Là F0 nhưng Cử nhân vật lý trị liệu vẫn miệt mài hồi sinh nhịp thở cho bệnh nhân COVID-19

Hà Văn Đạo| 14/09/2021 21:28

Cử nhân vật lý trị liệu Trương Văn Hiền không may trở thành F0 nhưng anh vẫn ngày đêm cùng các đồng nghiệp lấy lại nhịp thở cho những bệnh nhân COVID-19 nặng.

Y bác sĩ được tiếp sức ngay giữa tâm dịch khắc nghiệt TP.HCMY bác sĩ được tiếp sức ngay giữa tâm dịch khắc nghiệt TP.HCM

SKĐS - Được Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn hỏi thăm, động viên, các y, bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 12 (phường An Khánh, TP Thủ Đức) như được tiếp sức khi dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh đang phức tạp.

Từng ngày dốc sức chăm lo điều trị cho bệnh nhân COVID-19, cử nhân vật lý trị liệu Trương Văn Hiền không may trở thành F0. Cháy bỏng khát vọng hồi sinh nhịp thở cho bệnh nhân ở Bệnh viện Hồi sức bệnh nhân COVID-19 TP.HCM ( tại Thủ Đức), anh không cho phép mình được ngơi nghỉ.

Cử nhân Trương Văn Hiền chính là người đã cần mẫn hỗ trợ tập thở cho bệnh nhân 91 (là phi công người Anh từng mắc COVID-19 nặng tại Việt Nam vào năm 2020) ngay từ những ngày đầu bệnh nhân được chuyển từ Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM về Bệnh viện Chợ Rẫy. Song song với điều trị thì hỗ trợ thở, tập thở, tập vận động cho bệnh nhân COVID-19 có tác dụng giúp sự sống hồi phục nhanh nhất.

Buồn vui theo nhịp thở người bệnh

Trong cuộc chạy đua giành sự sống cho bệnh nhân COVID-19, việc tập thở, giúp mỗi người đi qua thời khắc nặng nhọc được ví như “chắp cánh cho sự hồi sinh”.

Giàu kinh nghiệm, làm công tác vật lý trị liệu nhiều năm ở Bệnh viện Chợ Rẫy nên khi biết mình trở thành F0 vào đầu tháng 9, lòng dạ cử nhân Trương Văn Hiền trở nên bồn chồn hơn vì anh biết ở những phòng bên cạnh nhiều bệnh nhân có hơi thở đang yếu ớt như ngọn đèn trước gió.

Cử nhân vật lý trị liệu thành F0 vẫn miệt mài hồi sinh nhịp thở cho bệnh nhân COVID-19 - Ảnh 2.

Cử nhân Hiền vừa tập vận động vừa an ủi, khích lệ người bệnh.

Sự thôi thúc ấy cứ trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ hơn nên anh Hiền đề đạt với cấp trên cho mình hàng ngày hướng dẫn bệnh nhân tập thở, tập vận động. Mong muốn nhọc nhằn mà đáng trân trọng của cử nhân Hiền được chấp thuận.

Từng ngày, từng giờ gắn buồn chia vui, rồi đong đầy hạnh phúc theo nhịp thở của người bệnh, cử nhân Hiền chia sẻ: Lúc đầu mới biết mình là F0 cũng có chút lo lắng. Nhưng điều ấy được xua tan nhanh chóng. Khi chưa nhiễm COVID-19 đã cận kề bên giường bệnh dìu đỡ từng thân thể yếu, nâng từng bàn chân... giờ đã là F0 rồi vẫn thế. Thậm chí còn tự tin hơn, bám sát từng người, vừa lo tập thở vừa an ủi, vỗ về.

“Gạt mọi lo âu, bật dậy đi chỉ dẫn, chăm sóc vật lý trị liệu cho bệnh nhân với tôi còn là muốn vơi bớt nỗi vất vả cho đồng nghiệp. Vì thực tế nhu cầu được tập vật lý trị liệu của bệnh nhân COVID-19 là rất nhiều. Trong khi lực lượng vật lý trị liệu từ Bệnh viện Chợ Rẫy cử sang đây chỉ có 3 người kèm theo mấy sinh viên của Đại học Hồng Bàng. Mình nhiễm nhưng không có triệu chứng lại là người ham việc, ham vận động, nếu chỉ nằm cách ly thì phí quá” - Anh Hiền tâm sự.

Công việc của cử nhân Hiền được áp dụng cho nhiều bệnh nhân khác nhau như: Hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân thở máy; hỗ trợ tập thở cho bệnh nhân phải thở oxy dòng cao; thở oxy bình thường…

Miệt mài chắp cánh hồi sinh những lá phổi

Coi người bệnh như ruột thịt của mình, cử nhân Hiền dường như cảm nhận được mọi nỗi lo, sự mệt mỏi của bệnh nhân. Anh bảo: Bệnh này gắn chặt với các lá phổi, khi bệnh nhân kêu khó thở là cảm nhận được ngay đang ở mức độ nào để có phương pháp tập ngồi lên, nằm xuống hoặc hít mạnh, thở sâu… Từ đó giúp ngăn chặn bệnh chuyển biến xấu, nhanh chóng hồi phục. Có những trường hợp từ tập VLTL đã ngăn được thở máy, đưa ra thở oxy ít ngày đã có thể xuất viện.

Chứng kiến những giờ làm việc với cử nhân Hiền mới thấy sự tất bật và những nỗ lực gấp 2-3 lần bình thường của nhân viên y tế. Vừa nâng niu đôi chân, nhịp nhàng tập cử động các khớp tay cho người này xong thì lại đôn đáo chạy đến với bệnh nhân khác.

Cử nhân vật lý trị liệu thành F0 vẫn miệt mài hồi sinh nhịp thở cho bệnh nhân COVID-19 - Ảnh 3.

Theo anh Hiền, kỹ thuật ép nén cũng giúp cứu nhiều lá phổi của bệnh nhân.

Anh Hiền bộc bạch: Việc làm này còn “thổi” vào tinh thần người bệnh sự lạc quan khi họ có thể tự vận động được. Tập vật lý trị liệu ngăn chặn rất hiệu quả sự biến chứng nặng của phổi, tránh sự đông cứng của lá phổi. Mục đích cao nhất là giúp bệnh nhân tự thở được. Đưa bệnh nhân từ nằm im đến tự vận động.

“Kinh nghiệm của tôi cho thấy khi bệnh nhân đã phải thở máy, phổi đông đặc rồi thì nó rất xơ cứng. Cơ liên sườn cũng cứng theo. Nhiệm vụ của người tập vật lý trị liệu là làm mềm phổi, xoa bóp bên ngoài làm cho các cơ quanh phổi, vai được mềm ra. Sau đó dùng kỹ thuật nén ép để gia tăng nhanh sự lưu thông của phổi, giúp ngăn ngừa phải thở máy, cứu lại những lá phổi”, anh Hiền nói.

Có bao nhiêu bệnh nhân đã chuyển nhẹ, xuất viện gửi lại những lời chào ấm áp, đó như là món quà tinh thần cổ vũ thêm cho anh Hiền cùng các đồng nghiệp khác của mình tiếp tục hăng say, miệt mài hơn với công việc đã lựa chọn, gắn bó. Các bệnh nhân có lá phổi đã “tươi mềm” trở lại, có thể đi đứng, thở khí trời chia sẻ: Cùng với các y bác sĩ khác, cử nhân Hiền kéo bao thân phận trở lại với cuộc sống bình thường mới”.

Xem thêm video đang được quan tâm


Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Là F0 nhưng Cử nhân vật lý trị liệu vẫn miệt mài hồi sinh nhịp thở cho bệnh nhân COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO