Làm sao giúp con không nói dối?

Thủy Nguyên| 26/09/2022 11:04

Có rất nhiều lý do để trẻ tìm cách nói dối và điều này không có gì là quá trầm trọng nếu cha mẹ biết cách can thiệp, uốn nắn trẻ kịp thời. Đừng dán nhãn, mặc định và thường xuyên kể xấu con nếu bạn muốn con từ bỏ thói xấu này.

Tá hỏa vì con nói dối

Đang đi công tác nước ngoài, vợ chồng anh Nhân (Q.10, TP. HCM) nhận được tin báo từ dì của bé: không đón được con gái, bé đã lên xe về nhà bạn rồi! Tá hỏa gọi lại cho cô giáo và dì của bé anh chị mới biết tan học, thay vì về với dì, bé nói với cô giáo ba mẹ đồng ý cho về nhà bạn và lên xe cùng về với bạn. Dì đến đón không thấy đâu nên hỏi cô và đang hớt hải đến nhà bạn tìm. Vội gọi điện cho mẹ của bạn bé, chị nói: “Cháu Quỳnh Anh nói ba mẹ đi công tác nên cho phép con qua chơi và ngủ lại với bạn Minh Thư do không có người đưa đón. Em không thấy anh chị báo trước nên cũng đang định gọi hỏi xem có phải không ạ?”. Đến lúc này anh chị chỉ muốn kêu trời với cô con gái 7 tuổi của mình, phần lo lắng đứng ngồi không yên, phần tức giận vì con tự tiện nói dối khiến bao người được phen nháo nhào.

how-to-teach-kids-to-stop-lying-960x1280.jpg
Ngay ở độ tuổi mầm non, các bé đã có thể biết nói dối với rất nhiều lý do hồn nhiên.

Nói dối ở độ tuổi mầm non, tiểu học như bé Quỳnh Anh, con gái anh Nhân, không phải trường hợp hiếm. Ngay từ khi ở tuổi mẫu giáo các bé đã có thể biết nói dối, lý do rất đơn giản và hồn nhiên, như có thể bé không muốn đi học thì nói dối là bị cô giáo đánh, không muốn ăn cơm thì nói con ăn no rồi… Lớn lên một chút, có thể vì sợ bố mẹ trách mắng vì bị điểm kém mà con nói dối là được điểm cao, hoặc cô chưa trả bài kiểm tra. Cũng có không ít trường hợp bé muốn làm điều mình thích nhưng sợ cha mẹ phản đối nên đã nói dối để đạt được mục đích.

Có rất nhiều lý do để các bé nói dối. Lý do lớn nhất là do bé chưa đủ nhận thức để phân biệt sự thật và cái không phải sự thật. Vì thế, ở tuổi mẫu giáo, bé có xu hướng nói dối do những điều tưởng tượng hơn là nhìn nhận vào thực tế. Có khi bé cố giấu tội lỗi vì biết chắc sẽ bị trừng phạt. Hoặc đơn giản như cái logic ngây thơ của bé, nói dối có thể để tránh những quy tắc không mấy dễ chịu từ cha mẹ, như bé bảo đã làm hết bài tập để được ra ngoài chơi. Lớn hơn một chút, bé ý thức được nói dối là không đúng nhưng vì quá muốn được thực hiện theo ý mình nên đã “tranh thủ”. Điều quan trọng, thay vì tức giận trút giận lên bé, cha mẹ cần làm gì để trẻ hiểu và không tự tiện nói dối nữa. Không cha mẹ nào muốn những đứa trẻ con mình sau này lớn lên sẽ thường xuyên lừa dối, không ai tin tưởng. Chính vì vậy, dạy con tránh xa thói nói dối là điều vô cùng quan trọng.

lying-to-children-haven-magazine.jpg
Thay vì trút giận lên con, cha mẹ hãy giúp bé hiểu và tránh xa thói quen nói dối.

Xử trí khi con nói dối

- Đừng cố hỏi bé lý do nếu bạn đã biết rõ câu trả lời: Thay vào đó, hãy tập trung vào cảm giác của bé, như: “Mẹ biết con nói dối vì sợ bị mẹ đánh. Nhưng nếu con nói thật thì mẹ hứa sẽ không đánh con”… Ngoài ra, bạn cũng có thể tạo cơ hội để cho bé sửa chữa; chẳng hạn, nếu bạn biết bé chưa hoàn thành bài tập, tránh hỏi: “Con chưa làm bài phải không? (vì có thể tạo điều kiện cho bé nói dối); thay vào đó, có thể nói: “Mẹ có cảm giác con chưa làm xong bài” sau đó, cho bé cơ hội để hoàn thành trách nhiệm: “Con cho mẹ kiểm tra bài tập. Nếu chưa xong thì con làm nốt đi”.

- Đừng bao giờ gọi con là “kẻ dối trá”: Những cách gọi tiêu cực thế này sẽ làm hỏng lòng từ trọng của bé và hướng bé tới những hành vi xấu hơn, dán nhãn cho con. Tương tự, cũng không cần thiết để thống kê lỗi lầm của con: “Đây là lần thứ 3 con nói dối. Lần nào cũng nói dối”. Trẻ sẽ tự mặc định nói dối là điều quá bình thường nếu cha mẹ lặp đi lặp lại việc đếm lỗi và dán nhãn cho con.

153232997-e0f0fdc4-bc9e-4be1-b0d6-fc6af398b7f5.jpg
Những cuộc trò chuyện nhẹ nhàng giúp bé tin tưởng và không nói dối cha mẹ.

- Nếu bạn biết con đang nói dối, cần chia sẻ với bé ngay lập tức: “Mẹ biết đó không phải sự thật. Có thể con nói dối vì sợ mẹ buồn nhưng đó không phải cách để giải quyết mọi chuyện. Con hãy nói thật cho mẹ nghe xem”.

- Hiểu cảm giác khó khăn của bé khi phải nói thật: Bé nói dối điểm số ở trường học có thể do đang chịu áp lực thành tích của cha mẹ. Hoặc bé liên tục nói dối do những quy tắc của bạn quá nặng nề. Nên nhớ, để chinh phục bé hay nói dối, bạn cần giảm thiểu tối đa những yếu tố gây stress cho con. Một khi nhận diện được lý do tiềm ẩn, bạn hãy khuyến khích con nói về lỗi lo lắng của chính bản thân mình: “Mẹ biết con rất mong được điểm cao nhưng con có khó khăn gì trong bài kiểm tra vừa rồi?”.

untitled-design-14.jpg
Những câu chuyện về chiếc mũi dài của Pinochio hay "Cậu bé chăn cừu" sẽ rất hữu ích với bé đấy!

- Dạy bé về tác hại của lời nói dối: Hãy nói với bé điều quan trọng của sự thành thật và cảm giác mất lòng tin của cha mẹ khi bé hay nói dối. Ngoài ra, có thể đọc cho bé nghe quyển sách mà đưa ra thông điệp rõ ràng rằng, nói dối sẽ gây họa cho bản thân mình và người xung quanh. Kể bé nghe về câu chuyện “Cậu bé chăn cừu”, chiếc mũi dài của Pinochio, nói với bé về những lo lắng buồn phiền của cha mẹ khi bé nói dối.

- Làm gương cho con: Các bé học tập thông qua việc bắt chước hành vi hơn là chỉ nghe mệnh lệnh của cha mẹ. Thật không tốt nếu có điện thoại của mẹ chồng, bạn lại nhờ người giúp việc nhắn: “Bảo tôi không có ở nhà”. Bằng cách này, bạn vô tình dạy cho con, nói dối là điều được chấp nhận. Cha mẹ là tấm gương phản chiếu hình ảnh tương lai con, bạn nhớ nhé!

- Cổ vũ sự thành thật: Luôn động viên khi con nói thật và khuyến khích: “Mẹ không buồn khi con kể lại chuyện làm vỡ cốc. Mẹ biết con không cố ý”. Nếu bé có một hành động thật thà, hãy tặng cho bé một miếng dán bé ngoan và một miếng dán bé hư dành cho ngày bé chưa nói thật. Hãy so sánh kết quả những miếng dán mà bé đã giành được. “Mẹ biết con điểm thấp nhưng không sao, mình cố gắng lần sau là được ha con!”.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Làm sao giúp con không nói dối?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO