Liên tiếp có người bị nhiễm độc thuốc, bác sĩ đưa ra cảnh báo này

Phương Linh| 01/04/2022 21:44

Sau thời gian dài uống thuốc đông y trị viêm gan và bổ thận, da anh Đ bị ngứa, thâm đen, bóng tróc tróc từng mảng.

Liên tiếp có người bị nhiễm độc thuốc

Anh N.V. Đ (quê Đắk Lắk) cho biết, trước đó có vấn đề về tiểu tiện nên mua thuốc bổ thận uống trong vòng 3 năm. Sau đó, anh có triệu chứng viêm gan nên mua thuốc đông y về uống.

Sau uống thuốc, da anh có triệu chứng ngứa rồi nổi lên từng lát nên đến Bệnh viện Chợ Rẫy khám.

Tại đây, anh được chẩn đoán bị nhiễm độc do sử dụng thuốc đông y kéo dài. Hiện anh đang được các y bác sĩ của bệnh viện điều trị bệnh.

ThS.BS Doãn Uyên Vy, phụ trách Phòng khám Chống độc, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết ngoài anh Đ thời gian qua bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến khám và điều trị do bị nhiễm độc khi sử dụng thuốc đông y, tây y kéo dài.

su-dung-thuoc-keo-dai(1).png
Hai tay và khắp người anh Đ da bong tróc, thâm đen. Ảnh: BSCC.

Các người bệnh trước đó đều mắc bệnh lý suy gan cấp, gan to, ứ mật gây vàng da vàng mắt, da nổi sần sùi, sạm da. Có người bị bị tiêu chảy kéo dài gây viêm ruột mạn tính, làm mất đạm qua ruột.

Có những ca nặng hơn, bị tổn thương nhiều cơ quan khác nhau cùng lúc, phải nhập viện trong tình trạng suy tim cấp, cơ tim giảm động, suy thận cấp, viêm gan cấp tính, lơ mơ, hôn mê. Với những tình huống ảnh hưởng quá nặng trên tim, hệ hô hấp, có thể dẫn đến tử vong.

Trước đó, những bệnh nhân này đều có tiền căn khỏe mạnh hoặc không có bệnh liên quan đến các vấn đề trên. Sau đó, họ đột ngột xuất hiện các triệu chứng rồi diễn tiến nặng dần lên.

Các bệnh nhân đi khám, điều trị ở nhiều nơi nhưng không tìm ra nguyên nhân và các triệu chứng không thuyên giảm.

Theo bác sĩ Vy, khi khám cho các bệnh nhân, các bác sĩ loại trừ các bệnh lý nội khoa thường gặp để tìm ra nguyên nhân. Theo đó, các bác sĩ kết luận, các bệnh nhân trên đều có sử dụng thuốc Đông y kéo dài với mục đích tăng cường sinh lý, bồi bổ sức khỏe, điều trị đau khớp hoặc ngăn ngừa đột quỵ.

Ngoài ra, cũng có người bệnh do sử dụng thuốc tây y lâu dài dẫn đến tác dụng phụ. Chẳng hạn là trường hợp của bệnh nhân uống thuốc giảm đau thông thường như Paracetamol liên tục trong 5 tháng.

Sau đó, bệnh nhân xuất hiện tình trạng rối loạn đông máu, dễ bầm máu ở da, chảy máu chân răng khi đánh răng. Theo bác sĩ Vy, đây chính là tác dụng phụ của Paracetamol khi sử dụng liên tục mỗi ngày dù là liều thấp, không phải là liều độc.

Hầu hết thuốc đông y chứa thạch tím, thủy ngân

Bác sĩ Vy cho biết trong 20 năm qua, đã có những bằng chứng của y văn thế giới ghi nhận, thuốc đông y có chứa các kim loại nặng, gây bệnh nhiễm độc nếu sử dụng thuốc kéo dài.

Vị bác sĩ lý giải, trong các sách đông y có những vị thuốc như hùng hoàng, chu sa dùng điều trị nhiều loại bệnh ngoài da, viêm nhiễm, sốt rét, an thần, chống co giật, mất ngủ, giang mai, trẻ con khóc đêm… Những vị thuốc này có nguồn gốc từ những cục đá, khoáng chất chứa thạch tín và thủy ngân.

Do thuốc đông y thường được tự pha chế thủ công, hoặc được đóng gói hiện đại nên liều lượng cũng thường không đồng đều ở các viên thuốc. Thậm chí, có những viên thuốc được bào chế chứa hàm lượng thạch tín, thủy ngân cao gấp 10 – 30 lần so với liều trong sách thuốc đông y hướng dẫn.

Người bệnh sử dụng những loại thuốc này lâu dài sẽ có nguy cơ bị bệnh nhiễm độc từ các kim loại nặng độc hại. Các kim loại này sẽ tích tụ dần dần, đến thời điểm biểu hiện triệu chứng đầy đủ và rõ bệnh nhân đã bị nhiễm độc ở mức trung bình. Khi bị nhiễm độc quá nặng có thể chuyển thành ngộ độc bán cấp và cấp tính, dẫn đến tử vong nhanh.

"Thuốc tây y hay thuốc đông y đều có những độc dược dùng để trị bệnh. Vì vậy, khi sử dụng phải đúng liều lượng cho phép, sử dụng trong thời gian rất ngắn và phải theo dõi sát tình trạng của bệnh nhân.

Việc bệnh nhân tùy tiện sử dụng và sử dụng trong thời gian dài sẽ dễ dẫn đến tình trạng tích tụ dần các chất độc trong mô, cơ quan, làm tổn thương các mô, cơ quan, hoặc gặp các tác dụng phụ của thuốc ở mức độ từ trung bình đến nặng. Đó chính là bệnh nhiễm độc do thuốc gây ra", bác sĩ Vy khuyến cáo.

Theo bác sĩ Vy, khi sử dụng bất cứ loại thuốc gì người bệnh cần có hướng dẫn của nhân viên y tế để được an toàn, tránh nhiễm độc thuốc.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Liên tiếp có người bị nhiễm độc thuốc, bác sĩ đưa ra cảnh báo này
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO