn biến của dịch COVID-19, tận dụng tối đa thời gian dạy học trực tiếp, nâng cao chất lượng dạy học trên mạng internet, trên truyền hình.

Đồng thời, tăng cường kỹ năng tự học cho học sinh, xây dựng kho học liệu điện tử mở, hỗ trợ người học mọi lúc mọi nơi, làm nền tảng xây dựng xã hội học tập.

Ngành tiếp tục nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, công tác quản lý Nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số...

MAI THÚY (tổng hợp)
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Một năm đầy ‘sóng gió’ của giáo dục TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO