Khi tình cảm được đong đếm bằng tiền

01/03/2021 06:15

Đọc câu chuyện của bạn, tôi quả thực cảm thấy rất buồn. Xưa nay, không ít người vẫn đong đo tình cảm bằng bạc tiền như vậy.

Cho nên cứ nói tình cảm không mua được bằng tiền là sai. Nghèo không phải là cái tội, nhưng nó dẫn đến sự mất kính nể là có thật.

Khi tình cảm được đong đếm bằng tiền - 1

Bà nội tôi cũng có tư tưởng giống như bố mẹ chồng bạn vậy. Bà có bốn người con trai hai người con gái, bố tôi là cả. Bố tôi nghỉ học sớm, ở nhà làm nông phụ bố mẹ nuôi các chú các cô ăn học. Các chú được học hành đến nơi đến chốn nên kinh tế khá hơn. Bố tôi ở gần, khó khăn, chỉ biết dùng cái công, cái tình của mình mà báo hiếu mẹ già, còn việc gì đụng đến tiền thì có các chú lo.

Vì không có tiền, nên mọi việc quyết định lớn nhỏ trong nhà đều không đến lượt bố tôi ý kiến. Lúc đầu bố tôi có nói nhưng nói mà không có tiền lo thì ai ủng hộ? Sau rồi bà nội nói: "Đứa nào lo được việc gì thì nghe theo ý kiến đứa đó". Vì bà nội không coi bố tôi ra gì, nên các chú cũng vậy thôi. Mẹ tôi nhiều lần bất bình: "Anh là anh cả, sao việc gì cũng phải cun cút nghe theo các chú ấy?". Bất bình là bất bình, nhưng nghèo thì vẫn phải chịu thôi. Ở trong gia đình, khi mà cha mẹ đối với các con đã có sự rạch ròi coi trọng coi khinh, thì ra xã hội đòi hỏi công bằng là điều xa xỉ quá.

Tôi kể chuyện nhà mình để thể hiện rằng tôi rất đồng cảm với nỗi ấm ức này của bạn. Con cái một nhà, đứa nọ đứa kia. Người có thể kiếm tiền mà lo toan mọi thứ chắc chắn nhẹ nhàng hơn người phải bỏ công bỏ tâm ra mà chăm sóc lo lắng. Nhưng dù cực nhọc thế nào, chỉ cần mẹ cha hiểu cho là được. Đằng này còn nói "tốt" không bằng "có tiền", thật sự không thể không bất bình, ấm ức.

Nhưng nói gì thì nói, đạo làm con chữ hiếu vẫn phải tròn. Như bố tôi luôn nói: "Bà nội các con có thể sai, nhưng bố vẫn phải làm tròn chữ hiếu để bản thân không áy náy". Sau này bà nội tôi mất đi, các chú các cô về khóc lóc này kia, bố tôi không khóc một chút nào. Bố bảo bố đã dồn hết tâm sức để chăm lo cho bà, chưa từng làm điều gì khiến bản thân phải nuối tiếc hay hối hận.

Tôi nhớ có lần tôi và một cô bạn thân đi làm thêm về, đêm đông giá rét thấy một ông cụ bên đường bới rác kiếm thức ăn. Lúc đó trong túi tôi thật sự không có một xu nào để mua cho ông cụ dù là một ổ bánh mì. Lúc đó bạn tôi nói: "Thật ra muốn làm người tốt cũng phải có tiền cậu nhỉ. Ví dụ như ông cụ kia, giờ mình chạy đến rơi nước mắt mà nói: "Cụ ơi, con thương cụ lắm, cụ chịu khó vượt qua nhé", và một người nữa cho cụ ấy một ổ bánh mì và bảo "cụ ăn đi cho đỡ đói". Vậy thì trong suy nghĩ ông cụ, ai là người tốt?".

Vậy nên bạn ạ, cuộc sống này đôi khi vẫn có những chuyện đáng buồn như thế. Tiền không phải là tất cả, nhưng không có nó chúng ta sẽ vất vả rất nhiều. Cho nên vào những lúc khó khăn, người ta dễ lấy tiền bạc ra để làm thước đo cho lòng tốt.

Bạn có thể buồn, có thể ấm ức, nhưng không nên vì thế mà bỏ mặc bố mẹ chồng. Chồng bạn có thể đã nói những lời khó nghe, vì đó là bố mẹ của anh ấy. Bạn không sang xin lỗi bố mẹ chồng cũng không sao, vì cơ bản bạn cũng chẳng nói gì sai quấy cả. Chồng bạn, anh ấy cũng bất lực như bạn vậy, vì cuộc sống khó khăn quá mà đôi khi chấp nhận mình trở nên nhỏ bé đi. Hãy cứ sống bình thường, đối đãi bình thường, chí thú nghĩ cách làm ăn cho cuộc sống bớt phần khốn khó.

Chỉ cần mình thấy mình sống như vậy là đúng là ổn, chẳng cần để tâm những lời nói vô tình cho mệt người bạn nhé.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Khi tình cảm được đong đếm bằng tiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO