Bộ Xây dựng tham mưu Thủ tướng chỉ đạo xử nghiêm đầu cơ thổi giá đất

18/03/2021 10:56

Bộ Xây dựng sẽ tham mưu Thủ tướng chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát thị trường bất động sản (BĐS), kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng lợi dụng thông tin để làm giá, đẩy giá BĐS thu lợi bất chính.

Bảng giá đất tăng chưa phải là nguyên nhân chính tăng giá nhà đất

Đánh giá về thị trường BĐS năm 2020 và 2 tháng đầu năm 2021, Cục Quản lý nhà và  thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, giá BĐS vẫn tăng. Trong đó, có những khu vực, dự án giá tăng trên 10% so với thời điểm đầu năm 2020.

Đáng lưu ý, trước việc tăng giá trên, có ý kiến cho rằng các địa phương ban hành bảng giá đất mới tăng hơn so với trước đây cũng là nguyên nhân làm tăng giá BĐS đặc biệt là BĐS nhà ở, gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh BĐS cũng như cơ hội có chỗ ở cho người thu nhập thấp.

Bộ Xây dựng tham mưu Thủ tướng chỉ đạo xử nghiêm đầu cơ thổi giá đất
Việc các địa phương ban hành bảng giá đất mới tăng hơn so với trước đây chưa phải là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng tăng giá nhà đất

Tuy nhiên, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS cho rằng, đối với một dự án BĐS thì chi phí về đất là một trong những chi phí đầu vào quan trọng ảnh hưởng đến giá thành đầu ra của dự án. Nhưng cơ cấu, tỷ trọng chi phí về đất trong giá thành BĐS rất khác nhau đối với mỗi dự án. Bình quân, tại các khu vực đô thị tiền sử dụng đất chiếm khoảng trên dưới 10% giá thành căn hộ nhà chung cư; trên dưới 20-30% giá thành nhà liền kề thấp tầng; trên dưới 50% giá thành biệt thự (ở các khu vực ngoại thành, nông thôn với giá đất rất rẻ thì tỷ lệ này thấp hơn; ở các khu vực trung tâm đô thị với giá đất rất cao thì tiền sử dụng đất lại là chi phí chủ yếu trong giá thành).

Có thể thấy, vừa qua, các địa phương đã có Quyết định ban hành hệ số điều chỉnh giá đất áp dụng trong năm 2021 để áp dụng thực hiện. Theo đó, giá đất được các địa phương ban hành có mức tăng bình quân khoảng 15-20% so với bảng giá đất giai đoạn 5 năm trước.

“Như vậy, trường hợp chi phí về đất của một dự án bất động sản được căn cứ trực tiếp từ giá đất trong bảng giá đất được ban hành thì việc tăng giá đất khoảng 15-20% của các địa phương cũng chỉ làm tăng giá thành BĐS nhà ở khoảng 1,5-5%” – đại diện Cục Quản lý nhà và  thị trường BĐS cho biết.

Còn đối với các dự án BĐS thực hiện thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì chi phí về đất của dự án chịu tác động bởi giá đất của thị trường (lúc đó việc điều chỉnh bảng giá đất của địa phương chỉ có tác động gián tiếp).

Bộ Xây dựng tham mưu Thủ tướng chỉ đạo xử nghiêm đầu cơ thổi giá đất
Cơn sốt đất bùng lên tại Hớn Quảng xì hơi chỉ sau khoảng 10 ngày 

Mặt khác, việc áp dụng khung giá đất, bảng giá đất mới tại các địa phương chưa lâu (sớm nhất là từ thời điểm 01/01/2020); các dự án được hoàn thành và có sản phẩm chào bán ra thị trường trong năm 2020 chủ yếu là dự án thực hiện và áp dụng giá đất theo khung giá, bảng giá đất trước đó.

“Do vậy, việc các địa phương ban hành bảng giá đất mới tăng hơn so với trước đây chưa phải là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng tăng giá nhà ở, đất ở của các dự án tại các địa phương trong năm 2020 và thời gian qua. Tuy nhiên, việc tăng giá đất cũng vẫn có phần tác động làm tăng giá bất động sản trong thời gian tới đặc biệt là giá nhà đất của người dân tại các khu vực hiện hữu” - Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS khẳng định.

Có hiện tượng giới đầu cơ lợi dụng “thổi giá” đất

Nhìn nhận từ thực tế trong việc tăng giá nhà đất thời gian qua, đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS đánh giá hiện tượng tăng giá bất động sản tại các địa phương có nhiều nguyên nhân khác nhau như: khi dân số tăng, kinh tế phát triển, công nghiệp hóa – đô thị hóa nhưng nguồn cung chưa kịp đáp ứng dẫn đến lệch pha cung cầu; do chuyển dịch dòng vốn đầu tư để đảm bảo an toàn khi các kênh đầu tư khác gặp khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh;…

Bên cạnh đó, cũng theo Cục Quản lý còn do giới đầu cơ BĐS lợi dụng các yếu tố như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị...gây nhiễu loạn thông tin để "thổi giá" nhằm thu lợi bất chính...

Bộ Xây dựng tham mưu Thủ tướng chỉ đạo xử nghiêm đầu cơ thổi giá đất
Chỉ từ thông tin doanh nghiệp đề nghị xây dựng 2 khu đô thị những lô đất xanh cỏ nhiều năm tại Quan Giai, xã Đồng Trúc trước đây chỉ 5 - 8 triệu/m2 sau vài ngày đã được đẩy lên đến 12 - 15 triệu, thậm chí 18 - 21 triệu/m2
Ngoài ra, giá cả thị trường nguyên, nhiên, vật liệu và chi phí đầu vào dự án bất động sản tăng cũng là nguyên nhân khiến giá thành sản phẩm bất động sản tăng theo.

Ghi nhận thị trường thời gian qua cho thấy, trên nhiều phân khúc chung cư, đất nền, thổ cư… ở khắp các tỉnh thành trên cả nước đều tăng giá. Đặc biệt, thị trường chứng kiến có những khu vực giá đất tăng dựng đứng tạo ra cơn sốt đất bất chấp tình hình dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, những cơn sốt đất này đều chỉ diễn ra chóng vánh trong vòng một tuần đến 10 ngày.

Có thể thấy từ cơn sốt đất diễn ra tại xã Bình Ba (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vào tháng 2/2020, sau khi có thông tin một tập đoàn lớn đề xuất thực hiện dự án quy mô hơn 800ha, cũng chỉ kéo dài khoảng 2 tuần.

Tương tự tại xã Đồng Trúc (Thạch Thất, Hà Nội), vào tháng 3/2020 cũng chứng kiến cơn sốt đất trong khoảng 10 ngày với thông tin về Tập đoàn Vingroup đề nghị xây dựng 2 khu đô thị tại địa phương này.

Hay mới đây, một bộ phận người dân truyền tai nhau về việc sắp quy hoạch đất tại địa phương để xây sân bay Téc-Ních với diện thích 500ha tại xã An Khương, Tân Lợi huyện Hớn Quản (Bình Phước) thổi bùng lên cơn sốt đất cục bộ cũng khoảng 10 ngày tại đây.

Bộ Xây dựng tham mưu Thủ tướng chỉ đạo xử nghiêm đầu cơ thổi giá đất
Theo chuyên gia BĐS, việc người dân chỉ tập trung vào hưởng lợi từ việc lên giá đất mà không chú trọng đến việc tăng giá trị thặng dư từ lao động sản xuất sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế (Ảnh: Giới "cò" đất hoạt động rầm rộ tại xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào tháng 2/2020)

Đặc điểm những cơn sốt đất “chết yểu” trên là đều ăn theo các thông tin chưa rõ ràng về các đề xuất xây dựng dự án hạ tầng quan trọng như sân bay, cao tốc, hay các đại đô thị của các doanh nghiệp lớn đang có kế hoạch triển khai. Thông qua lực lượng "cò đất" hùng hậu, giá đất được đẩy lên cao chóng mặt. Giao dịch chủ yếu là lướt cọc, sang tay chứ không có giao dịch thật bởi những người này không có nhu cầu sử dụng đất.

Theo Bộ Xây dựng để quản lý, ổn định thị trường BĐS trong năm 2021 và giai đoạn tới Bộ đã và đang tích cực nghiên cứu xây dựng, trình Chính phủ nhiều cơ chế, chính sách nhằm giảm thiểu sự mất cân đối trong cơ cấu sản phẩm hàng hóa thị trường BĐS, tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu thật của thị trường.

Được biết, Bộ đã trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/NĐ-CP về phát triển, quản lý nhà ở xã hội.

Trong năm 2021, Bộ sẽ nghiên cứu trình Quốc hội, Chính phủ nhiều cơ chế, chính sách trong lĩnh vực nhà ở và thị trường BĐS. Đồng thời nghiên cứu xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp (căn hộ chung cư có quy mô dưới 70m2, giá bán không vượt quá 20 triệu đồng/m2) để trình Chính phủ xem xét ban hành.

Cùng với đó, Bộ Xây dựng cũng cho biết, Bộ sẽ tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát thị trường BĐS, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng lợi dụng thông tin (quy hoạch, nâng cấp đơn vị hành chính, chủ trương đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật lớn đặc biệt là về hệ thống đường giao thông,…) để làm giá, đẩy giá bất động sản lên cao nhằm thu lợi bất chính.

Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch Công ty TAT Law firm, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, những hành vi thổi giá lên cao thu lợi hàng trăm, nghìn tỷ đồng rõ ràng là hành vi xâm phạm nghiêm trọng tới quá trình quản lý thị trường BĐS, xâm phạm tới lợi ích của người dân.

“Đây là hành vi phạm tội, phải đưa vào chế tài hình sự, tức là hình sự hóa hành vi này. Việc chỉ ra, nhận biết được hành vi nguy hiểm cho xã hội thì cần phải đưa vào Bộ luật Hình sự ngay để đảm bảo tính kịp thời, điều chỉnh các mối quan hệ bất bình thường trong xã hội. Đây là điều chúng ta nên làm ngay, làm sớm chỉ có như vậy mới đảm bảo được đời sống và quyền lợi của người dân”, luật sư Tú nhấn mạnh.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bộ Xây dựng tham mưu Thủ tướng chỉ đạo xử nghiêm đầu cơ thổi giá đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO