'Khi có sandbox, cơ quan quản lý có thể yêu cầu gỡ các app tín dụng đen'

12/05/2020 09:15

Giám đốc Công ty Vay Mượn cho biết, nếu có cơ chế sandbox quy định ứng dụng cho vay ngang hàng, nhà phát hành app cho vay trên App store, Google Play phải dùng tài khoản email công ty, nếu vi phạm sẽ bị xử lý.

Sau khi ICTnews đăng tải loạt bài về các ứng dụng (app) tín dụng đen Trung Quốc tràn vào Việt Nam gây ra nhiều hệ lụy, đại diện truyền thông của Ngân hàng Nhà nước cho biết đang chuyển cho các đơn vị chức năng để trả lời về vấn đề này. Đại diện truyền thông của Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết đây là vấn đề liên quan đến nhiều bộ ngành như Bộ Tư Pháp, Bộ Công an cần cùng giải quyết.

Nhiều công ty Fintech của Việt Nam cho rằng nếu cơ quan quản lý nhà nước không sớm có những biện pháp ngăn chặn, nạn tín dụng đen với lãi suất "cắt cổ" như hiện nay sẽ gây ra nhiều hệ lụy với xã hội, với người vay và cả doanh nghiệp của Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực cho vay ngang hàng P2P.

Một công ty Fintech chia sẻ với ICTnews, hiện phân khúc khách hàng vay tiền qua các app thường dưới chuẩn của ngân hàng. Cụ thể, đa phần họ còn trẻ độ tuổi 20-35, trong đó phần nhiều là công nhân, thu nhập không cao và không có tài sản thế chấp. Nếu như trước đây, một số công ty Fintech của Việt Nam mới bắt đầu nhảy vào lĩnh vực này, thị trường còn rất trong sạch, chưa có sự tham gia ồ ạt của các app lậu. Lúc đó, dù các Fintech còn loay hoay tìm hướng làm, nhưng đa phần khách hàng đều rất trung thực. Cụ thể, họ tạo hồ sơ thật, con người thật và tâm lý vay thì sẽ trả vì sợ ảnh hưởng đến uy tín bản thân mình.

Tuy nhiên, hiện nay, sau một thời gian các app lậu lũng đoạn thị trường, rất nhiều app cho vay không rõ nguồn gốc đang cho vay siêu dễ, siêu nhanh nhưng lãi suất cao (lãi cao để bù rủi ro) đã làm xấu thị trường cho vay online, dẫn đến quan niệm vay cực dễ và không khó để bùng nợ. Từ đó, đã hình thành một nhóm, đội nhóm, thậm chí là group chuyên bùng tiền các app cho vay (dân chuyên ngành gọi là scam). Công việc hàng ngày của các nhóm này là đi vay tiền rồi tìm cách bùng nợ, và một người có thể vay đến 50-60 app.

Sau khi bùng tiền xong, thành viên sẽ khoe lên group các chiêu lách, mánh khóe để bùng tiền. Dạo một vòng quanh Facebook, không khó để tìm kiếm và thấy các group hướng dẫn cách "bùng" tiền vay online như Hội scam app A, app B… Để rồi, mỗi khi nghĩ về việc vay tiền online, khách hàng sẽ nghĩ tới cơ hội được vay và "xù" nợ. Từ đó dẫn đến hiệu ứng đám đông là cứ vay đi, không việc gì phải trả và khách hàng sẽ tìm đủ mọi cách lách. Chính vì thế, chất lượng khách hàng vay qua các ứng dụng vay ngang hàng càng ngày càng đi xuống, khách hàng "đẹp" ít dần đi và khách hàng "xấu" tăng lên.

"Nhiều app lậu sẽ tận thu, hớt váng bằng cách đối với khách hàng "xấu", họ tăng lãi để bù vào nợ xấu. Để rồi, cứ tăng lãi thì nợ xấu lại càng cao, nhận thức của khách hàng về vay online lại càng xấu thêm, dẫn đến hiệu ứng domino gây đổ vỡ thị trường. Một khi toàn bộ thị trường đã thật sự nát, các công ty Fintech Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ quy định của pháp luật sẽ rất khó để tồn tại do không thể làm giống app lậu. Đó là chưa kể đến việc cạnh tranh và đè bẹp các app lậu ngày càng khó khăn vì không thể cho vay dễ trong khi khách hàng càng ngày càng xấu, dẫn đến tập khách hàng bị thu hẹp" , đại diện công ty Fintech này chia sẻ.

Các app tín dụng đen Trung Quốc với giao diện tiếng Việt xuất hiện tràn lan trên chợ ứng dụng Google Plays.

Chia sẻ với ICTnews về giải pháp cho vấn đề này, bà Đào Thị Trang, Giám đốc Công ty Vay Mượn cho biết, nếu có cơ chế sandbox, cần quy định các app cho vay khi đưa lên App store, Google Play phải dùng tài khoản công ty, email công ty. Nếu app nào đưa lên từ tài khoản cá nhân và hoạt động trong lãnh thổ Việt Nam về lĩnh vực tài chính, vay online thì cơ quan chức năng hoàn toàn có quyền report và truy tìm xử lý vì không đăng ký và hoạt động trái quy định. Khi đã có quy định thì cho vay ngang hàng sẽ là một ngành nghề có điều kiện. Do đó, nếu thực hiện không đúng các quy định, cơ quan chức năng đều có quyền yêu cầu gỡ bỏ trên các hệ thống.

Ông Trần Thế Vĩnh, Tổng giám đốc Tima - một công ty hoạt đông theo mô hình P2P cho biết, để xử lý nạn tín dụng đen online như hiện nay, một mặt chúng ta cần tăng cường truyền thông tới người dân về đặc điểm chung của các app lậu. Đó là thông tin công ty không rõ ràng, thủ tục để vay quá dễ dàng nhưng kèm theo là chi phí vay phải trả lại quá cao. Đi kèm theo đó là việc đòi nợ không lành mạnh như dùng lời lẽ thoá mạ, phát tán thông tin xúc phạm nhân phẩm...

Bên cạnh đó, người dân cũng cần nâng cao ý thức cảnh giác, tìm hiểu rõ trước khi vay, báo cho cơ quan chức năng những trường hợp có các dấu hiệu tiêu cực.

"Trong ngắn hạn, cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát kiểm tra các công ty có dấu hiệu tiêu cực để ngăn chặn, trong dài hạn là ban hành khung pháp lý đưa loại hình này thành một loại hình kinh doanh có điều kiện và phải có giấy phép mới được hoạt động", ông Trần Thế Vĩnh nói.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
'Khi có sandbox, cơ quan quản lý có thể yêu cầu gỡ các app tín dụng đen'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO