KỲ ÁN: Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư mưu sát vợ chấn động dư luận (P3)

04/09/2021 10:20

Trước thông tin cơ quan điều tra biết việc mình xin 3 gram thạch tín, Vưu Hữu Chánh - Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư phản ứng bất ngờ.

Để hợp pháp hóa 3 gram thạch tín đã xin được ở Đại học Y Hà Nội, Vưu Hữu Chánh - Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư đã tìm cách nhờ bạn bè đang công tác ở các bệnh viện nhằm có đủ 1/2 lít dung dịch liqueur fowler.

Cùng với đó, Chánh bày ra thủ đoạn cấp thuốc trên giấy tờ, nhưng thực tế hoàn toàn không phát liqueur fowler cho người bệnh.

Chánh tin rằng, bằng những cách thức tinh vi, hoàn hảo đó sẽ đánh lừa được lực lượng công an, nhưng không ngờ tất cả đều được giải mã sau đó…

Kế hoạch hoàn hảo

Sau khi nắm bắt được rõ việc thạch tín chế ra được liqueur fowler, Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an - cho rằng, rất có thể bác sĩ Chánh đến nhiều bệnh viện là có liên quan đến loại dung dịch này.

Vì vậy, ông đã trực tiếp đến gặp lãnh đạo của các đơn vị y tế, những nơi mà bác sĩ Chánh đã đến xin liqueur fowler…

Người đầu tiên tướng Phòng gặp là bác sĩ Trịnh Kim Ảnh - Giám đốc Bệnh viện Việt Xô lúc đó. Bác sĩ Ảnh cho biết, Vưu Hữu Chánh có đến gặp và nói chuyện rằng muốn xin liqueur fowler về để tiến hành điều trị cho các bệnh nhân.

Bác sĩ Chánh nói rằng, do trong kho dược liệu tại bệnh viện đã hết nên muốn xin liqueur fowler để về giải quyết việc cứu người trước mắt.

Hơn nữa việc bào chế, sử dụng bị kiểm soát hết sức kỹ lưỡng nên bác sĩ Chánh không quên dặn bác sĩ Ảnh là cố gắng giữ kín mọi thông tin đến việc xin liqueur fowler…

Chánh còn đến nhiều nơi nữa, nhưng vẫn không đủ. Do thiếu dung dịch liqueur fowler nên Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư khi ấy nghĩ ra cách là kê đơn thuốc cho bệnh nhân có thành phần dung dịch này, rồi thu lại số liqueur fowler mà bệnh nhân được phát.

Hắn chỉ chọn bệnh nhân tỉnh xa như vùng Cao Bằng, Lạng Sơn… nhằm gây khó cho việc điều tra.

Lập tức, trinh sát được chia ra các hướng, đi tới những tỉnh như Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai với mục đích thu thập các đơn thuốc mà bác sĩ Chánh đã kê cho bệnh nhân, trong đó có thành phần của liqueur fowler.

Kết quả cho thấy, khi gặp các bệnh nhân, tất cả mọi người đều khẳng định rằng, bác sĩ Chánh có kê liqueur fowler nhưng sau đó đã thu hồi lại với lý do không cần phải sử dụng loại thuốc này nữa.

Để mọi người không thắc mắc, bác sĩ còn nói riêng liqueur fowler được phát miễn phí không thu tiền, vì vậy không có ai phàn nàn gì về việc này… Sự tinh vi, quỷ quyệt của Chánh khiến lực lượng điều tra gặp không ít khó khăn trong quá trình phá án.

KỲ ÁN: Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư mưu sát vợ chấn động dư luận (P3)-1
Vưu Hữu Chánh cất công đi xin liqueur fowler ở nhiều bệnh viện nhằm qua mắt cơ quan điều tra. (Ảnh minh họa: IT)

Đích thân Bộ trưởng Công an chỉ đạo

Một số tình tiết đã dần hé mở, tất cả các thông tin và các bằng chứng, hồ sơ về một vụ án giết người được xây dựng lên khá công phu, với nghi phạm số một là bác sĩ Vưu Hữu Chánh.

Do vụ án liên quan đến vị bác sĩ đầu ngành của Bộ Y tế, bản thân Chánh cũng rất có uy tín trong xã hội nên vụ việc được báo cáo lên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Quốc Hoàn. Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn quyết định để Phòng Bảo vệ y tế trực tiếp điều tra vụ án.

Vụ việc cũng được báo cáo sang Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Viện trưởng lúc đó là ông Hoàng Quốc Việt đã ký quyết định khởi tố vụ án.

Tuy nhiên, do Chánh là một Giám đốc bệnh viện tuyến trung ương, việc điều tra có sự nhạy cảm nên ông Phòng đã sang trực tiếp Bộ Y tế gặp Bộ trưởng lúc đó là ông Phạm Ngọc Thạch để báo cáo. Trong buổi họp kín thành phần gồm có Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch, Thứ trưởng Đinh Thị Cẩn - nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng và Thứ trưởng Vũ Văn Cẩn - lúc đó còn kiêm chức Cục trưởng Cục Quân y.

Vì là một bác sĩ khá có tiếng tăm, nếu như đúng, thông tin Chánh giết vợ đến tai người dân sẽ phần nào làm giảm uy tín ngành y Việt Nam lúc đó. Nhưng mặt khác, pháp luật cũng không thể cho phép một kẻ phạm tội giết người có thể thoát tội được.

Bằng những tài liệu quan trọng, ông Phòng đã thuyết phục được các lãnh đạo Bộ Y tế chấp thuận cho điều tra vụ án. Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch đã yêu cầu phải bí mật và Phòng Bảo vệ y tế của ông Phòng phải trực tiếp thụ lý. Bên cạnh đó, hai vị thứ trưởng ngành y tế còn khẳng định sẽ giúp đỡ công tác điều tra nếu như có liên quan đến vấn đề chuyên môn.

Cuộc khai quật tử thi trong đêm

Ban chuyên án xác định, yếu tố căn bản của vụ án này là phải chứng minh được trong người y tá Mai (vợ bác sĩ Chánh, tên nhân vật đã được thay đổi) có chất asen, điều đó đồng nghĩa với việc phải khai quật tử thi nạn nhân.

Ngặt nỗi, từ sau khi vợ mất, Chánh liên tục xuống thăm mộ. Dù công việc có bận rộn đến mấy thì cứ 2-3 ngày Chánh lại ra mộ vợ thắp hương để tỏ ra rất đau đớn.

Nhưng tất cả các việc làm đó chỉ là cái vỏ bọc, thực chất Chánh ra mộ vợ nhiều là để giám sát xem cơ quan điều tra có tiến hành khai quật hay không.

Nếu như việc khai quật được tiến hành chắc chắn Chánh sẽ phát hiện ra và lúc đó việc điều tra càng trở nên rắc rối. Công tác điều tra dần bị rơi vào tình trạng bế tắc khi không thể tìm cách khai quật tử thi một cách bí mật khiến cho Chánh không hề biết…

Ông Phòng đã bàn với Thứ trưởng Bộ Y tế Đinh Thị Cẩn về việc sẽ điều Chánh đi công tác trong 5 ngày - khoảng thời gian vừa đủ để công tác khai quật tử thi cũng như xử lý khu vực khai quật hoàn thành.

Cơ hội đã đến khi Bệnh viện tỉnh Quảng Ninh mở một hội nghị về y khoa. Vưu Hữu Chánh được Thứ trưởng Cẩn yêu cầu theo cùng bà xuống Quảng Ninh dự hội nghị.

KỲ ÁN: Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư mưu sát vợ chấn động dư luận (P3)-2
Bằng kế "điệu hổ ly sơn", công tác khai quật tử thi y tá Mai được tiến hành. (Ảnh minh họa: IT)

Sau khi Chánh xuống Quảng Ninh, kèm theo đó là Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã quyết định cho phép khai quật tử thi, ông Phòng sang bàn với Thứ trưởng Vũ Văn Cẩn về công tác khai quật và khám nghiệm tử thi của y tá Mai.

Với tình trạng tử thi đã được gần 100 ngày, công tác khai quật và xét nghiệm gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, lúc đó Thứ trưởng Cẩn đã điều một đại úy quân y, là một trong những chuyên gia khám nghiệm tử thi về giúp ông Phòng.

Trong một buổi đêm của những ngày đầu năm 1962, sau khi đã có sự nhất trí của lãnh đạo Nghĩa trang Văn Điển, công tác khai quật, khám nghiệm được tiến hành. Một đội chuyện đào huyệt đã được huy động để giúp lực lượng công an tiến hành khai quật. Tại buổi khai quật đó còn có đại diện Bộ Công an, Viện Kiểm sát và Bộ Y tế.

Tất cả các mẫu phẩm như tóc, móng tay, lục phủ ngũ tạng, não bộ… của y tá Mai cho đến đất ở trên nắp ván thiên cũng như hai bên thành rồi cả nước trong quan tài cũng đều được lấy làm mẫu vật xét nghiệm.

Các mẫu phẩm đều được đánh mã số X-715 và có chú thích cụ thể. Khi niêm phong mỗi bình mẫu vật, để đảm bảo tính an toàn và minh bạch, đại diện của các cơ quan có mặt ở đó đều phải ký tên mình lên đó.

Để Chánh không nghi ngờ, sau khi các công việc lấy mẫu phẩm xong xuôi, lực lượng chôn cất của Nghĩa trang Văn Điển đã chuẩn bị sẵn những ô cỏ đã xanh tốt sau đó đắp lên mộ và cẩn thận ghép lại giống mộ còn nguyên vẹn như lúc chưa khai quật.

Bất an trong lòng, 5 ngày sau khi đi công tác trở về, ngay trong buổi chiều cùng ngày, bác sĩ Chánh đã lập tức đạp xe xuống Nghĩa trang Văn Điển để thăm mộ vợ…

(Còn nữa...)

Kỳ cuối: Bi kịch trong vỏ bọc hoàn hảo

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
KỲ ÁN: Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư mưu sát vợ chấn động dư luận (P3)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO