Liên tiếp phát hiện hàng tấn nội tạng động vật bẩn trên đường đi tiêu thụ

11/01/2023 13:41

Dịp cận Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, lực lượng chức năng liên tục phát hiện và bắt giữ hàng tấn nội tạng động vật đã bốc mùi hôi thối đang trên đường đi tiêu thụ.

Mới đây nhất, rạng sáng 9/1, cơ quan chức năng kiểm tra điểm tập kết hàng hóa trước cửa số nhà 158 Trần Quang Khải, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm. Thời điểm kiểm tra, lực lượng liên ngành phát hiện, thu giữ 1 tấn nầm lợn được cất giấu trong 35 bao tải, bên ngoài in chữ Trung Quốc. Dù đã được cấp đông nhưng những tảng nầm này đã chuyển màu đen, bốc mùi hôi thối.

Chủ hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan đến nguồn gốc số nội tạng động vật trên. Chủ hàng khai nhận, số nội tạng động vật này được thu mua trôi nổi từ nhiều nguồn trên thị trường, đang vận chuyển đi phân phối tại các chợ đầu mối, một số quán ăn trên địa bàn TP. Hà Nội thì bị phát hiện.

Gần 1 tấn nội tạng động vật bẩn trên đường vận chuyển vào Nam tiêu thụ bị bắt giữ tại Hà Tĩnh (Ảnh: Báo Công Thương)

Tại Hà Tĩnh, hồi đầu tháng 1, lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện gần 1 tấn nội tạng động vật đã chuyển màu, mùi hôi thối (chủ yếu là lòng, dạ dày bò) đang trên đường vận chuyển vào Nam tiêu thụ. Tại thời điểm kiểm tra, tài xế không xuất trình được các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc và giấy chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm của số nội tạng trên.

Trước đó ít ngày, cũng tại địa phương này, lực lượng liên ngành kiểm tra xe ô tô tải mang biển số 89C - 259.96 đang di chuyển theo chiều từ Bắc vào Nam thì phát hiện 3,12 tấn động vật đông lạnh (nội tạng, da, xương, mỡ bò) đã đổi màu và bốc mùi hôi thối. Số hàng hóa này không có bất cứ căn cứ nào để xác định nguồn gốc, xuất xứ.

Từ các vụ việc trên, có thể thấy, dịp cuối năm, lợi dụng nhu cầu của người dân đối với mặt hàng thực phẩm, vì lợi nhuận một số đối tượng gian thương đã đưa ra thị trường để tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm không đảm bảo chất lượng, không xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ hàng hóa. Vì vậy, người tiêu dùng nên lựa chọn những sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Pháp luật hiện hành đã có đầy đủ chế tài đối với tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm "bẩn". Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ quy định rõ hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có thể bị xử phạt hành chính đến 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức. Ngoài ra, Nghị định số 115/2018/NĐ-CP còn có các hình thức xử phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ 1 đến 6 tháng, đình chỉ hoạt động có thời hạn... Nếu vi phạm nghiêm trọng còn có thể bị xử lý hình sự theo Điều 317, Bộ luật Hình sự. 
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Liên tiếp phát hiện hàng tấn nội tạng động vật bẩn trên đường đi tiêu thụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO