Luật Cảnh sát biển và quá trình lớn mạnh của lực lượng Cảnh sát biển

TS| 29/09/2021 09:20

Sau gần 3 năm đưa Luật Cảnh sát biển Việt Nam vào thực tiễn cuộc sóng, Luật Cảnh sát biển đã khẳng định cơ sở pháp lý vững chắc để Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự, an toàn, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển đảo của tổ quốc.

Với đường bờ biển dài hơn 3.260km, hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ cùng với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa rộng lớn, biển đảo đã mang lại nguồn lợi đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Tuy nhiên, đây cũng là mối nguy cơ của việc gia tăng tình hình vi phạm, tội phạm trên biển.

Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách tăng cường công tác trật tự, an ninh, an toàn, giữ vững chủ quyền các vùng biển, đảo của Tổ quốc, nhằm khai thác các nguồn lợi từ biển.

Có thể kể đến, Việt Nam đã chủ động tham gia Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (năm 1982), ban hành Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (năm 1998) và nhiều văn bản, chỉ thị khác. Qua 20 năm thực hiện Pháp lệnh, lực lượng Cảnh sát biển đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự trên biển, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Trước tình hình an ninh diễn biến hết sức phức tạp trên Biển Đông hiện nay, nhất là việc tranh chấp chủ quyền biển, đảo, buôn lậu, cướp biển, vi phạm lãnh hải trong khai thác thủy sản, hải sản,… và xu thế hội nhập quốc tế, đòi hỏi chúng ta phải có đạo luật cơ bản, tạo cơ sở pháp lý cho lực lượng Cảnh sát biển thực thi pháp luật trên biển, góp phần quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn trên các vùng biển Việt Nam.

Luật Cảnh sát biển và quá trình lớn mạnh của lực lượng Cảnh sát biển
Cán bộ chiến sĩ Vùng CSB1 quyết tâm bảo vệ vùng biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Theo đó, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành, địa phương liên quan đã tích cực nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Trung ương và ngày 19-11-2018, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Cảnh sát biển Việt Nam (có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2019). Đây là dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành, phát triển của lực lượng Cảnh sát biển nói riêng, ngành an ninh biển Việt Nam nói chung, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đấu tranh pháp lý trên biển.

Luật Cảnh sát biển Việt Nam gồm 08 chương, 41 điều với nhiều nội dung chi tiết; trong đó, trọng tâm Luật đã quy định “Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển”; Cảnh sát biển Việt Nam có 03 nhóm chức năng, 07 nhóm nhiệm vụ, 10 quyền hạn. Ngoài ra, Luật còn quy định về tổ chức lực lượng Cảnh sát biển; hoạt động và quy chế phối hợp hoạt động; công tác bảo đảm, các chế độ, chính sách; công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm của các ban, bộ, ngành, địa phương liên quan đối với Cảnh sát biển Việt Nam,...

Từ khi Luật Cảnh sát biển có hiệu lực, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động để đưa luật vào cuộc sống, với những nhiệm vụ trọng tâm, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho lực lượng Cảnh sát biển thực thi nhiệm vụ.

Nổi bật trong thời gian qua, lực lượng Cảnh sát biển đã tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát người, tàu thuyền, hàng hóa, hành lý trong vùng biển Việt Nam theo quy định của Luật Cảnh sát biển Việt Nam và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển. Đã trực tiếp tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và tham gia khắc phục sự cố môi trường biển.

Cảnh sát biển đã đẩy mạnh thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân, đem lại hiệu quả cao.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương lớn về định hướng chiến lược biển. Xác định mục tiêu, quản lý, bảo vệ biển, đảo Việt Nam là: Kiên quyết giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc trên biển; giữ vững ổn định chính trị trong nước, giữ vững môi trường hòa bình ổn định lâu dài là lợi ích cao nhất để xây dựng và phát triển đất nước.

Thượng tá Lê Huy, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, Luật Cảnh sát biển Việt Nam ra đời và có hiệu lực đã được chính quyền và nhân dân các địa phương ven biển rất quan tâm, thông qua các hình thức, biện pháp cụ thể, lực lượng Cảnh sát biển sẽ đưa những nội dung tinh thần của luật lan tỏa vào cuộc sống của nhân dân, góp phần thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh trật tự trên biển đỏa của tổ quốc.

“Để đưa Luật Cảnh sát biển Việt Nam vào cuộc sống, trực tiếp đi đến với bà con ngư dân đánh bắt trên biển thông qua các nội dung chúng tôi đã ký kết với địa phương, thông qua các buổi tuyên truyền tập trung ở các điểm cấp phường, cấp xã chúng tôi còn tổ chức tổ đội đi xuống các âu cảng, nơi tập trung đông người, phương tiện của ngư dân đánh bắt để tuyên truyền trực tiếp cho bà con, để bà con hiểu vị trí, vai trò chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam cũng như nắm được quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế trong quá trình đánh bắt trên biển. Nắm được các tần số liên lạc khi gạp nạn trên biển để phối hợp cùng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của tổ quốc”, Thượng tá Lê Huy nhấn mạnh.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Luật Cảnh sát biển và quá trình lớn mạnh của lực lượng Cảnh sát biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO