Kỷ nguyên của bà Pelosi đã kết thúc

04/01/2023 15:40

Bà Nancy Pelosi, người phụ nữ đầu tiên trở thành chủ tịch Hạ viện Mỹ, đã để lại di sản mà những người kế nhiệm bà khó có thể sánh bằng.

Nancy Pelosi anh 1

Với một tổng thống được lòng dân trong Nhà Trắng và các thành viên đảng Dân chủ chiếm đa số trong Quốc hội, vào năm 2009, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thúc đẩy việc thông qua biện pháp chống biến đổi khí hậu, bất chấp cảnh báo về phản ứng chính trị dữ dội.

“Chúng tôi đã thông qua luật chuyển đổi đưa chúng ta hướng đến tương lai”, bà Pelosi vui mừng nói sau khi Hạ viện Mỹ thông qua luật cắt giảm khí thải.

Thế nhưng, đó dường như là một tính toán sai lầm. Đảng Dân chủ đã bị đè bẹp trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2010 bởi sự phản đối của công chúng đối với dự luật khí hậu, cùng dự luật chăm sóc sức khỏe đã được ký thành luật.

Bất chấp điều đó, bà Pelosi từ chối bỏ cuộc và bước sang một bên.

Bà vẫn là người đứng đầu đảng Dân chủ ở Hạ viện và trở lại vào năm 2019 với tư cách là một vị chủ tịch Hạ viện thực tế hơn - người đã học hỏi từ cả thất bại và thành công của mình. Trong quá trình này, bà ghi dấu ấn là người phụ nữ quyền lực nhất trong nền chính trị Mỹ cho đến nay.

Dù vậy, kỷ nguyên Pelosi ở Washington kết thúc vào trưa 3/1 (theo giờ địa phương) khi đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Hạ viện.

Bà Pelosi cuối cùng rút lui về làm một thành viên bình thường và khẳng định không có ý định trở thành “bà mẹ chồng” thích can thiệp hay đưa ra lời khuyên không mong muốn.

Nhưng sự đóng góp của bà về vấn đề khí hậu, chăm sóc sức khỏe, công trình công cộng và luật pháp xã hội vẫn sẽ được cảm nhận trong nhiều năm.

Theo New York Times, ban lãnh đạo mới của cả hai đảng sẽ thấy khó khăn khi cố gắng bắt kịp với thành tích và tầm ảnh hưởng chính trị của bà.

Bà Pelosi, nữ chủ tịch Hạ viện đầu tiên, đã vạch ra một con đường độc nhất.

Nancy Pelosi anh 2
Người phụ nữ đầu tiên trở thành chủ tịch Hạ viện Mỹ để lại di sản mà những người kế nhiệm bà khó có thể sánh bằng. Ảnh: AP.

Thành tựu

Bà Nancy Pelosi tuyên bố từ chức lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện, kết thúc nhiệm kỳ làm nên lịch sử và mở đường cho sự thay đổi thế hệ trong ban lãnh đạo Quốc hội của đảng bà, theo Bloomberg.

“Lịch sử sẽ ghi nhận bà ấy là chủ tịch Hạ viện quan trọng nhất trong lịch sử của chúng ta", Tổng thống Joe Biden tuyên bố.

"Bà đầm thép" được nhớ đến với thành tựu lập pháp từ việc mở rộng quy mô chăm sóc sức khỏe, đến huy động hàng trăm tỷ USD để chống biến đổi khí hậu, Washington Post đưa tin.

Thời gian lãnh đạo của bà bị xen kẽ bởi cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 và cuộc bạo loạn ở Điện Capitol ngày 6/1/2021. Hai sự kiện quan trọng được xem như bài kiểm tra năng lực dành cho bà, nhưng cũng cho thấy sự sẵn sàng vượt lên trên những khác biệt chính trị vào thời điểm khủng hoảng.

Khoảng thời gian giữa nhiệm kỳ được đánh dấu bằng cuộc chiến ở Iraq mà bà phản đối, cuộc khủng hoảng tài chính mà bà giúp kiềm chế, sự trỗi dậy của phong trào Tiệc trà khiến bà thất thế, nhiệm kỳ tổng thống Trump mà bà đấu tranh bằng hai cuộc luận tội, đại dịch ném cả nước vào thế hỗn loạn, và cuối cùng là nỗ lực lập pháp thắng lợi trong hai năm đầu nhiệm kỳ của ông Biden.

Khi Hạ viện Mỹ phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu nguy hiểm về gói cứu trợ ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế bấp bênh vào tháng 9/2008, bà Pelosi đã kêu gọi thông qua luật, đồng thời tấn công chính sách kinh tế của đảng Cộng hòa, xem nó như nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng.

Một số đảng viên Cộng hòa đã viện dẫn giọng điệu công kích của bà như cái cớ để phản đối gói cứu trợ - kết quả khiến thị trường tài chính quay cuồng khi dự luật bị bác bỏ.

Bà Pelosi sau đó dẫn dắt chính quyền Bush cùng các thành viên của cả hai đảng trong Quốc hội tập hợp lại và tìm ra lối thoát để thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế.

Vai trò của bà đã được ghi nhận lại trong một khoảnh khắc nổi tiếng ở Cánh Tây của Nhà Trắng, khi cựu Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson quỳ xuống cầu xin sự giúp đỡ của bà.

Nancy Pelosi anh 3
Bức chân dung của bà Pelosi được công bố vào tháng 12. Ảnh: New York Times.

Bà Pelosi coi việc Đạo luật Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền được thông qua năm 2010 là thành tựu lớn nhất của mình - một thành tựu đã đòi hỏi tất cả kỹ năng lập pháp mà bà có.

Nếu không có bà Pelosi, việc thông qua đạo luật này có thể đã không bao giờ thành hiện thực.

“Không có gì trong những năm tôi ở đó (Hạ viện) có thể so sánh với Đạo luật chăm sóc sức khoẻ hợp túi tiền. Nó giúp mở rộng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho thêm hàng chục triệu người Mỹ, 150 triệu gia đình được cung cấp những lợi ích tốt hơn, chi phí thấp hơn và vấn đề bệnh tật trước đó không còn gây rủi ro cho việc tiếp cận”, bà Pelosi nói.

Dù vậy, đó là chiến thắng đầy “tốn kém” khi bà Pelosi trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công chính trị gay gắt. Trong suốt sự nghiệp chính trị, bà Pelosi thường xuyên chịu sự phỉ báng của các đảng viên Cộng hòa và là một trong những thành viên Quốc hội bị đe dọa nhiều nhất.

Mối quan hệ không mấy tốt đẹp với ông Trump

Đảng Dân chủ sau đó thất bại trong cuộc bầu cử và trở thành phe thiểu số tại Hạ viện. Nhờ đó, đảng Cộng hòa có thể cản trở hoạt động trong những năm cuối cùng của chính quyền Tổng thống Barack Obama, trước khi Nhà Trắng được chuyển giao cho ông Donald Trump.

Mặc dù gặp khó khăn trong việc trở lại làm chủ tịch Hạ viện sau khi đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát phòng họp vào năm 2018, bà Pelosi đã củng cố quyền lực một lần nữa, nhờ sự phản kháng quyết liệt và công khai đối với ông Trump.

Những tương tác mang tính thù địch giữa họ thường thu hút sự chú của giới truyền thông, đặc biệt là khoảnh khắc bà vỗ tay mỉa mai hướng về phía ông Trump, khi cựu tổng thống đọc thông điệp liên bang năm 2019.

Một năm sau đó, quyết định xé bản sao bài phát biểu thông điệp liên bang ngay khi ông Trump vừa đọc xong thậm chí trở thành một hình ảnh mang tính biểu tượng.

Nancy Pelosi anh 4
Bà Pelosi có mối quan hệ không mấy thân thiện với cựu Tổng thống Donald Trump. Ảnh: New York Times.

“Ông ấy nói dối trên từng trang giấy”, bà Pelosi nói trong cuộc phỏng vấn gần đây, giải thích về quyết định xé giấy. Bà cho biết bà cảm thấy bài phát biểu đó thiếu tôn trọng Hạ viện, đặc biệt là sau khi ông Trump nhân cơ hội này bày tỏ vinh dự đối với Rush Limbaugh, người mà bà Pelosi gọi là “côn đồ”.

“Đừng đến đây với những thứ tồi tệ và lời nói tồi tẹ”, bà Pelosi nói, mô tả suy nghĩ của mình vào thời điểm đó.

Trong lần thứ hai trở thành chủ tịch Hạ viện, thách thức bà phải đối mặt đến từ cánh tả, khi các thành viên đảng Dân chủ trẻ hơn thấy bà Pelosi do dự trong việc thúc đẩy giới hạn lập pháp.

Họ đưa ra Thỏa thuận xanh mới, một kế hoạch môi trường mở rộng mà bà Pelosi đã có lúc coi chỉ là “giấc mơ xanh”.

Tại buổi tiếp gây quỹ vào tháng 10/2022 ở Detroit, bà Pelosi nói với nhà tài trợ rằng mặc dù bà đánh giá cao sự nhiệt tình của các thành viên mới, nhưng đó không phải là “thông điệp chiến thắng”.

Trong những tháng cuối cùng với tư cách là chủ tịch Hạ viện, bà Pelosi đã giám sát việc ban hành một loạt dự luật lưỡng đảng.

Đó là luật chống biến đổi khí hậu lớn nhất từng được ban hành, dự luật an toàn súng đạn quan trọng nhất trong 3 thập kỷ, dự luật thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn, các điều khoản mới để giảm chi phí thuốc men cho người Mỹ lớn tuổi và gói chi tiêu khổng lồ bao gồm viện trợ cho Ukraine.

Khi chỉ còn vài ngày nữa là rời khỏi chiếc ghế chủ tịch Hạ viện, bà Pelosi vẫn giáng đòn cuối cùng vào ông Trump. Ủy ban điều tra cuộc bạo loạn ngày 6/1/2021 do bà thành lập đã khuyến nghị Bộ Tư pháp Mỹ điều tra cựu tổng thống về 4 tội danh hình sự.

Ủy ban này cũng công bố hàng loạt lời khai cho thấy quyết tâm của ông Trump trong việc lật ngược kết quả cuộc bầu cử năm 2020.

Ngay sau đó, Ủy ban Tài chính và Thuế vụ do đảng Dân chủ lãnh đạo đã công bố các tờ khai thuế thu nhập mà ông Trump đã cố gắng giữ bí mật.

New York Times nhận định bà Nancy Pelosi đã thực thi quyền lực cho đến phút cuối cùng.

    Bài liên quan
    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Kỷ nguyên của bà Pelosi đã kết thúc
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO