Khối nợ khổng lồ 260 nghìn tỷ đến kỳ thanh toán, nỗi lo tiền đâu để trả

01/04/2022 07:29

Số lượng trái phiếu DN đến kỳ thanh toán trong năm 2022 ước tính vào khoảng 266.000 tỷ đồng, chiếm 19% tổng lượng lưu hành. Đại dịch Covid đã khiến nhiều DN gặp khó khăn, dòng tiền suy kiệt, vỡ nợ có thể xảy ra.

Tăng trưởng “nóng”

Báo cáo thị trường trái phiếu mới đây của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy, năm 2021 các DN đã phát hành tổng cộng 722,7 nghìn tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2020. Trong đó, phát hành riêng lẻ vẫn là hình thức chủ đạo, chiếm tới 91% tổng lượng phát hành trái phiếu DN. Thị trường trái phiếu DN đã tăng trưởng nóng, với quy mô từ 4,93% GDP năm 2017, lên tới 16,6% GDP năm 2021.

Các DN bất động sản vẫn là nhóm phát hành nhiều nhất, tộng cộng 318,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 44% tổng lượng phát hành và tăng 66,3% so với năm 2020. Số lượng các DN bất động sản phát hành tăng từ 141 DN năm 2020 lên 193 DN trong năm 2021.

Khối nợ khổng lồ 260 nghìn tỷ đến kỳ thanh toán, nỗi lo tiền đâu để trả
Số lượng lớn trái phiếu DN đã đến kỳ thanh toán.

Chênh lệch lãi suất trái phiếu DN phi ngân hàng so với lãi suất tiền gửi từ 4-5%/năm, khiến nhu cầu tăng cao. Nhóm trái phiếu bất động sản có lãi suất duy trì ở mức cao từ 10,3%-10,6%/năm. Một số DN bất động sản phát hành trái phiếu lãi suất cao nhất thị trường từ 12-13%/năm. Để hấp dẫn nhà đầu tư khi mà chất lượng tài sản đảm bảo không cao, nhóm này phải duy trì lãi suất phát hành tốt hơn các nhóm khác, báo cáo viết.

Trong số 468 nghìn tỷ trái phiếu DN phi ngân hàng phát hành, trái phiếu không có tài sản đảm bảo chiếm 83 nghìn tỷ đồng, tài sản đảm bảo toàn bộ bằng cổ phiếu là 33 nghìn tỷ đồng, tài sản đảm bảo một phần bằng bất động sản và một phần bằng cổ phiếu là 131,3 nghìn tỷ đồng. Như vậy số trái phiếu DN không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu vẫn chiếm 53% tổng phát hành.

Tính riêng nhóm trái phiếu bất động sản không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu là 172,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 54,2% lượng phát hành năm 2021. Con số thực tế có thể lớn hơn vì có tới 33 nghìn tỷ đồng trái phiếu bất động sản phát hành không có thông tin về tài sản đảm bảo.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định, thị trường trái phiếu DN thời gian qua phát triển nhanh nhưng không ổn định. Tỷ trọng phát hành trái phiếu của các DN bất động sản luôn ở mức khá cao. Rủi ro với trái phiếu DN bất động sản đang tăng lên, bởi trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu.

Trong khi đó, theo Bộ Tài chính, vẫn có  nhiều DN phát hành trái phiếu với khối lượng lớn, trong khi vốn chủ sở hữu nhỏ, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh lỗ qua các năm. Đặc biệt đối với nhóm bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ trong năm 2021, có nhiều DN ghi nhận lỗ.

Tại thời điểm 30/06/2021, hệ số nợ vay trên vốn chủ hữu bình quân của các DN bất động sản chưa niêm yết là 8,1 lần. Những DN thua lỗ, nợ xấu, vốn ít, không có tài sản đảm bảo nhưng vẫn phát hành trái phiếu sẽ ảnh hưởng lớn đến nhà đầu tư, đến nền kinh tế đất nước.

Rủi ro trả nợ

Báo cáo của SSI cho biết, số trái phiếu DN đáo hạn trong năm 2022 ước khoảng  266.000 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2020 và chiếm khoảng 19% lượng trái phiếu DN đang lưu hành.

Trong khi đại dịch Covid-19 khiến nhiều DN gặp khó khăn, dòng tiền suy kiệt, môi trường kinh doanh không thuận lợi, ảnh hưởng đến kế hoạch trả nợ gốc và lãi trái phiếu.

Khối nợ khổng lồ 260 nghìn tỷ đến kỳ thanh toán, nỗi lo tiền đâu để trả
Số lượng lớn trái phiếu DN đến kỳ thanh toán, nỗi lo rủi ro rất gần

Việc phát hành trái phiếu DN để đảo nợ sẽ khó khăn hơn trong năm 2022. Thông tư số 16/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, có hiệu lực từ ngày 15/1/2022, đã ngăn chặn các ngân hàng thương mại mua trái phiếu DN, để giúp các DN đảo nợ.

Theo đó, các tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu DN phát hành để cơ cấu lại các khoản nợ; không được mua trái phiếu DN phát hành để góp vốn, mua cổ phần tại DN khác; không được mua trái phiếu DN phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động. Tổ chức tín dụng không được bán trái phiếu DN cho công ty con của mình. Tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu DN khi có tỉ lệ nợ xấu dưới 3%...

Trong khi đó, Bộ Tài chính đang dự thảo quy định mới, sửa đổi, bổ sung Nghị định 153 đối với phát hành trái phiếu riêng lẻ. Chẳn hạn, DN không được phát hành trái phiếu để góp vốn dưới mọi hình thức, mua cổ phần, mua trái phiếu của DN khác, hoặc cho DN khác vay vốn; yêu cầu có xếp hạng tín nhiệm đối với DN phát hành trái phiếu.

Các quy định này sẽ hạn chế đáng kể cơ hội huy động vốn trái phiếu của các DN trong năm 2022. Nhiều DN đang đau đầu tìm kiếm dòng tiền để trả nợ cho các trái chủ, nhằm tránh bị vỡ nợ. Tuy nhiên, các nguồn cung cấp tín dụng đang hẹp dần.

Giới chuyên môn lo ngại rằng, tăng trưởng “nóng” sắp gây ra những hậu quả khó lường. Bài học gần đây khi hàng loạt DN bất động sản của Trung Quốc bị vỡ nợ trái phiếu là minh chứng rõ nhất.

Chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim nhận xét, với lĩnh vực bất động sản, Việt Nam cũng giống như Trung Quốc, có không ít công ty "thổi giá", "vẽ" dự án. Có những DN gọi vốn hàng nghìn tỷ đồng qua trái phiếu nhưng chỉ chi vài trăm tỷ cho các dự án, còn lại là trả nợ và đầu tư vào những thứ khác... Tiếp đến, các DN bất động sản cũng có tỷ lệ nợ cao bất thường. Khi DN gặp trục trặc thì nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ nắm giữ các trái phiếu đều bị vạ lây.

Những rủi ro có thể phát sinh từ năm 2022, khi lượng lớn trái phiếu đến kỳ thanh toán. Chỉ cần một vài DN nhỏ vỡ nợ, cũng có thể lây lan nỗi sợ hãi và khiến niềm tin dành cho thị trường này sụt giảm nghiêm trọng. Nó có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tín dụng trong nền kinh tế.

Trần Thủy

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Khối nợ khổng lồ 260 nghìn tỷ đến kỳ thanh toán, nỗi lo tiền đâu để trả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO