Kiểm tra, đánh giá với học sinh là F0 thế nào cho công bằng?

MINH AN (t/h)| 16/03/2022 16:00

Học sinh là F0 tăng nhanh mỗi ngày đòi hỏi việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập định kỳ và giữa kỳ theo hướng giảm tải.

Theo quy định hiện nay, học sinh thuộc diện F0 phải cách ly tối thiểu 7 ngày tại nhà (F1 là 5 ngày), nếu test lại âm tính mới được quay trở lại trường học trực tiếp. Điều này kéo theo hệ lụy là các em thiếu nhiều bài kiểm tra ở trường.

Khi đi học lại, học sinh vừa phải kiểm tra bù môn học bị thiếu vừa phải chuẩn bị kiểm tra tập trung theo kế hoạch của nhà trường. Điều này tạo ra áp lực thi cử rất lớn với học sinh bị nhiễm COVID-19.

a-kiem-tra.jpeg
Học sinh bị thiếu bài kiểm tra nên phải làm bù

Ở khối THPT cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Nhiều em chưa hoàn thành bài kiểm tra định kỳ đã phải chuẩn bị kiểm tra giữa kỳ 2 theo kế hoạch của nhà trường. Đáng nói là quy định số bài kiểm tra thường xuyên ở THPT rất nhiều. Chẳng hạn ngữ văn và toán có đến 4 cột điểm.

Đó là chưa kể chỉ còn khoảng hơn 2 tháng nữa kết thúc năm học nhưng các trường học ở Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác đang đối diện với việc học sinh là F0 tăng lên nhanh chóng.

Theo ông Nguyễn Văn Hậu - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh (Hà Nội) cho biết, huyện có khoảng 60.000 học sinh các cấp, trong đó khoảng 15.000 học sinh là F0, F1. Riêng F0 gần 7.000 em. Hiện chỉ còn 6 trường THCS có dịch ở mức độ 1-2 được dạy học trực tiếp; 14 trường dạy trực tuyến.

Về kế hoạch kiểm tra, đánh giá học sinh giữa kỳ sắp tới, Phòng GD-ĐT yêu cầu các trường học chủ động, trong đó khối tiểu học sẽ phải kiểm tra trực tuyến (nếu học sinh chưa được đến trường). Riêng học sinh lớp 7-9 sẽ cố gắng tối đa để kiểm tra trực tiếp trên lớp nhằm đảm bảo chất lượng.

“Có thể sẽ phải kiểm tra 2-3 đợt vì học sinh F0, F1 nghỉ và đi học rải rác, cố gắng thực hiện đánh giá trực tiếp cho tất cả học sinh. Việc này ngoài mục đích nắm bắt kiến thức học sinh đạt được còn nhằm đảm bảo công bằng cho các em”, ông Hậu nói.

Để giảm bớt áp lực cho học sinh F0, nhà trường và giáo viên cần linh hoạt sắp xếp thời gian kiểm tra hợp lý hơn, không nên quá dày đặc, liên tục. Kéo dài thời gian hoàn tất điểm số, tổng kết.

Ngoài ra, các chuyên gia giáo dục cũng cho rằng nên đa dạng hơn trong các bài làm, sản phẩm của học sinh nhằm giảm tải nội dung kiểm tra, chỉ kiểm tra những kiến thức trọng tâm, cơ bản, tránh ôm đồm. Chủ động giảm bớt các cột điểm kiểm tra thường xuyên trong học kỳ và cũng nên có kế hoạch ôn tập nhẹ nhàng trước khi các em làm bài.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Kiểm tra, đánh giá với học sinh là F0 thế nào cho công bằng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO