Làm mới những sản phẩm ‘hồn thiêng quốc túy’ của dân tộc: Hơn một nửa gây tranh cãi trái chiều!

Tổng hợp,| 11/11/2021 17:40

Rất nhiều tác phẩm văn học trứ danh cũng như nhạc phẩm đậm chất Việt đã được đưa vào âm nhạc. Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công.

“Bánh trôi nước” – Hoàng Thùy Linh: Ca khúc khẳng định tư duy âm nhạc của Hoàng Thùy Linh

Nhắc đến một trong những ca khúc làm nên tên tuổi của Hoàng Thùy Linh, khó lòng bỏ qua “Bánh Trôi Nước”.

“Bánh trôi nước” vốn chỉ là một bài thơ vỏn vẹn 4 câu của bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Qua bàn tay phù phép của nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, bài thơ quen thuộc với nhiều người Việt Nam được phổ nhạc và khoác lên mình một chiếc áo mới. Chất giọng ma mị, bí ẩn của Hoàng Thùy Linh đã khiến ca khúc thành công vượt bậc.

“Huyền Thoại” – Phan Mạnh Quỳnh: Khẳng định tài năng của Phan Mạnh Quỳnh

MV "Huyền thoại" của Phan Mạnh Quỳnh được mở đầu bằng dòng chữ "Ái mộ và tưởng nhớ thi sĩ Hàn Mặc Tử". Chính vì vậy, cả âm nhạc lẫn hình ảnh trong đều xoay quanh một phần cuộc đời và sự nghiệp của nam thi sĩ "tài hoa bạc mệnh" này.

Ca khúc được trau chuốt về mặt câu từ, phần MV cũng được dàn dựng để làm nổi bật cuộc đời Hàn Mặc Tử đã khiến “Huyền Thoại” được công chúng nhớ tới như sản phẩm khẳng định tài năng của Phan Mạnh Quỳnh.

Album “Hoàng” – Hoàng Thùy Linh: Thành công vang dội nhưng vẫn gây tranh cãi

Album “Hoàng” của Hoàng Thùy Linh chính thức khẳng định tài năng của nữ nghệ sĩ trong việc đưa chất liệu văn hóa dân tộc đến gần hơn với khán giả đại chúng. Loạt bản hit “Để Mị Nói Cho Mà Nghe”, hay “Kẻ Cắp Gặp Bà Gìa” đều được lan truyền mạnh mẽ, thậm chí được biết đến tại thị trường quốc tế qua TikTok.

Tuy nhiên, Hoàng Thùy Linh cũng gặp tranh cãi khi ra mắt ca khúc “Tứ Phủ” nằm trong album này. “Tứ phủ” là dạng MV chưa từng có trên thị trường. Không nhiều nghệ sĩ dám đưa vấn đề tâm linh vào sản phẩm giải trí, do đó, cuộc chơi của Hoàng Thùy Linh là mạo hiểm. Bên cạnh đó, việc nhảy trên nền nhạc EDM cũng gây ý kiến trái chiều.

Album “Ở trọ” – Hà Lê: Sáng tạo hay phá vỡ đền đài nhạc Trịnh?

Nhạc Trịnh vốn lẽ đã rất quen thuộc với công chúng Việt Nam, chính vì thế, việc làm mới các sáng tác của Trịnh Công Sơn được xem là bước đi mạo hiểm của Hà Lê.

Ngay từ khi bắt đầu, Hà Lê đã gây tranh cãi mạnh mẽ. Tiêu biểu, ca khúc “Hạ Trắng” của Hà Lê đã khiến nhiều người sốc khi biến tấu nó mang âm hưởng hiphop đương đại.

Tuy nhiên, nhiều nhạc sĩ như Quốc Trung, Huy Tuấn, Võ Thiện Thanh, Phạm Hải Âu; các ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh - em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Bùi Lan Hương… đều dành lời khen ngợi cho sự sáng tạo, tâm huyết và nỗ lực của Hà Lê trong việc làm mới nhạc Trịnh qua album “Ở trọ”.

Cho đến thời điểm hiện tại, album “Ở trọ” của Hà Lê là sản phẩm sáng tạo hay phá vỡ đền đài nhạc Trịnh, có lẽ nằm ở sự cảm nhận của công chúng.

“Kiều Mệnh Khúc” – Bùi Lan Hương: Ca khúc chỉn chu về Kiều

“Kiều Mệnh Khúc” là một sản phẩm âm nhạc sử dụng chất liệu thơ được đầu tư chỉn chu từ nội dung ca từ đến phần âm nhạc với sự tìm hiểu rất sâu sắc cũng như sự kết hợp hài hoà của Nhạc sĩ Huy Tuấn (người đã từng rất thành công khi sáng tác ca khúc “Chờ người nơi ấy”- nhạc phim “Mỹ Nhân Kế”) và Nhạc sĩ- Nhà thơ- Nhà văn Mai Lâm (một Việt Kiều Đức).

Qua chất giọng của Bùi Lan Hương, sản phẩm này được xem là ca khúc đương đại hát về Kiều vô cùng gần gũi nhưng vẫn đậm chất nghệ thuật.

“Nam Quốc Sơn Hà” – Erik ft. Phương Mỹ Chi: Gây ý kiến trái chiều

“Nam quốc sơn hà” là một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt viết bằng văn ngôn không rõ tác giả, được coi là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam. Nó đã xuất hiện một lần nữa trong ca khúc “Nam quốc sơn hà” do Erik và Phương Mỹ Chi thể hiện.

Phản ứng của công chúng là trái chiều. Một số người cho rằng ca khúc không làm bật nên chất liệu dân tộc, cái hùng hồn của bài thơ “Nam Quốc Sơn hà”. Một số khác khẳng định đây được xem là cách đưa những sản phẩm văn hóa đến gần hơn với giới trẻ.

“Cô gái mở đường” – Han Sara: Bị chỉ trích kịch liệt

Mới đây, bản remake của ca khúc “Cô gái mở đường” do Han Sara thể hiện đã gây tranh cãi khi nữ nghệ sĩ mặc đồ phản cảm, ca từ không phù hợp với một nhạc phẩm cách mạng. Ngay lập tức, ekip chương trình phát sóng nhạc phẩm remake là “The Heroes” và Han Sara đã phải lên tiếng xin lỗi.

Kết

Bất kỳ sự sáng tạo nào lấy từ chất liệu dân tộc điều đáng được hoan nghênh. Tuy nhiên, nó cũng là thách thức tầm hiểu biếu của nghệ sĩ trong việc nắm bắt tinh thần lịch sử của bản gốc, vừa thể hiện được tính sáng tạo của âm nhạc đương đại. Khi không thực hiện được điều trên, sản phẩm remake từ chất liệu dân tộc khó lòng chạm đến khán giả nhiều thế hệ.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Làm mới những sản phẩm ‘hồn thiêng quốc túy’ của dân tộc: Hơn một nửa gây tranh cãi trái chiều!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO