Giới nhà đầu tư chứng khoán 'trầy trật' tìm lại... tiền đã mất

30/01/2021 07:57

Tuy thị trường đã có phiên hồi phục mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần, thế nhưng mức tăng của VN-Index là chưa đủ để nhà đầu tư có thể gỡ gạc được những gì đã đánh mất trong đợt giảm khủng khiếp.

Phiên cuối tuần ngày 29/1 đã có những phút đầu giao dịch đầy gay cấn khiến nhà đầu tư "rụng tim" khi hàng loạt cổ phiếu trên thị trường bất ngờ đo sàn hàng loạt. VN-Index có lúc thủng 1.000 điểm, về vùng 998 điểm rồi được "giải cứu" bởi lực bắt đáy cực khủng.

Chỉ số sau đó đã có nhịp bật cực kỳ ấn tượng, đỉnh điểm vào lúc 11h15 VN-Index đã tiệm cận mốc 1.080 điểm. Tuy nhiên, quá trình hồi phục sau những phiên "sập" mạnh của thị trường không phải hoàn toàn thuận lợi.

Với việc giải tỏa áp lực margin, VN-Index đã có một số thời điểm bị chùng xuống. Hơn nữa, ở đợt khớp lệnh giá đóng cửa (ATC), nhịp rơi nhẹ của chỉ số từ 1.068 điểm xuống sát 1.057 điểm cũng đã phần nào khiến các nhà đầu tư "lạnh gáy".

Nguyên nhân của nhịp giảm cuối phiên này được một số chuyên gia trong ngành lý giải là áp lực bán nhằm cơ cấu lại danh mục cổ phiếu của quỹ ETF nội.

Đóng cửa, chỉ số chính lấy lại 32,67 điểm tương ứng 3,19% lên 1.056,61 điểm. Mức tăng này là đáng ghi nhận, dù vậy chưa thể giúp nhà đầu tư đã lấy lại được những gì đã đánh mất mà cần phải một đến vài phiên tới nhằm xác định xu hướng hồi phục của thị trường.

Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index cũng có diễn biến thuận lợi khi tăng 11,17 điểm tương ứng 5,5% lên 214,21 điểm; UPCoM-Index tăng 2,96 điểm tương ứng 4,28% lên 72,08 điểm.

Giới nhà đầu tư chứng khoán trầy trật tìm lại... tiền đã mất - 1

Cảnh trái ngược trong rổ VN30 trong phiên 29/1 so với ngày 28/1

Thanh khoản thị trường khá tốt nhưng đã có dấu hiệu chững lại. Điều này cho thấy, việc tăng điểm mạnh của thị trường ở phiên này chủ yếu do áp lực bán đã không nhiều trong khi nhà đầu tư nắm giữ tiền mặt có phần thận trọng.

Sàn HSX ghi nhận có 797,38 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng giá trị giao dịch 17.830 tỷ đồng; HNX có 162,91 triệu cổ phiếu tương ứng 1.728,67 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là 101,88 triệu cổ phiếu tương ứng 751,93 tỷ đồng.

Nếu như ở phiên 28/1, thị trường chứng kiến cảnh chen chân bán tháo bằng mọi giá thì đến phiên này, số lượng mã giảm chỉ còn 243 mã, có 72 mã giảm sàn. Số mã tăng giá áp đảo hoàn toàn với 756 mã và có 131 mã tăng trần.

Trong phiên 28/1, nhà đầu tư hoảng loạn tháo chạy khiến cổ phiếu bluechips trong rổ VN30 nằm sàn hàng loạt thì đến phiên 29/1, những cổ phiếu này lại là động lực giúp thị trường tăng giá trở lại.

FPT, VHM, VNM, PNJ đồng loạt tăng trần, VIC tăng 6,9%, MWG tăng 6,8%; NVL tăng 5,8%, REE tăng 5,6%; STB tăng 5,3%; MBB tăng 4,9%; HPG tăng 4,4%; BID tăng 3,8%...

Như vậy, nếu những nhà đầu tư đã kịp mua cổ phiếu tăng trần ở mức giá đỏ lúc đầu phiên thì cuối phiên sẽ lãi "khủng". Song cũng cần lưu ý nhà đầu tư rằng, nếu mua mới những mã này thì vẫn còn thử thách T+3, thị trường cần xác nhận xu hướng tăng cho đến phiên thứ 4 tuần tới thì  mới có thể hiện thực hóa được lợi nhuận.

Ở chiều ngược lại, SAB, EIB và ROS lại giảm kịch sàn, SBT giảm 2,2%, POW giảm nhẹ 0,4%. Tại SAB, EIB và ROS đều trắng bên mua, riêng ROS dư bán sàn còn tới gần 40 triệu cổ phiếu. Theo đó, SAB, EIB và ROS bị các quỹ sử dụng benchmark VN30 loại khỏi danh mục.

Nhìn chung, một phiên hồi phục trở lại của thị trường đã giúp nhà đầu tư tạm gác lại những nỗi lo thị trường có "biến". Tuy vậy, thiệt hại khó đo đếm nổi của nhà đầu tư lại vẫn hiện hữu, không thể bù đắp trong ngày một ngày hai.

"Toàn bộ số tiền kiếm được trong năm 2020 của tôi đã thành mây khói. Tiền đầu tư là mồ hôi nước mắt, nay lỗ một đồng cũng thật xót xa, Tết bỗng dưng kém vui hẳn" - chị Nguyễn Thanh Tâm, một nhà đầu tư ở Hà Nội trải lòng.

Trong khi đó, một số chuyên gia trong nghề đánh giá rằng, việc nhà đầu tư hưng phấn trở lại có phần tốt cho thị trường nhưng cũng đối diện với rủi ro. Bởi khi nhà đầu tư cố mua đuổi giá "xanh" ở những phiên phục hồi, việc bị kẹt lại trong "bẫy" T+3 là khó tránh.

Một thông tin đáng chú ý là ở phiên này, khối ngoại (chủ yếu là nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư lớn) đã đẩy mạnh mua ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị hơn 1.110 tỷ đồng. Trong đó, trên HSX, khối nhà đầu tư này mua ròng phiên thứ 3 liên tiếp với giá trị 1.102 tỷ đồng. Riêng MWG được mua ròng tới 802 tỷ đồng, kế đến là VHM, CTG, STB, NVL…

Mai Chi

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Giới nhà đầu tư chứng khoán 'trầy trật' tìm lại... tiền đã mất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO