Không gian văn hóa 'đáng tiền' từ nhà máy hoang phế

13/11/2022 11:10

TP - Vòng vèo qua mấy ngã rẽ vào một ngách nhỏ trên phố Tây Sơn (Hà Nội), nhiều người kinh ngạc vì bỗng gặp một không gian được giới trẻ gọi là “amazing” (vượt xa tầm mong đợi). Còn bất ngờ hơn, là không gian này vốn được tái thiết trên nền một xưởng in cũ đang chờ được đập bỏ.

Nhà máy cũ, giá trị mới

Trong số rất nhiều nghệ sĩ và người trẻ tham dự triển lãm “Thách thức Sáng tạo” ở Complex 01 (29, ngách 32, ngõ 167 Tây Sơn) vừa rồi, tôi bị thu hút bởi một người đàn ông có vẻ ngoài chất phác và khá lạc lõng. Ông dường như không mấy quan tâm đến những tác phẩm được trưng bày, chỉ tha thẩn đi dọc không gian, đôi khi dừng lại ngắm nghía, chạm vào những bức tường, tay vịn cầu thang... với một vẻ chăm chú giống như xuyên qua đó ông nhìn thấy một không gian khác, khung cảnh khác.

Không gian văn hóa 'đáng tiền' từ nhà máy hoang phế ảnh 1
Không gian văn hóa 'đáng tiền' từ nhà máy hoang phế ảnh 2
Không gian Complex 01 trước và sau khi tái thiết

“Bố tôi ngày xưa làm công nhân in ở đây. Nhà tôi ở đầu ngõ bên kia. Thuở nhỏ, tôi đi mòn chân ở khu này, ngõ ngách nào cũng biết. Về sau bố mất, cả nhà tôi chuyển về quê mẹ ở Phú Yên. Tôi đã về lại đây hai lần. Lần trước nghe nói nhà máy sắp bị đập bỏ. Lần này nghe hàng xóm cũ bảo đã thay da đổi thịt. Đúng là con cái chúng ta giỏi thật. Không ngờ người ta làm được một nơi đẹp như thế này trên nền cái nhà máy cũ ấy”. Ông Nguyễn Văn Tùng (75 tuổi) cho biết.

Khách đến Complex 01 bây giờ đa số là người trẻ. Không nhiều người trong số họ hình dung được, trước khi có hình dạng “chất chơi” như bây giờ, nó chỉ là một nhà máy in bị bỏ hoang. Sau khi được cải tạo, biến đổi công năng, địa điểm này trở thành một tổ hợp văn hóa, sáng tạo mà các cẩm nang du lịch xếp vào danh sách “phải đến” ở Hà Nội.

Một địa chỉ khác, cũng được hồi sinh trên nền nhà máy cũ là 282 Workshop (156 Phú Viên, Bồ Đề, Long Biên). Tiền thân của 282 Workshop là nhà máy mũ cối có từ những năm 70 của thế kỷ trước. Anh Hoa Tuấn Khang, kiến trúc sư chính thiết kế 282 Workshop cho biết: “Từ một không gian chết do nhà máy cũ đã chuyển đi, chúng tôi chuyển nó thành một sân chơi sáng tạo cộng đồng; đưa không gian xanh vào, tạo khoảng thở giữa một rừng bê tông. Sự chuyển đổi này không chỉ nhận được ủng hộ của các nghệ sĩ, mà dân cư xung quanh cũng rất thích thú”.

Complex 01 và 282 Workshop chỉ là hai ví dụ cho việc tái thiết không gian công nghiệp của Hà Nội. Trong vòng 5 năm tới, Thủ đô đang có kế hoạch di dời 9 cơ sở công nghiệp cũ gồm: Cty In báo Nhân Dân Hà Nội; Cty TNHH một thành viên In báo Hà Nội mới; Nhà máy Bia Hà Nội - Tổng Cty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội; Cty TNHH một thành viên Thuốc lá Thăng Long; Cty TNHH một thành viên In và Thương mại Thông tấn xã Việt Nam; Nhà máy xe lửa Gia Lâm - Cty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội; Tổng kho xăng dầu Đức Giang; Cty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Nông nghiệp; Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam.

Thực tế, mặc dù được đánh giá cao về giá trị văn hóa, lịch sử, các nhà máy này vẫn thường gắn với hình ảnh cũ nát, tồi tàn, ô nhiễm do việc sử dụng công nghệ lạc hậu, một số thì bị bỏ hoang trong thời gian dài.

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 130 về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp trong nội thành Hà Nội. Theo đó, các quỹ đất này được “ưu tiên phát triển, xây dựng các công trình công cộng, cây xanh...; không làm tăng chất thải cho khu vực nội thành; không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch”.

Làm gì với các di sản cũ?

Trong khuôn khổ chuỗi hội thảo “Tái thiết Di sản Công nghiệp 2022” do Viện Pháp tại Việt Nam và Viện Goethe khởi xướng và tổ chức, TS.KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định: “Hà Nội đang có chính sách di chuyển các nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô. Vấn đề đặt ra là chúng ta sẽ làm gì với hệ thống nhà xưởng, máy móc cũ kỹ còn lại. Đây là vấn đề vẫn đang gây tranh cãi. Nhiều người rất ngại việc chuyển đổi sẽ làm mất đi cơ hội đầu tư phát triển sinh lời như xây chung cư, nhà ở thương mại. Tuy nhiên, với cách nhìn nhận từ lãnh đạo đến giới chuyên môn, cùng với mong muốn của cộng đồng, việc giữ lại nhà máy cũ và chuyển đổi thành các không gian sáng tạo là phù hợp xu thế quốc tế và tiến trình phát triển bền vững của Hà Nội”.

Trên thực tế, tại Việt Nam, có rất nhiều cơ sở, nhà máy sản xuất công nghiệp ghi dấu nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, xã hội không thể tái tạo, nhưng lại chưa có bất kỳ một công trình nào được công nhận là di sản công nghiệp. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều công trình bị xóa sổ không còn dấu vết trong sự tiếc nuối của nhiều chuyên gia di sản, kiến trúc như: Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo (Hà Nội), nhà máy Dệt 8-3 (Hà Nội), nhà máy Dệt Nam Định (Nam Định), Nhà máy đóng tàu Ba Son (TP.HCM)…

Bà Phạm Thị Lan Anh, đại diện Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, cho biết: “Ở Việt Nam hiện nay, di sản công nghiệp vẫn là khái niệm mới. Đối với các nội dung tái thiết và phát triển di sản công nghiệp thành phố chưa có nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên thành phố rất quan tâm và hi vọng rằng di sản công nghiệp sẽ trở thành 1 phần di sản đô thị, di sản văn hóa của Hà Nội”.

Ông Nguyễn Bùi Vũ, đồng sáng lập Complex 01 chia sẻ: “Những nhà máy cũ đáp ứng được quy mô về diện tích cũng như cơ sở hạ tầng sẵn có thể chuyển đổi sang mô hình tổ hợp để tối ưu hóa chi phí xây dựng, đầu tư. Bên cạnh đó, việc tái tổ chức không gian nhà máy cũng có những ưu thế đặc biệt như không gian vượt khẩu độ lớn, hình thái kiến trúc đặc trưng, có nhiều điểm thú vị nếu được thiết kế lại phù hợp với những hoạt động sáng tạo, nghệ thuật, giải trí”.

Không gian văn hóa 'đáng tiền' từ nhà máy hoang phế ảnh 3
Một góc không gian mới của 282 Workshop

Về phía châu Âu, Đại diện Ban lãnh đạo, Ủy ban Quốc tế về Bảo tồn Di sản Công nghiệp (TICCIH) - Giáo sư Helmuth Albrecht kiến nghị cho Việt Nam: “Di sản công nghiệp không chỉ có giá trị và ý nghĩa với riêng thành phố nơi chúng hiện diện, mà di sản công nghiệp cần được đặt trong một bối cảnh rộng lớn hơn, chúng cần được nhìn nhận như một phần của văn hóa, của dân tộc, của lịch sử xã hội. Vì vậy, vấn đề bảo tồn và tái thiết di sản công nghiệp cần được đặc biệt quan tâm và phải thúc đẩy sự tham gia, sự sáng tạo của xã hội”.

Bài học từ những mô hình thành công

Ông Phan Đăng Sơn đánh giá: “Hiện việc phát triển di sản công nghiệp ở Việt Nam chưa có mô hình thành công cụ thể, đa số chúng ta vẫn đang vừa làm vừa mò mẫm. Do đó, những mô hình thành công mà các bạn quốc tế mang đến rất quý giá”.

Trong số các mô hình tái thiết thành công của thế giới, các khách mời đặc biệt quan tâm đến Friche la Belle de Mai có tiền thân là nhà máy thuốc lá Seita lớn nhất tại Pháp. Ông Alban Corbier-Labasse (giám đốc của Friche la Belle de Mai) cho biết: Từ năm 1991-2000, nhà máy đã được chuyển đổi thành khu phức hợp văn hóa với không gian công cộng rộng 45.000 m2 bao gồm năm không gian biểu diễn, sân chơi, không gian thể thao, nhà hàng, hiệu sách, 2.400 m2 không gian triển lãm và một tầng mái rộng 8.000 m2. Hiện nay, nơi đây đã trở thành không gian làm việc của gần 70 tổ chức (gồm hơn 350 nghệ sĩ, nhà sản xuất và thành viên của các cộng đồng giải trí, sáng tạo khác nhau), và là một trong những điểm đến thu hút hơn 450.000 du khách đem về doanh thu khoảng 2 triệu euro mỗi năm.

Không gian văn hóa 'đáng tiền' từ nhà máy hoang phế ảnh 4
Hội thảo và Triển lãm “Tái thiết di sản công nghiệp” đều diễn ra ở 282 Workshop

Sau chuỗi hội thảo, từ 18/11 đến 11/12 sẽ có triển lãm “Tái thiết di sản công nghiệp” giới thiệu về 10 địa điểm tái thiết di sản của 5 quốc gia: Việt Nam, Pháp, Đức, Anh, Hà Lan tại chính không gian 282 Workshop. Rất nhiều ví dụ điển hình và thành công của những công trình di sản được giới thiệu như: Nhà máy thuốc lá Seita (năm hoàn thành: 1868) được chuyển đổi thành không gian sáng tạo mang tên La Friche La Belle de Mai (Pháp); Nhà máy dây cáp Gempt cũ (xây dựng những năm 1930) được cải tạo thành một trung tâm văn hóa ấn tượng mang tên Gempt Hall Lengerich (Đức); Mayfield (Vương quốc Anh), kết quả của dự án cải tạo khu công nghiệp Mayfield thành một khu phức hợp nhà ở hiện đại và là nơi tổ chức các hoạt động cộng đồng và trải nghiệm ẩm thực; The Utrecht Community (Hà Lan), một nhà kho cũ (Dutch Railway) đã được cải tạo thành một Trung tâm cho cộng đồng doanh nghiệp bền vững tại Hà Lan…

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Không gian văn hóa 'đáng tiền' từ nhà máy hoang phế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO