Lãi suất thấp, người gửi tiền ít, thu nhập nhân viên ngân hàng vẫn khủng

Võ Thanh Bình| 30/08/2021 13:30

Thị trường ngân hàng dường như đã tồn tại một bất hợp lý khi lãi suất thấp, người gửi tiền ít nhưng thu nhập nhân viên ngân hàng vẫn cao chót vót.

Lãi suất ngân hàng ngày càng giảm

Lãi suất tối đa chỉ 5,5%/năm được nhiều ngân hàng áp dụng đã khiến người dân không còn mặn mà với việc gửi tiền tiết kiệm so với các hình thức khác.

Thông tin mới nhất được một số ngân hàng áp dụng cho thấy, lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng đã giảm thêm 0,1 - 0,2%/năm. Cùng với đợt giảm lãi suất huy động trong tháng 7, tín hiệu này tiếp tục khiến người dân ít chọn hình thức này để tiết kiệm.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội SHB giảm lãi suất tiền đồng kỳ hạn 1 tháng xuống còn 3,5 - 3,6%/năm; 3 tháng còn 3,65 - 3,75%/năm; 6 tháng từ 5,3 - 5,4%/năm và 12 tháng từ 5,9 - 6%/năm.

lai-suat-thap-nguoi-gui-tien-it-thu-nhap-nhan-vien-ngan-hang-van-khung(1).jpg
Lãi suất huy động tiền đồng của ngân hàng đang không thu hút được người dân.

Trong khi đó, Vietcombank hiện đang áp dụng lãi suất 12 tháng 5,5%/năm, với kỳ hạn dài hơn chỉ 5,3%/năm. Các kỳ hạn nhỏ hơn 12 tháng dao động tối đa 4%, một con số được cho là khá thấp.

Techcombank trong khung lãi suất huy động mới cũng đã giảm so với trước. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm tiền đồng tại Techcombank kỳ hạn 1 tháng còn 2,3 - 3%/năm, tùy số tiền gửi; 3 tháng từ 2,5 - 3,2%/năm; 6 tháng từ 3,7 - 4,8%/năm và 12 tháng còn 4,2 - 5,3%/năm...

"Tôi thấy lãi suất tiết kiệm tiền đồng đã bị ngân hàng giảm mạnh, khoảng 1,5 - 2,5%/năm so với trước nên cũng đang phân vân nên rút ra hay gửi lại với khung mới", chị Hồng (Bình Thuận) cho biết khi số tiền tiết kiệm gần đến hạn rút.

Theo một chuyên gia tài chính, các Ngân hàng sẽ còn gặp khó trong việc huy động vốn từ khu vực dân cư bởi sẽ có nhiều người rút tiền để trang trải cuộc sống.

Đồng thời, một số người trong giai đoạn giãn cách ở nhà có thể chuyển tiền vào đầu tư chứng khoán. Trường hợp dịch được khống chế vào cuối tháng 9, huy động vốn dự báo sẽ lạc quan hơn, còn không sẽ tiếp tục suy giảm đến quý 4.

lai-suat-thap-nguoi-gui-tien-it-thu-nhap-nhan-vien-ngan-hang-van-khung-1.jpg
Nhiều ngân hàn đang gặp tình cảnh huy động khó, cho vay thấp.

Trong khi đó, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 6/2021, tiền gửi của dân cư đạt 5,29 triệu tỷ đồng, tăng 2,94% so với cuối năm ngoái. Trong những tháng đầu năm nay, tiền gửi của dân cư vào hệ thống Ngân hàng không có sự tăng trưởng đáng kể. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất của tiền gửi dân cư vào hệ thống Ngân hàng so với cùng kỳ những năm trước.

Lãnh đạo một số Ngân hàng thương mại nhìn nhận không chỉ mặt bằng lãi suất huy động thấp mà ngay cả với nhà băng, nguồn vốn huy động vào nhưng cho vay không dễ trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.

Bên cạnh đó, Ngân hàng cho biết cũng chịu sức ép phải giảm chi phí đầu vào để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nên không thể duy trì lãi suất huy động ở mức cao, đủ hấp dẫn người gửi tiền.

Thu nhập nhân viên ngân hàng vẫn cao chót vót dù huy động khó khăn


Trong bối cảnh cho vay ít, nguồn huy động giảm nhưng nhân sự ngành ngân hàng vẫn rất cao đang được cho là một tín hiệu bất ngờ.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, có 4 ngân hàng đứng top đầu về mức chi trả thu nhập cho nhân viên trên 30 triệu đồng/tháng. Trong đó, nhân viên Techcombank hưởng đãi ngộ cao nhất lên tới 44 triệu đồng/người/tháng.

Con số này, theo Techcombank chính là nhờ kết quả kinh doanh khả quan, lợi nhuận tăng trưởng vượt bậc bất chấp dịch bệnh trong 6 tháng đầu năm. So với nửa đầu năm 2020, mức thu nhập này của Techcombank đã tăng tới 8 triệu đồng với 2.996 tỷ đồng chi cho quỹ lương, phụ cấp và trợ cấp cho nhân viên. Số tiền này không bao gồm các khoản chi đóng BHYT, BHXH, hay chi đồng phục, đào tạo…

lai-suat-thap-nguoi-gui-tien-it-thu-nhap-nhan-vien-ngan-hang-van-khung-2.jpg
Ngân hàng được cho là khó khăn muôn phần nhưng thu nhập nhân viên vẫn rất cao so với thị trường.

Sau Techcombank là SHB, với mức chi trả thu nhập bình quân cho nhân viên lên tới 39,7 triệu đồng/người/tháng. Khoản chi này bao gồm cả các khoản đóng BHYT, BHXH, đào tạo, đồng phục…

Ngân hàng SHB mẹ hiện có khoảng 5.245 biên chế nhân sự, giảm 115 chỉ tiêu so với cùng kỳ năm 2020. Dù vậy, quỹ lương, thưởng và các chi phí khác cho nhân viên tại đây lại tăng 37%, đạt 1.248 tỷ đồng.

Ngoài ra, các ngân hàng khác có mức chi thu nhập bình quân nhân viên trên/dưới 30 triệu/tháng cho nhân viên có thể kể đến như ACB, Agribank, VietinBank, MSB, Sacombank, TPBank, VIB và VPBank.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng có mức thu nhập bình quân nhân viên dưới 20 triệu đồng/tháng như: ABBank, Saigonbank, PGBank, Kienlongbank, LienVietPostBank, NCB, BacABank, Vietcapital Bank.

Từ 1/9, Ngân hàng Nhà nước quy định mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng đồng Việt Nam là 0,5%/năm; đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0%/năm; đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng đồng Việt Nam là 0%/năm; đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0%/năm. Đây là lần đầu tiên sau nhiều tháng, Ngân hàng Nhà nước có chính sách điều chỉnh lãi suất cụ thể trên toàn hệ thống.

Trước đó, vào tháng 8/2020, Ngân hàng Nhà nước cũng có động thái giảm một số lãi suất, chủ yếu để giảm áp lực chi ngân sách. Đáng chú ý nhất khi ấy, Ngân hàng Nhà nước hạ 0,5% lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc.

Theo các chuyên gia, việc giảm lãi suất dự trữ bắt buộc mặc dù có ảnh hưởng tới nguồn lợi nhuận của các tổ chức tín dụng nhưng không đáng kể. Nguyên nhân là mức dự trữ bắt buộc của các ngân hàng hiện nay ở mức thấp, chỉ khoảng 3% đối với khoản tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 năm và 1% đối với khoản tiền gửi trên 1 năm.

Theo Tiền Phong.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Lãi suất thấp, người gửi tiền ít, thu nhập nhân viên ngân hàng vẫn khủng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO