MiG-3 không cho Do 17 của phát xít Đức chạy thoát trên tầng bình lưu

12/11/2021 08:29

Trong trận không chiến ngày 11-8-1941, phi công Liên Xô Alexey Katrich lần đầu tiên trên thế giới đã thực hiện một cuộc tập kích tầm cao, hạ gục máy bay trinh sát của Đức Quốc xã.

Ngày hôm đó, hai máy bay tiêm kích tầm cao MiG-3 của Liên Xô, do phi công A. Katrich và M. Medvedev điều khiển, nhận nhiệm vụ bay đánh chặn máy bay trinh sát tốc độ cao Do 17 của Đức đang di chuyển từ Moscow về phía Leningrad (nay là Saint-Petersburg). Tuy nhiên, động cơ máy bay của Medvedev đã quá nóng, buộc phi công này phải nhanh chóng quay trở lại sân bay. Vì vậy, Trung úy Alexey Katrich tiếp tục truy đuổi kẻ địch một mình.

Trong khi đó, để thoát khỏi sự truy đuổi của tiêm kích Liên Xô thì chiếc Do 17 đã bay lên độ cao gần 8km so với mực nước biển, tức là bay vào tầng đối lưu (tầng này được tính từ độ cao 7km). Trên độ cao đó, phi công phải sử dụng mặt nạ dưỡng khí. Tuy nhiên, MiG-3 được thiết kế như một máy bay chiến đấu tầm cao, bởi trước chiến tranh người ta cho rằng, kẻ thù tiềm tàng sẽ thực hiện những cuộc không kích bằng máy bay ném bom bay ở độ cao từ 6 đến 10km. Trên thực tế, điều này đã không xảy ra trên mặt trận Xô-Đức, nhưng quân phát xít lại rất tích cực sử dụng máy bay trinh sát tầm cao.

Anh hùng phi công Liên Xô Alexey Katrich. Ảnh: wikipedia.org.

Ngay sau đó, Alexey Katrich nhận thấy ở phía trên đầu mình có những vệt khí thải màu trắng phát ra từ chiếc Do 17. Chiếc máy bay này bay dọc theo tuyến đường sắt, bởi nhiệm vụ của nó là chụp ảnh tuyến đường có tầm quan trọng chiến lược này từ trên không. Để chắc chắn đây là mục tiêu, Katrich tăng độ cao lên đến 9.000m. Sau khi xác định rõ đây chính là máy bay trinh sát, phi công bắt đầu bay xuống để tấn công. Ở độ cao khoảng 8.000m, Katrich khai hỏa bằng súng máy vào máy bay Đức, trong khi phía địch liên tục bắn trả.

Với loạt đạn đầu tiên từ khoảng cách gần 100m, phi công Liên Xô đã bắn xuyên lớp vỏ dọc theo toàn bộ thân máy bay Do 17. Tuy nhiên, phi công tình báo phát xít Đức vẫn tiếp tục bay như không có chuyện gì xảy ra.

Trong loạt đạn thứ hai, Katrich đã bắn trúng một động cơ của máy bay Đức, đồng thời cũng vô hiệu hóa được tên bắn súng. Tuy nhiên, chiếc máy bay trinh sát vẫn không bay chệch hướng, mà ngoan cố bám theo tuyến đường sắt dẫn đến thành phố Leningrad.

Trong khi đó, súng máy trên chiếc MiG-3 ngừng bắn và Trung úy Alexey Katrich quyết định hạ gục chiếc Do 17 bằng cách lao vào máy bay địch. Anh tiếp cận máy bay trinh sát của Đức ở góc bên trái, làm hỏng sống và cánh đuôi của máy bay địch bằng cách va vào cánh quạt. Sau khi giảm tốc độ động cơ, Katrich bay chệnh một bên để không đâm vào cánh của chiếc Do 17. Chiếc máy bay địch bắt đầu lắc lư và chao đảo. Chỉ trong giây lát, phi công Đức cố gắng lấy lại thăng bằng cho máy bay, nhưng sau đó nó vẫn lao xuống đất gần thị trấn Zubov thuộc tỉnh Kalinin (nay là tỉnh Tver).

Trong khi đó, Trung úy Alexey Katrich trên chiếc máy bay với động cơ “rệu rã” đã đến được sân bay Migalovo ở ngoại ô thành phố Kalinin, nơi đóng quân của Trung đoàn Phòng không số 27 của anh.

Điều đáng nói là, mãi gần một tháng sau, ngày 5-9-1941, thông tin về chiến công của Katrich mới xuất hiện trong báo cáo của Cục Thông tin Liên Xô. Thông tin cho biết: “Phi công máy bay chiến đấu, Trung úy Katrich đã tấn công một chiếc máy bay ném bom Dornier-217 của quân phát xít đang bay ở độ cao lớn. Tên phát xít không thể chịu được cuộc tấn công của phi công Liên Xô và bắt đầu bay đi. Trong trận chiến, đồng chí Katrich đã sử dụng hết đạn. Viên phi công dũng cảm quyết định lao vào máy bay địch. Khi đã áp sát quân phát xít, đồng chí Katrich giáng một đòn từ máy bay của anh vào mạn trái của máy bay Đức. Chiếc Dornier rơi xuống đất. Phi công Katrich vẫn giữ được chiếc máy bay của mình và hạ cánh an toàn xuống sân bay phía ta”.

Nhiều năm sau, Alexey Katrich đã viết trong hồi ký của mình rằng, lý do anh quyết định lao vào máy bay địch hoàn toàn không phải vì sử dụng hết đạn, mà là vì súng máy bị kẹt. Bởi sau khi hạ cánh, anh phát hiện thấy đạn vẫn còn.

Máy bay tiêm kích tầm cao MiG-3 của Liên Xô. Ảnh: Oleg Knorring/RIA Novosti.

Ngày 12-9-1941, trong trận chiến bảo vệ thủ đô Moscow, Trung úy Alexey Katrich đã thực hiện một cuộc tấn công khác tương tự, tiêu diệt một máy bay chiến đấu của địch. Cũng như vụ đầu tiên, anh đã hạ cánh thành công xuống sân bay của mình.

Với những chiến công này, ngày 28-10-1941, Trung úy Alexey Katrich đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Ông kết thúc chiến tranh với quân hàm Thiếu tá và giữ chức Phó trung đoàn trưởng. Tổng cộng, ông đã có 14 lần bắn rơi máy bay địch.

Năm 1965, ông là một trong những người đầu tiên được phong tặng danh hiệu “Phi công quân sự ưu tú Liên Xô”.

Anh hùng phi công Alexey Katrich đã sống rất thọ với thời gian phục vụ trong Lực lượng không quân là 52 năm. Ông qua đời tại Moscow năm 2004 với quân hàm Đại tá không quân về hưu.

QUỐC KHÁNH (theo RG.ru)

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
MiG-3 không cho Do 17 của phát xít Đức chạy thoát trên tầng bình lưu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO