Microsoft chi 19,7 tỷ USD thâu tóm 'bộ não' của trợ lý ảo Siri

14/04/2021 09:13

Microsoft sẽ chi ra 19,7 tỷ USD để thâu tóm hãng công nghệ nhận diện giọng nói và trí tuệ nhân tạo Nuance, công ty phát triển "bộ não" cho trợ lý ảo Siri nổi tiếng của Apple.

Microsoft chi 19,7 tỷ USD thâu tóm bộ não của trợ lý ảo Siri - 1

Thâu tóm Nuance sẽ là thương vụ lớn thứ 2 trong lịch sử Microsoft.

Theo đó, Microsoft sẽ trả 56 USD cho một cổ phiếu của Nuance, cao hơn 23% so với mức giá cổ phiếu của công ty này khi thị trường chứng khoán đóng cửa vào thứ 6 tuần trước. Microsoft cũng sẽ chi trả những khoản nợ mà Nuance đang có.

Tổng chi phí Microsoft chi ra để thâu tóm Nuance sẽ lên đến 19,7 tỷ USD và đây là thương vụ lớn thứ 2 trong lịch sử của Microsoft. Thương vụ lớn nhất của "gã khổng lồ phần mềm" đó là khi hãng chi ra 26,2 tỷ USD để mua mạng xã hội chuyên gia LinkedIn vào năm 2016.

Hãng công nghệ Nuance, có trụ sở tại thành phố Burlington, bang Massachusetts, là công ty chuyên phát triển công nghệ nhận diện và phân tích giọng nói, được ứng dụng trong nhiều thiết bị như hệ thống GPS, smartphone và TV.

Sản phẩm nổi tiếng nhất của Nuance đó là phần mềm Dragon, sử dụng công nghệ học máy để nhận diện, phân tích giọng nói và tự động cải thiện độ chính xác theo thời gian nhờ vào trí tuệ nhân tạo. Nuance đã cấp phép công nghệ này cho nhiều dịch vụ và ứng dụng, trong đó nổi bật nhất là trợ lý ảo Siri của Apple. Có thể nói, Dragon như "bộ não" của trợ lý ảo Siri và Nuance chính là công ty đã xây dựng nên "bộ não" này.

Thương vụ thâu tóm Nuance sẽ giúp Microsoft củng cố sức mạnh trong cuộc đua phát triển công nghệ nhận diện giọng nói, vốn là lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong thời kỳ đại dịch bùng phát trên toàn cầu.

Với Microsoft, công ty hiện có khoảng 2/3 doanh thu từ bán phần mềm doanh nghiệp và điện toán đám mây, việc cải thiện công nghệ nhận diện giọng nói để phát triển các tính năng phiên âm, dịch thuật trực tiếp… rồi tích hợp vào các phần mềm doanh nghiệp là hết sức cần thiết. Chẳng hạn, Microsoft có thể tích hợp các công nghệ của Nuance vào phần mềm họp trực tuyến Teams, để mang đến những tính năng mới và hữu ích cho người dùng.

Tuy nhiên, Microsoft cho biết trọng tâm trước mắt đó là sử dụng các công nghệ của Nuance vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Trước đó, vào năm 2019, Microsoft và Nuance đã công bố "quan hệ đối tác chiến lược" để sử dụng phần mềm của Nuance nhằm số hóa hồ sơ sức khỏe cho khách hàng của Microsoft. Các công nghệ về y tế của Nuance, bao gồm nền tảng Dragon Medical One, phần mềm nhận diện giọng nói có thể phiên âm mọi điều bác sĩ nói trong quá trình khám lâm sàng, hiện đang được sử dụng bởi hơn nửa triệu bác sĩ trên toàn cầu và có mặt tại 77% bệnh viện ở Mỹ.

"Nuance là công ty tiên phong trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho doanh nghiệp trong thế giới thực", CEO Satya Nadella của Microsoft cho biết trong một thông cáo đưa ra. "Trí tuệ nhân tạo là ưu tiên quan trọng nhất của công nghệ và chăm sóc sức khỏe là một ứng dụng cấp thiết của nó. Cùng với đối tác của mình, chúng tôi sẽ đưa các giải pháp AI tiên tiến vào tay các chuyên gia trên khắp thế giới để thúc đẩy việc đưa ra quyết định tốt hơn và tạo ra các kết nối có ý nghĩa hơn".

Thương vụ giữa Microsoft và Nuance dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm nay. Sau khi thương vụ hoàn tất, Microsoft vẫn sẽ giữ nguyên vị trí ban lãnh đạo của Nuance như hiện nay.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Microsoft chi 19,7 tỷ USD thâu tóm 'bộ não' của trợ lý ảo Siri
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO