Làm gì khi trẻ trong nhà “ghét” nhau?

Thủy Nguyên| 09/05/2022 12:03

Nhà đông con là niềm vui nhưng lại cũng là nỗi mệt mỏi của nhiều cha mẹ bởi phải thường xuyên đứng ra làm trọng tài cho các cuộc tranh cãi của trẻ.

Khi trẻ bảo “con ghét em”

Là mẹ của hai cô con gái 10 tuổi và 6 tuổi, chị Phương Lan lắc đầu ngao ngán vì những lần cãi vã giữa hai con. “Hai bé nhà tôi khá trái tính nhau. Cô chị trầm tính, cô em sôi nổi. Cả hai như mặt trăng - mặt trời. Hai chị em ngồi chơi với nhau được êm ấm khoảng chừng 15 phút là bắt đầu có chuyện. Không tranh giành cũng đủ lý do để cãi vã, khóc lóc rồi mách ba mách mẹ. Chuyện hai chị em cãi vã, thậm chí giật tóc, cào cấu nhau là thương xuyên. Đi đâu ba mẹ cũng phải tách riêng ra”, chị Lan chia sẻ.

kids-fighting-scaled.jpg
Những cuộc cãi vã ở trẻ khiến cha mẹ mệt mỏi vì làm trọng tài phân xử. Ảnh minh họa

Mặc dù cha mẹ đã khuyên nhủ đủ điều nhưng tính cách hai con vẫn vậy.  Hai chị em không nhìn nhau khi ăn, không chơi cùng nhau. Tối đi ngủ mẹ lựa lời hỏi riêng cô chị mới tâm sự: “Con ghét em! Em toàn giành giật của con”.

Chưa hết phiền não về tâm sự của cô chị, chị Lan lại hoảng hốt về suy nghĩ của cô em: “Con không cần chị! Từ giờ con không thèm nói chuyện với chị”.

Sự việc 2 con giận nhau đến 3 ngày khiến chị Lan “tá hỏa” bởi theo chị “mức độ thực sự nghiêm trọng, nếu không can thiệp kịp thời sợ sau này lớn lên các con vẫn giữ thái độ ghét bỏ xa cách nhau thì buồn lắm”.

Lo lắng của chị Lan cũng là tâm trạng chung của nhiều cha mẹ có con thường cãi vã, ghanh tị nhau. Cha mẹ nào cũng muốn các con lớn lên yêu thương, đùm bọc nhau, thế nhưng thực tế cho thấy không phải trẻ nào cũng có thể dễ dàng hòa hợp cùng anh chị em mình. Để trẻ yêu thương, gắn bó nhau, quá trình này cần sự dạy dỗ uốn nắn của cha mẹ trong một thời gian dài.

my_children_wont_stop_fighting.jpg
Những uốn nắn từ cha mẹ sẽ giúp các bé cải thiện tình trạng tranh cãi. Ảnh minh họa

Những chú ý khi giải quyết tranh cãi ở trẻ

Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai từng đưa ra lời khuyên cho các bậc cha mẹ phải chú ý đối xử thật công bằng giữa các con: “cháu nào ngoan thì khen, cháu nào chưa ngoan thì phê bình. Hình phạt có hiệu quả nhất khi cháu chưa ngoan là nói không chơi với cháu nữa. Không chơi, không nói, không vuốt ve, ra mặt nghiêm cho đến khi nào cháu chịu vâng lời mới thôi”.

Cha mẹ cần hoàn toàn nhất trí với nhau về cách dạy hai con, nếu để tình trạng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” thì không bao giờ thành công. Hãy tạo ra một không khí mới hơn, đó là thường xuyên sơ kết xem trong ngày bé nào ngoan và nhấn mạnh rằng, dù có bao nhiêu việc tốt mà hay cãi vã thì cũng không ngoan.

Ngoài ra chuyên gia cũng đưa lời khuyên các bậc cha mẹ nên cố gắng nêu gương cho các con: “Các cháu thường hay noi theo người lớn, nên nếu cha mẹ lúc nào cũng nói với nhau thật nhã nhặn và luôn thương yêu chăm sóc cho nhau thì các con cũng sẽ theo đó làm gương”.

handling-fights.jpg
Cha mẹ cần đối xử công bằng, thưởng - phạt rõ ràng và làm gương cho trẻ. Ảnh minh họa

Ngoài những chia sẻ, tư vấn của chuyên gia ở trên, các bậc cha mẹ cũng cần chú ý những điều sau khi giải quyết tranh cãi ở trẻ nhằm giúp trẻ biết nhường nhịn và yêu thương nhau hơn:

  • Can thiệp kịp thời: nhiều cha mẹ quá mệt mỏi vì những cuộc tranh cãi của trẻ nên chọn cách im lặng để trẻ tự giải quyết. Nếu bạn làm vậy, trẻ sẽ càng xung đột nhau nhiều hơn và không giải quyết được tình hình. Vì vậy, hãy can thiệp kịp thời.
  • Bình tĩnh: Khi con cãi vã và la ó, thậm chí khóc thét lên, hãy bình tĩnh xử lý bởi “nóng giận mất khôn”. Bạn đánh trẻ mà không giải thích cho trẻ hiểu thì cũng không mang lại hiệu quả gì.
  • Không thiên vị: Ngọn nguồn của việc cãi vã, tranh giành, ghét bỏ nhau có thể xuất phát từ nguyên nhân cha mẹ thiên vị. Có thể bạn không nghĩ đó là thiên lệch nhưng với trẻ, hãy tránh những tình huống khiến trẻ nghĩ cha mẹ không công bằng. Hãy đối xử đồng đều với các con một cách tâm lý và tạo cho trẻ sự an tâm.
  • Dạy con hòa giải: xảy ra xung đột, cha mẹ nên là người hòa giải và giúp trẻ hiểu rõ đúng sai, khen chê phân minh. Ai có lỗi sai phải phân tích và nói trẻ rút kinh nghiệm, không lặp lại.
  • Những chuyến đi gắn kết: Thường xuyên cho trẻ tham gia các chuyến đi cùng nhau cũng sẽ giúp tăng gắn kết giữa các con. Trẻ nhỏ thường hay cãi vã nhau nhưng cũng thích chơi cùng nhau. Những kỷ niệm vui bên nhau sẽ giúp các con gắn bó hơn khi trưởng thành.
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Làm gì khi trẻ trong nhà “ghét” nhau?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO